/ 289
820

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 73


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm mười một:


(Sớ) Tứ, Hoa Nghiêm dụ dược vương thụ, nhược hữu kiến giả, nhãn đắc thanh tịnh, nãi chí nhĩ, tỷ, lục căn, vô bất thanh tịnh. Chúng sanh kiến Phật, diệc phục như thị, dĩ kiến Viên Giác Phật, văn Phổ Môn pháp, thần lực nãi nhĩ. Thử tắc A Di Đà Phật đạo tràng, bảo thụ, kiến giả, văn giả, lục căn thanh tịnh cố.

(疏)四、華嚴喻藥王樹,若有見者,眼得清淨,乃至耳鼻六根,無不清淨。眾生見佛,亦復如是,以見圓覺佛,聞普門法,神力乃爾。此則阿彌陀佛道場寶樹,見者聞者,六根清淨故。

(Sớ: Bốn là trong kinh Hoa Nghiêm có tỷ dụ cây dược vương, nếu có ai thấy mắt sẽ thanh tịnh, cho đến sáu căn tai, mũi v.v... không căn nào chẳng thanh tịnh. Chúng sanh thấy Phật cũng giống như vậy, do thấy Viên Giác Phật, nghe pháp Phổ Môn, do thần lực nên như vậy. Trong kinh này, ai thấy đạo tràng, cây báu của A Di Đà Phật, sáu căn sẽ thanh tịnh).


Đoạn kinh này giảng rõ mối quan hệ giữa kinh này và kinh Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm là Thuần Viên, kinh này cũng có nghĩa thú[1] Viên Giáo. Đại sư nêu đại lược mười điều, đây là điều thứ tư. Kinh Hoa Nghiêm có tỷ dụ như thế này: “Dược vương thụ”, người trông thấy cây ấy, nhãn căn bèn thanh tịnh. Không chỉ nhãn căn thanh tịnh, mà sáu căn đều thanh tịnh. Đây là tỷ dụ “thấy Phật”. Nói thật ra, thấy Phật là phước báo rất lớn, thiếu phước báo sẽ chẳng thể thấy Phật. Dẫu thấy Phật, kẻ ấy cũng chẳng tin. Vì thế, học Phật thật sự chẳng phải là chuyện dễ. Bài kệ Khai Kinh của cổ nhân có câu: “Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ”. Câu ấy là sự thật, quả thật chẳng dễ gì gặp được Phật pháp. Gặp Phật pháp, nhất định phải liễu giải chính xác nghĩa thú của Phật pháp thì mới thật sự đạt lợi ích. Nếu không, gặp Phật pháp mà hiểu lầm, coi Phật, Bồ Tát như những vị thần, thì có thể nói là gặp và chẳng gặp không khác gì nhau cho lắm! Trong xã hội hiện thời, tuyệt đại đa số là hiểu cong vạy, hiểu sai lạc Phật pháp, chúng ta phải chú ý điều này!

Hôm nay, có một đồng tu đến hỏi tôi: “Hộ pháp như thế nào?” Đây thật sự là một vấn đề rất lớn. Nay chúng ta học Phật, toàn tâm toàn lực dâng hiến Phật pháp, thừa sự, cúng dường, có phải là chúng ta đã hộ pháp hay chưa? Chẳng hề! Hộ pháp phải nói theo hai tầng ý nghĩa:

- Thứ nhất là phải hộ trì pháp của chính mình, điều này rất trọng yếu. Tu học theo Phật pháp là tu chính mình, chứ không phải tu vị Phật nào khác! Tổng cương lãnh tu hành là Giác - Chánh - Tịnh, quý vị phải hộ trì điều này, hộ trì cái tâm thanh tịnh, hộ trì giác tánh, hộ trì chánh tri chánh kiến của chính mình. Đấy là hộ pháp chân chánh, sẽ có thể đắc Định, đắc Huệ!

- Điều thứ hai, phải hộ trì pháp của chư Phật Như Lai, đó là đại phước báo. Vì sao? Lợi ích nhân thiên! Do vậy, bất luận khi nào, chúng ta cũng phải phấn chấn tinh thần. Một tín đồ Phật giáo mà suốt ngày từ sáng đến tối gục đầu ủ rũ, là gì? Tuy chính mình Phật tâm rất thanh tịnh, nhưng đã hủy diệt Phật pháp của hết thảy chúng sanh. Dù người ấy thanh tịnh tới đâu đi nữa, chẳng có phước báo! Trong kinh Phật có tỷ dụ “La Hán thác không bát” (La Hán đi khất thực ôm bát trống trơn). Bậc La Hán đã chứng quả, đã chứng Tứ Quả La Hán, đi ra ngoài khất thực, không được ai cúng dường, hằng ngày đói meo vì không tu phước. Phải hộ trì hình tượng của chư Phật, chúng ta phải đặc biệt chú ý điểm này. Hộ trì hình tượng Phật pháp là tu phước, nhiếp thọ hết thảy chúng sanh, tiếp dẫn hết thảy chúng sanh, quảng bá Phật pháp, giới thiệu Phật pháp với hết thảy chúng sanh. Đó là hộ trì pháp của chư Phật, hộ trì pháp của chúng sanh, những điều này đều là chuyện thuộc về phước báo.

Hộ trì chính mình, hộ trì Định, hộ trì Huệ, phải hộ trì Giới - Định - Huệ của chính mình, phải hộ trì Văn - Tư - Tu của chính mình. Nếu nói theo tổng cương lãnh thì phải hộ trì Giác - Chánh - Tịnh của chính mình, điều này vô cùng quan trọng. Chữ “kiến Phật” được nói tới trong kinh văn có ý nghĩa ấy.

Nói theo nghĩa thú rất sâu, “thấy Phật” là gì? Là kiến tánh! Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Quý vị đã kiến tánh, lẽ nào sáu căn chẳng thanh tịnh? Đương nhiên thanh tịnh, nhưng chẳng thể nói là thấy vị Phật bên ngoài. Thấy Phật bên ngoài là duyên phận. Vị Phật bên ngoài nhắc nhở Tự Tánh Giác, Tự Tánh Tịnh của chính mình, chúng ta nhất định phải giác ngộ và hiểu rõ điều này. Nếu quý vị thấy Phật bên ngoài mà vẫn cứ y như cũ, chẳng thể đánh thức chính mình thì thấy mà cũng như chẳng thấy! Nói theo Phật pháp, kẻ ấy nghiệp chướng quá nặng! Thấy hình tượng Phật mà chẳng thể khởi Tự Tánh Giác, thấy tượng Bồ Tát mà chẳng khởi Tự Tánh Tịnh, mở kinh điển ra coi mà chẳng khởi Tự Tánh Chánh. Giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm, công đức của Trụ Trì Tam Bảo là ở chỗ này: Thường thường cảnh tỉnh chính mình. Chúng ta thấy rồi, vẫn mê hoặc, điên đảo y như cũ, chẳng thể cảnh tỉnh chính mình, đó là “thấy mà cũng như chẳng thấy”, chẳng đạt được hiệu quả sáu căn thanh tịnh!

/ 289