701

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 72

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm lẻ tám:

 

  (Sớ) Nhị vô ngã giả, nhân vô ngã, pháp vô ngã. Dĩ thượng diệc giai nhập ngũ pháp trung, tường kiến Nhập Lăng Già chư kinh.

  (疏) 二無我者 ,人無我 ,法無我 。 以上亦皆入五法

中,詳見入楞伽諸經。

(Sớ: Nhị vô ngã là nhân vô ngã và pháp vô ngã. Những điều trên đây cũng thuộc trong năm pháp, xem chi tiết trong các kinh như Nhập Lăng Già).

 

  Đây là nói tới Duy Thức, [nói tới] Duy Thức là nói tới lý luận trong Phật pháp, hết sức trọng yếu. Bất luận tông phái hay pháp môn nào, chúng ta thường nói “vô lượng pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn”, đều chẳng trái nghịch những đạo lý này. Trong các tông phái, nếu chúng ta quy nạp lại, có thể nói là có ba tông phái, những tông phái [quy nạp] này mang tánh chất là khoa mục chung [cho mọi tông phái]. Thứ nhất là Luật Tông, bất cứ tông phái Hiển hay Mật nào cũng đều phải giữ giới luật, nương Giới sanh Định, do Định khai Huệ. Đấy là khoa mục chung bắt buộc phải tu học trong Phật giáo. Thứ hai là Duy Thức, Duy Thức là nói về lý luận. Không chỉ kinh Di Đà chẳng thể trái nghịch đạo lý Duy Thức, mà Thiền Tông, Mật Tông cũng chẳng thể trái nghịch, nên Duy Thức cũng có thể nói là khoa mục chung. Thứ ba là Tịnh Độ Tông niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Tịnh Độ là chỗ quy túc cuối cùng của tất cả các tông phái; vì thế, nó cũng là khoa mục chung. Những vị tổ sư đại đức của Thiền Tông từ xưa tới nay đến cuối cùng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Tại Đài Loan, các đồng tu đều biết pháp sư Quảng Khâm tham Thiền, nhưng về già, Ngài chuyên môn niệm Phật, cũng là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đấy là tấm gương gần đây nhất mà chúng ta thấy. Vì thế, chẳng những phải tu ba tông này, mà chúng còn là khoa mục chung [cho mọi tông phái Phật giáo].

  Hai thứ vô ngã thì trong phần trước đã nói đại ý. Ắt cần phải đạt đến Nhân Vô Ngã mới có thể vượt thoát tam giới, chứng quả A La Hán, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, nhưng chưa thể kiến tánh. Nếu muốn minh tâm kiến tánh, phải tiến thêm một bước là phá Pháp Chấp, pháp cũng vô ngã. Hết thảy vạn pháp cũng vô ngã. Nên giải thích Ngã như thế nào? Ngã (Ātman) có nghĩa là chủ tể, hay tự tại. Trong kinh nêu ra bảy, tám định nghĩa của Ngã. Quả thật, hết thảy các pháp cũng là những pháp được sanh bởi nhân duyên, do nhiều điều kiện kết hợp lại. Pháp sanh bởi nhân duyên thì nói cách khác, nó không có chủ thể, chẳng thể nói cái nào là chủ. Sau khi đã biết Pháp Vô Ngã thì mới có thể minh tâm kiến tánh, mới có thể đạt được cái mà Thiền Tông gọi là “diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra”.

  Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ cũng chẳng rời khỏi đạo lý này. Nếu làm được Nhân Vô Ngã thì mới chứng đắc “nhất tâm bất loạn” được nói trong kinh này. Nhất tâm có hai loại: Sự nhất tâm và Lý nhất tâm. Trong lúc này, chỉ chứng đắc Sự nhất tâm bất loạn thì vãng sanh Tịnh Độ phẩm vị cũng cao, sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư. Nếu chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn, đã phá trừ Pháp Vô Ngã, minh tâm kiến tánh rồi, sanh vào Tịnh Độ, địa vị càng cao hơn, người ấy sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm dùng danh xưng Pháp Thân đại sĩ để chỉ những người thuộc địa vị ấy. Nếu nhìn theo tiêu chuẩn này, trong đời này chúng ta muốn cầu sanh Tịnh Độ đạt đến tiêu chuẩn ấy quả thật chẳng dễ dàng, thật đấy! Chẳng đạt đến tiêu chuẩn này, chẳng có cách nào thành tựu; vì thế, cổ nhân nói chắc nịch: Tu bất cứ pháp môn nào [ngoài pháp môn Tịnh Độ] cũng đều chẳng thể thành tựu, nguyên nhân là vì chỗ này, không có biện pháp nào phá Nhị Vô Ngã!

  Nhưng niệm Phật mà chưa đạt đến mục đích ấy cũng chẳng sao! Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đã nói rất rõ ràng: Chỉ cần có tín niệm kiên cố, mười niệm hay một niệm cũng đều có thể vãng sanh, điều kiện ấy mỗi cá nhân chúng ta đều có thể làm được, nhưng sanh về Tây Phương Tịnh Độ phẩm vị không cao, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Tuy phẩm vị không cao, phải biết hoàn cảnh của Tây Phương Cực Lạc thế giới quá tốt đẹp: Thế giới ấy không có ba ác đạo. Chẳng những không có ba ác đạo, mà Tu La đạo cũng chẳng có, chỉ có hai đường nhân thiên. Nói cách khác, hễ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu là Hạ Phẩm Hạ Sanh cũng chắc chắn chẳng đọa trong ba ác đạo. Ngoài ra, một điều tốt đẹp nữa là bên ấy thọ mạng dài lâu, thọ mạng của người Hạ Hạ Phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư bằng với A Di Đà Phật. A Di Đà Phật thọ vô lượng, nên người ấy cũng thọ vô lượng. Điều tốt đẹp lớn nhất của thọ mạng dài là tu hành nhất định thành công!

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net