A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 75
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm mười sáu:
(Huyền Nghĩa) Thứ minh biệt giả, hoặc vị thử kinh đản văn Phật danh, hoặc vị thử kinh Phật thị Liệt Ứng, hoặc vị thử kinh hoa cục xa luân, hoặc vị thử kinh Ngũ Nghịch bất sanh, hoặc vị thử kinh chỉ thuộc hạ phẩm, bất tri nhị kinh thật nhất nghĩa cố, bất tri thử kinh vưu độc yếu cố.
(玄義)次明別者,或謂此經但聞佛名,或謂此經佛是劣應,或謂此經華局車輪,或謂此經五逆不生,或謂此經止屬下品。不知二經實一義故,不知此經尤獨要故。
(Huyền Nghĩa: Tiếp đó là nói tới những ý nghĩa riêng biệt: Hoặc có kẻ nói kinh này chỉ nghe danh hiệu Phật, hoặc nói Phật trong kinh này là Liệt Ứng Thân, hoặc nói trong kinh này, hoa chỉ hạn cuộc to bằng bánh xe, hoặc nói đối với kinh này, kẻ Ngũ Nghịch chẳng thể vãng sanh, hoặc nói kinh này chỉ thuộc hạ phẩm; chẳng biết hai kinh thật sự có cùng một nghĩa, chẳng biết kinh này lại càng đặc biệt quan trọng).
Trong đoạn này, chúng ta tiếp tục nói về ý nghĩa Bàng Thông, trước hết là sau khi trình bày xong mối quan hệ giữa kinh này và Thập Lục Quán Kinh, lại thảo luận ở một mức độ sâu hơn nữa, đối với sự niệm Phật và học Phật của chúng ta có mối quan hệ rất trọng yếu. Các đồng tu cũng có thể thấu hiểu pháp môn này là một pháp môn vô cùng khó gặp gỡ. Trong bài kệ Khai Kinh có câu: “Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ”; câu ấy đúng là sự thật ngàn muôn phần xác đáng, nhưng bao nhiêu người gặp được pháp môn này lại coi thường, bỏ qua, đúng là đáng tiếc! Sau khi gặp gỡ, chẳng những phải lý giải, mà còn phải lý giải sâu xa; sau đấy, chúng ta mới có thể sanh khởi lòng tin. Tín tâm thanh tịnh sẽ được thụ dụng. Tin sâu, nguyện thiết tha, khởi hạnh, chúng ta chắc chắn chẳng bỏ uổng một đời này.
Tu hành trong thời Mạt Pháp, trừ pháp môn này ra, mong thành tựu trong bất cứ một pháp môn nào đều chẳng dễ dàng! Vì sao? Nếu quý vị tự mình nghiêm túc phản tỉnh một phen, sẽ hiểu rõ. Thứ nhất, quý vị có thể phá Ngã Kiến hay không? Phá được Ngã Chấp hay không? Có thể đoạn tham, sân, si, mạn hay không? Trong kinh điển, đức Phật đã đôi ba lượt bảo chúng ta, trì giới, tu Định, cung kính, xưng tán, cúng dường, mà nếu chẳng thể lìa khỏi tham, sân, si, mạn, sẽ đều là chuyện thuộc về phía Ma Vương! Tu đến cuối cùng đều thành Ma. Chúng ta có tin nổi lời này hay chăng? Suy nghĩ cặn kẽ, quả thật có lý! Vì những gì quý vị tu là phước báo nhân thiên, nói cách khác, quý vị chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi, hưởng đại phước báo trong lục đạo luân hồi, lại khởi tham, sân, si, mạn to lớn, đấy chẳng phải là ma thì là gì vậy? A Tu La trong cõi trời và cõi người là do nghiệp nhân này mà tu thành. Có những người phiền não nhẹ nhàng, tuy tu phước báo ít, vẫn có thể vãng sanh. Thậm chí phước báo nhân thiên hoàn toàn chẳng tu, nhưng một câu A Di Đà Phật niệm đến tột cùng, người ấy có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, mạnh hơn phước báo nhân thiên nhiều lắm! Trong kinh luận, truyện ký và bút ký của cổ đức, chúng ta thấy chuyện này rất nhiều. Mục đích chủ yếu của đoạn kinh văn này là muốn làm cho chúng ta thấu hiểu tầm trọng yếu đặc biệt của bộ kinh này.
Có kẻ nói bộ kinh này là “đản văn Phật danh” (chỉ nghe danh hiệu Phật) cho nên là Tán Thiện, chẳng phải Định Thiện. Hoặc có kẻ nói Phật được giảng trong kinh này là Liệt Ứng Thân, chẳng phải là Thắng Ứng Thân. Quý vị hãy đọc lời chú giải.
(Sớ) Đản danh giả, hoặc vị Quán Kinh giáo tưởng bỉ Phật tướng hảo.
(疏) 但名者,或謂觀經教想彼佛相好。
(Sớ: “Chỉ nghe danh hiệu”: Là có kẻ nói Quán Kinh dạy tưởng tướng hảo của đức Phật ấy).
Đem so kinh này với Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh thì Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh nói cặn kẽ; chẳng những quý vị được nghe danh hiệu Phật, mà kinh còn dạy quý vị quán tưởng như thế nào. Kinh này chẳng dạy quý vị quán tưởng, chỉ dạy niệm danh hiệu Ngài, danh hiệu là bốn chữ.
(Sớ) Thử kinh đản trì tứ tự không danh, tắc bất kiến Phật thân, cố danh Tán Thiện.
(疏) 此經但持四字空名,則不見佛身,故名散善。
(Sớ: Kinh này chỉ trì suông danh hiệu gồm bốn chữ, chẳng thấy thân Phật, nên gọi là Tán Thiện).
Nói thật ra, đây là tri kiến của hàng phàm phu, chắc chắn chẳng phải là cảnh giới của Phật, Bồ Tát, vì sao? Phật và Bồ Tát đều chẳng có thân tướng nhất định. Đối với người Hoa, Quán Thế Âm Bồ Tát quen thuộc nhất. Có thư cục xuất bản Quán Thế Âm Bồ Tát Biến Tướng Đồ, trong sách ấy có hơn năm trăm bức hình Quán Âm Bồ Tát, có tướng nam, có tướng nữ, có các thân phận khác nhau, rốt cuộc, thân nào mới là Quán Thế Âm Bồ Tát? Phẩm Phổ Môn nói rất hay, nên dùng thân nào để đắc độ bèn hiện thân tướng ấy. Vì thế, Bồ Tát không có tướng nhất định. Các Bồ Tát đều chẳng có tướng nhất định, huống chi là Phật? Vì thế, đương nhiên Phật cũng chẳng có tướng nhất định. Làm sao quý vị có thể nói đây là Liệt Ứng Thân? Chúng ta nhất định phải biết điều này!