/ 289
791

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 76


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm mười chín:


(Sớ) Hựu Quán Kinh Hạ Hạ Phẩm Ngũ Nghịch văn trung, vị kỳ nhân thập thanh xưng danh, toại đắc vãng sanh, tắc quán tưởng vị thành, duy tư thập niệm, Ngũ Nghịch chi sanh, chánh xưng danh đắc sanh nhĩ.

(疏)又觀經下下品五逆文中,謂其人十聲稱名,遂得往生,則觀想未成,唯資十念,五逆之生,正稱名得生耳。

(Sớ: Lại nữa, trong kinh văn nói về Ngũ Nghịch trong phần Hạ Hạ Phẩm Vãng Sanh của Quán Kinh, có nói: “Người ấy xưng danh mười tiếng bèn được vãng sanh”, tức là quán tưởng chưa thành, chỉ nhờ vào mười niệm, Ngũ Nghịch vãng sanh chính là do xưng danh mà được vãng sanh vậy).


Đây là tháo gỡ [kiến chấp] do thấy kẻ tạo tội Ngũ Nghịch chẳng thể vãng sanh bèn hiểu lầm “trì danh niệm Phật là Tán Thiện, chẳng phải là Định Thiện”. Chương Hạ Hạ Phẩm của Quán Kinh đã ban cho người tu Tịnh Độ chúng ta một khải thị rất lớn, vì phương pháp được giảng trong Quán Kinh hoàn toàn là quán tưởng, nhìn từ chương kinh này, ta có thể thấy: Hoàn toàn chưa quán tưởng thành công, thậm chí có thể nói là kẻ ấy chẳng dùng đến công phu quán tưởng, mà dùng công phu nào? Dùng công phu niệm Phật! Hơn nữa, thời gian niệm Phật không lâu. Lâm chung mười niệm bèn có thể vãng sanh. Do vậy, Trì Danh Niệm Phật và pháp môn được giảng trong Quán Kinh chẳng khác nhau. Cũng có thể nói: Lý luận của pháp môn Trì Danh Niệm Phật dựa trên Quán Kinh, ta cũng có thể nói theo cách ấy. Vì thế, ba kinh thật sự là một, một mà ba, ba nhưng một.

Thế nhưng tội Ngũ Nghịch, khi lâm chung nhất định phải có nhân duyên thù thắng. Chuyện khẩn yếu đầu tiên là khi lâm chung phải sáng suốt! Nếu lúc lâm chung hôn mê, điên đảo, thậm chí chẳng nhận biết người nhà, quyến thuộc, đó là chuyện phiền phức! Dẫu có duyên gặp Phật pháp, cũng chẳng thể thành tựu! Mấy ai khi lâm chung sáng suốt, tỉnh táo? Hơn nữa, ai có thể bảo đảm chính mình lâm chung tỉnh táo, chẳng mê hoặc, chẳng điên đảo? Chuyện này nhất định chẳng thể cầu may. Do điều này, chúng ta phải sốt sắng tu phước báo. Hết thảy thiện căn, phước đức đã tu đều hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ, như vậy thì mới có thể bảo đảm khi lâm chung sáng suốt. Quý vị phải biết: Đời người rất ngắn! Trong thời gian vô cùng ngắn ngủi này, chúng ta hãy nên chịu đựng, dẫu có phước, chớ nên hưởng hết! Phước báo hưởng ba phần là đủ rồi, phần còn lại bố thí cho hết thảy chúng sanh, hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề; đấy mới là phương pháp chính xác duy nhất để cầu sanh Tịnh Độ.

Tạo tội Ngũ Nghịch mà khi lâm chung vẫn có duyên gặp Phật, người ấy đời này tạo tội nghiệp nhiều, nhưng đời trước chắc chắn thiện căn sâu dầy. Vì sao thiện căn sâu dầy mà đời này lại mê hoặc, điên đảo tạo tội nghiệp? Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đã giảng chuyện này rất rõ ràng: Bồ Tát chưa thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới còn bị mê khi cách ấm, loại Bồ Tát nào vậy? Trong kinh, đức Phật đã dạy: “Bỉ ư tiền thế trụ Bồ Tát đạo” (Kẻ ấy trong đời trước đã trụ trong đạo Bồ Tát), là Bồ Tát thật sự, chẳng giả, “vô số kiếp lai, cúng dường tứ bách ức Phật” (từ vô số kiếp đến nay, đã cúng dường bốn trăm ức Phật). Cúng dường bốn trăm ức Phật mà còn bị mê khi cách ấm, còn bị thoái chuyển, quý vị mới hiểu tánh chất nghiêm trọng của vấn đề này. Đời này người ấy mê mất, đã tạo tội Ngũ Nghịch, [đó là chuyện] rất có thể xảy ra! Nhưng thiện căn của người ấy hết sức sâu dầy, đáng tiếc suốt đời chẳng gặp thiện tri thức; vì thế, chấp mê chẳng ngộ, khi lâm chung gặp thiện tri thức. Gặp thiện tri thức rồi, được thiện tri thức chỉ điểm bèn giác ngộ. Sau khi giác ngộ bèn thật sự chịu niệm Phật, lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, tuy niệm Phật ít, chỉ niệm Phật hiệu mười tiếng cũng có thể vãng sanh. Ông Trương Thiện Hòa trong Vãng Sanh Truyện là một thí dụ rõ ràng nhất. Ông ta là người đời Đường, khi lâm chung mới gặp Phật pháp, mười niệm vãng sanh.

Chúng ta đọc đến đoạn kinh văn này, nhất quyết chớ nên giữ tấm lòng cầu may: “Lâm chung mười niệm vẫn có thể vãng sanh; hiện thời tạo tội nghiệp nhiều một chút cũng chẳng sao!” Nếu quý vị nghĩ như thế, lầm lẫn quá đỗi! Quý vị đừng nghĩ chỉ riêng các đồng tu tại gia, mà nhiều pháp sư xuất gia cũng hồ đồ, mê muội khi lâm chung, đủ thấy đây chẳng phải là chuyện dễ dàng, lúc bình thường phải nỗ lực, phải tu phước, phải sốt sắng tu học, phải học theo những đại đức đã vãng sanh xưa nay, biết trước lúc mất, không bệnh tật qua đời, tự tại lắm! Đấy mới là tấm gương chân chánh cho chúng ta!

/ 289