/ 289
476

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 79


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm hai mươi bảy:


(Huyền Nghĩa) Ư thị khí trung, bối chi, phẩm chi, thành tam, thành cửu, cửu chi hựu cửu, tam chi hựu tam, hựu tế phân chi, phục ưng vô lượng, như nhị bộ trung thuyết.

(玄義)於是器中,輩之品之,成三成九,九之又九,三之又三,又細分之,復應無量,如二部中說。

(Huyền Nghĩa: Trong những người đúng là căn khí, lại chia ra thành ba bậc và chín phẩm, từ mỗi phẩm trong chín phẩm lại chia thành chín phẩm nhỏ hơn, từ mỗi bậc trong ba bậc lại chia thành ba bậc nhỏ hơn. Nếu phân chia tỉ mỉ hơn, sẽ là vô lượng như trong hai bộ kinh đã nói).


Đoạn này nói về phẩm vị trong Tây Phương Cực Lạc thế giới.


(Sớ) Thứ minh giai đẳng dã.

(疏) 次明階等也。

(Sớ: Kế đến là nói phẩm vị).


“Thứ” (次) là nói đến đoạn thứ hai, “minh giai đẳng”: Thuyết minh phẩm vị sai biệt trong Tây Phương Cực Lạc thế giới.


(Sớ) Bối giả, Đại Bổn tam bối, phẩm giả, Quán Kinh cửu phẩm, cố viết “tam, cửu”. Tam bối chi trung, phục tam bối chi, tắc thành cửu bối. Cửu phẩm chi trung, phục cửu phẩm chi, tắc thành bát thập nhất phẩm.

(疏)輩者,大本三輩,品者,觀經九品,故曰三九。三輩之中,復三輩之,則成九輩。九品之中,復九品之,則成八十一品。

(Sớ: “Bối” là ba bậc trong kinh Đại Bổn, “phẩm” là chín phẩm trong Quán Kinh, nên nói là “ba bậc, chín phẩm”. Trong ba bậc, [mỗi bậc] lại chia thành ba bậc nữa nên thành chín bậc. Trong chín phẩm, [mỗi phẩm] lại chia thành chín phẩm nữa, nên thành tám mươi mốt phẩm).


Trong “tam bối” lại chia thành tam bối nữa, tam bối là thượng, trung, hạ, trong bậc thượng có thượng thượng, thượng trung, thượng hạ, trong bậc hạ lại có hạ thượng, hạ trung, và hạ hạ. Trong ba bậc, lại chia mỗi bậc thành ba; do vậy, thành chín bậc. Mỗi một phẩm trong chín phẩm lại chia thành chín phẩm nữa nên thành tám mươi mốt phẩm.


(Sớ) Bối chi vô cùng, phẩm chi bất dĩ, tắc thành bách thiên vạn ức bối phẩm, cố viết “phục ưng vô lượng”.

(疏)輩之無窮,品之不已,則成百千萬億輩品,故曰復應無量。

(Sớ: Bậc thì vô cùng, phẩm chẳng thể xiết, nên thành trăm ngàn vạn ức bậc, phẩm; vì thế, nói “nên lại là vô lượng”).


Đoạn này nói ra chân tướng. Bình thường, quý vị đọc kinh văn, dường như phẩm vị trong Tây Phương Cực Lạc thế giới rất đơn giản, chỉ có ba bậc, chín phẩm, trên thực tế, chẳng phải vậy! Giống như học hành trong thế gian, trường học lại phân ra bao nhiêu là lớp; dẫu trong cùng một lớp, khi thi cử lại có bậc nhất, bậc nhì, bậc ba, một mực sắp xếp thấp dần như thế. Những điều này đều có ý nghĩa phẩm vị. Do công phu của mỗi người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới mỗi khác, nên phẩm vị cũng nhiều, đó là chuyện hết sức hợp lý.


(Sớ) Sở dĩ nhiên giả, quân danh niệm Phật, đồng nhất vãng sanh, nhi tu hữu Sự Lý, công hữu cần nọa, tùy nhân cảm quả, địa vị tự biệt.

(疏)所以然者,均名念佛,同一往生,而修有事理,功有勤惰,隨因感果,地位自別。

(Sớ: Nguyên do là tuy cùng gọi là niệm Phật, cùng là vãng sanh, nhưng tu tập có Sự và Lý, công phu có siêng năng hay biếng nhác, nhân nào cảm lấy quả nấy, nên địa vị tự sai khác).


Nêu ra lý do vì sao có nhiều phẩm vị dường ấy! Người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới công phu tu hành khác nhau, có Sự, có Lý. Nói thật ra, Lý và Sự đều tốt đẹp như nhau, nay chúng ta nhìn bằng con mắt thông thường, đương nhiên hiểu Lý tốt đẹp hơn chẳng hiểu Lý nhiều, tốt đẹp ở chỗ nào? Nói thật ra là một câu: “Chết sạch lòng so đo, khăng khăng niệm A Di Đà Phật”. Quý vị đã hiểu rõ Lý thì mới chết sạch lòng so đo, mong ngóng, khiêm hư sát đất. Nếu chẳng hiểu rõ Lý mà cũng có thể chết sạch lòng so đo, khăng khăng hành trì, quả báo đích thực sẽ chẳng khác người hiểu Lý cho lắm. Bất luận hiểu Lý hay không, đều phải niệm đến mức Kiến Tư phiền não đoạn sạch mới có thể đắc Sự nhất tâm bất loạn, quý vị phải ghi nhớ điểm này. Niệm Phật đến mức phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đó là vừa mới chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn. Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Tây Phương đều là Lý nhất tâm. Chúng ta dùng kinh Hoa Nghiêm để phân định, phán đoán, thì từ Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, cho đến Đẳng Giác tại Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là Lý nhất tâm bất loạn. Do điều này có thể biết: Công phu Lý nhất tâm sâu hay cạn, [phẩm vị] sẽ sai khác rất nhiều. Lý nhất tâm là như thế thì Sự nhất tâm và công phu thành phiến chẳng ra ngoài lệ ấy, cũng đều có cùng một tình hình. Vì thế, công phu phải siêng năng, dũng mãnh, phải nỗ lực, phải dùng thời gian quý báu để niệm Phật, như vậy thì khi cảm được quả báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, tự nhiên địa vị sẽ khác nhau!

/ 289