/ 289
750

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 77


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm hai mươi hai:


(Sớ) Hựu vân: Hệ niệm tư duy nhân duyên lực cố, đắc đoạn phiền não, thị Niết Bàn nghĩa. Như Phật cáo phụ vương: “Nhữ kim đương niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, thường cần tinh tấn, đương đắc Phật đạo”.

(疏)又云:繫念思惟因緣力故,得斷煩惱,是涅槃義。如佛告父王,汝今當念西方極樂世界阿彌陀佛,常勤精進,當得佛道。

(Sớ: Lại nói: Do sức nhân duyên hệ niệm tư duy bèn đoạn được phiền não, đó là nghĩa lý trong kinh Niết Bàn. Như Phật bảo phụ vương: “Cha hãy nên niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, thường siêng năng tinh tấn, sẽ đắc Phật đạo”).


Phần trên đã nói về Quán Phật Tam Muội và Bồ Tát Lục Niệm, trong sự tu hành học Phật, có thể nói những điều này đều là pháp môn chung; bất luận học theo tông nào, hay một pháp môn nào, cũng đều phải phát tâm tu học [các pháp môn chung này]. Nói đơn giản, “niệm” là giữ cho tâm định tại một chỗ, an trụ ở nơi ấy, đó là “niệm”. Trong tâm người học Phật chỉ có sáu chuyện này, đó là Bồ Tát Lục Niệm. Niệm Tam Bảo vô cùng quan trọng, chỉ cần là một người học Phật, trong khóa tụng sáng tối mỗi ngày của chúng ta đều có Tam Quy Y, đó là niệm Giác, niệm Chánh, niệm Tịnh. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã khai thị hết sức rõ ràng. Kế đến là niệm Bố Thí, niệm Trì Giới, niệm Thiên. Thiên là gì? Thập Thiện Nghiệp Đạo, Tứ Vô Lượng Tâm, chữ Thiên bao gồm hết [những điều ấy]. Tứ Vô Lượng Tâm là từ, bi, hỷ, xả. Người học Phật phải thường nghĩ đến sáu chuyện này, đó là pháp căn bản, là khoa mục chung trong Phật pháp.

“Hệ niệm tư duy nhân duyên lực cố” (do sức nhân duyên tư duy, hệ niệm): Hiệu quả ấy to lớn, có thể đoạn phiền não. Chúng ta niệm Phật chính là dùng công phu này. Vì thế, một câu Phật hiệu phải niệm đến mức đắc lực, có thể đè nén phiền não. Có thể đè nén phiền não, công phu bèn đắc lực! Đè nén lâu ngày, phiền não sẽ tự nhiên đoạn. Ngàn vạn phần đừng có ý niệm này: “Ta niệm đã lâu dường ấy, sao phiền não vẫn chẳng đoạn?” Hễ có ý niệm đoạn phiền não, sẽ chẳng thể đoạn phiền não! Vì sao? Vì ý niệm ấy chính là phiền não. Phiền não chẳng thể đoạn phiền não, ắt phải là chẳng có phiền não thì mới gọi là đoạn phiền não! Do vậy, chỉ nên thật thà niệm, nhất tâm là gì? Bất loạn là gì? Công phu thành phiến là gì? Nhất loạt chẳng quan tâm tới, chẳng cần ghim những điều đó trong lòng, như vậy thì mới được! Giữ những thứ ấy trong lòng đều là chướng ngại, đều là xen tạp. Đoạn phiền não là “Niết Bàn nghĩa”, Niết Bàn (Nirvāna) là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Diệt Độ. Tứ Đế Khổ Tập Diệt Đạo, Diệt là Niết Bàn. Niết Bàn có nghĩa là Diệt Phiền Não, Diệt Sanh Tử.

Chúng ta phải đặc biệt lưu ý câu tiếp theo, vì sao? Thích Ca Mâu Ni Phật nói với cha Ngài là Tịnh Phạn Vương (Śuddhodana) [là người có] mối quan hệ mật thiết. Thích Ca Mâu Ni Phật có pháp môn tốt nhất, nhất định trước hết sẽ khuyên cha Ngài tu. Mẹ Ngài đã qua đời, Ngài vừa sanh ra, mẹ liền sanh lên trời, rời khỏi nhân gian. Trong thế gian này, người có ân đức dầy nhất là cha Ngài. Đức Phật dạy cha Ngài pháp môn nào? Niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Thích Ca Mâu Ni Phật do di mẫu (dì) chăm bẵm, nuôi nấng nên người, cũng giống như vậy, Ngài khuyên di mẫu niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Quý vị hiểu ngay: Cầu sanh Tây Phương nhất định là thù thắng! Thích Ca Mâu Ni Phật khuyên người nhà, quyến thuộc, Phổ Hiền Bồ Tát khuyên bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Tạng là nói về pháp xuất thế gian, ở đây Thích Ca Mâu Ni Phật nói tới pháp thế gian. Trong các pháp thế gian lẫn xuất thế gian, pháp môn này là pháp môn bậc nhất, chúng ta phải đặc biệt chú ý điều này. Phụ vương của Phật là Tịnh Phạn Vương, đức Phật khuyên cha: “Nay cha nên niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật”. “Thường cần tinh tấn” (thường siêng năng, tinh tấn), “thường” (常) là chẳng gián đoạn. Tinh tấn nơi pháp nào? Một câu Phật hiệu chẳng gián đoạn! Hễ rảnh bèn niệm, lão pháp sư Đàm Hư nói: “Niệm mệt bèn nghỉ, tinh thần khôi phục bèn tiếp tục niệm”. Phải coi chuyện này là đại sự duy nhất của chính mình trong một đời; như vậy thì sẽ đắc Phật đạo. Vãng sanh Tây Phương bèn đắc Phật đạo, [Phật đạo] tức là đạo thành Phật.


 (Sớ) Hựu vân: Thập tâm hướng vãng, mạng chung tất sanh bỉ Phật quốc độ, thị Bảo Tích nghĩa.

/ 289