/ 289
760

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 78


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm hai mươi lăm.


Tứ, sở bị giai phẩm.

四、所被階品。

(Bốn, phẩm vị được hóa độ bởi kinh này).


“Giai” (階) là giai cấp, có ý nghĩa các tầng bậc sai khác, “phẩm” (品) là phẩm loại. Khi giới thiệu đại ý của cả bản kinh, phần này cũng là một hạng mục trọng yếu. [Sở bị giai phẩm] có nghĩa là căn khí, đẳng cấp như thế nào mới có thể học kinh này, mới có thể đạt được lợi ích chân thật. Vì thế, cần phải tìm hiểu. Sau khi hiểu rõ, chính mình mới biết căn tánh và trình độ hiện thời của chúng ta có thích hợp để tu học hay không? Trong phần này, chia thành hai đoạn, đoạn thứ nhất là Liệu Giản, đoạn thứ hai là Tổng Thâu. Đoạn thứ nhất (Liệu Giản) là chọn lọc, phân chia, phân biệt.


(Huyền Nghĩa) Dĩ tri thử kinh, văn lược, nghĩa phong, ngôn cận, chỉ viễn, vị ủy bị hà căn khí, hữu hà giai đẳng? Tiên minh liệu giản, tiền tam phi khí, vị vô tín giả, vô nguyện giả, vô hạnh giả, phản thị giai khí.

(玄義)已知此經,文略義豐,言近旨遠,未委被何根器,有何階等?先明料簡,前三非器,謂無信者、無願者、無行者,反是皆器。

(Huyền Nghĩa: Đã biết kinh này văn tự giản lược, ý nghĩa phong phú, lời lẽ gần gũi, ý chỉ sâu xa, chưa rõ kinh này thích hợp với căn khí nào, có những địa vị, tầng cấp như thế nào? Trước hết, nói về sự chọn lọc căn khí. Đầu tiên là ba loại chẳng phải là căn khí, tức là kẻ không có lòng tin, kẻ chẳng nguyện, kẻ chẳng có hạnh. Nếu không phải là những hạng người ấy thì đều là căn khí [thích hợp với kinh này]).


Hai câu đầu nhằm nói: Qua những điều được nói trong phần trước, chúng ta đọc xong, biết kinh văn của bộ kinh này tuy giản lược, nhưng ý nghĩa bao hàm trong ấy vô cùng phong phú. Câu văn thoạt nhìn đơn giản, nhưng ý nghĩa hết sức sâu xa. Đại khái, đã thấu hiểu điều này, nhưng chẳng biết hạng người có căn khí nào, thuộc giai tầng nào, phẩm loại nào mới thích hợp tu học pháp môn này. Trước khi tu học pháp môn này, chúng ta cần phải biết những điều này.

Ở đây, đại sư bảo chúng ta: Trước hết là phân loại, chọn lọc, phân chia, sắp xếp [căn tánh của hành nhân]. Trước hết, nói ba loại căn khí trong phần trên là “phi khí”, tức là những kẻ chẳng thích hợp tu học pháp môn này. Nói “căn khí” là vì kinh Phật thường dùng chữ “khí” để làm tỷ dụ. Thí dụ như “khí mãnh” (器皿: đồ đựng) ắt phải hoàn chỉnh thì mới có tác dụng, giống như chúng ta có chén trà. Chén trà này tốt đẹp thì gọi là “khí”; nếu nó bị nứt, chẳng thể gọi là “khí”. Rót nước vào sẽ bị rò rỉ, chẳng thể dùng được!

Ba loại nào là phi khí? Đấy là những kẻ chẳng thích hợp tu học pháp môn này, ở đây nói rất rõ ràng. Thứ nhất là “vô tín giả”, [tức là] kẻ ấy chẳng tin tưởng. Đối với chuyện niệm Phật đới nghiệp vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới kẻ ấy chẳng tin tưởng, vậy thì tu học pháp môn này vô ích, chẳng đạt được điều tốt đẹp. Thứ hai là “vô nguyện giả”, thiếu nguyện, tuy tin tưởng, mà chẳng mong vãng sanh. Đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng hoài nghi, nhưng trọn chẳng hâm mộ, chẳng có ý nghĩ cầu sanh Tây Phương. Đối với kẻ này cũng chẳng có cách nào hết, sức mạnh của kinh này chẳng phát sanh tác dụng đối với hắn. Thứ ba là “vô hạnh giả”, tuy có tín nguyện, nhưng chẳng niệm Phật, chẳng chịu niệm Phật thì cũng chẳng có cách gì hết, cũng chẳng thể thành công! Trừ ba hạng người này ra, nói cách khác, ai nấy đều có phần, “phản thị giai khí” (ngược lại thì đều là căn khí thích hợp), đủ thấy pháp môn này rộng lớn! Đó gọi là “tam căn phổ bị, lợi độn toàn thâu” (thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn); chỉ cần quý vị tin tưởng, bằng lòng vãng sanh, quý vị chịu niệm Phật là được. Đấy là căn khí của pháp môn này.


(Sớ) Tiên minh căn khí, hữu thị, hữu phi.

(疏) 先明根器,有是有非。

(Sớ: Trước hết nói về căn khí, có căn khí thích hợp, có căn khí chẳng thích hợp).


“Thị”: Người ấy là căn khí tu pháp môn Niệm Phật. “Phi”: Người ấy chẳng phải là căn khí của pháp môn Niệm Phật.


(Sớ) Thứ biệt giai đẳng, hữu thắng, hữu liệt.

(疏) 次別階等,有勝有劣。

(Sớ: Kế đó là phân biệt phẩm cấp, có phẩm cấp thù thắng, có phẩm cấp hèn kém).


Sự sai biệt trong tầng cấp, phẩm vị rất lớn. Kinh sớ đều nói rất rõ ràng.

/ 289