/ 289
506

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 71

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm lẻ năm:

 

  Tam, phần nhiếp.

  三、分攝

  (Ba, thuộc về phần nào trong mười hai thể loại kinh điển).

 

  Đoạn thứ ba là Phần Nhiếp, phần trước đã nói về Tạng Nhiếp và Giáo Nhiếp.

 

  (Huyền Nghĩa) Phần giả, thập nhị phần giáo, như Tu Đa La, Kỳ Dạ đẳng, kim thử kinh giả, Tu Đa La, Ưu Đà Na, nhị phần nhiếp cố.

  (玄義) 分者 ,十二分教 ,如脩多羅祇夜等 。 今此經

者,脩多羅、優陀那,二分攝故。

  (Huyền Nghĩa: “Phần” là mười hai phần giáo, như Trường Hàng, Trùng Tụng v.v... Nay kinh này thuộc về hai phần Trường Hàng và Vô Vấn Tự Thuyết).

 

  Đức Phật nói hết thảy các kinh, có các thứ thể tài (genre) khác nhau. Cổ nhân gọi thể tài là Phần. Kinh Phật gồm có mười hai Phần, còn gọi là mười hai bộ (“bộ” là bộ phận), tức là mười hai loại thể tài khác nhau. Tu Đa La (Sūtra) là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Khế Kinh, thật ra là Trường Hàng, nay ta gọi [Trường Hàng] là “tản văn” (văn xuôi), theo phương thức tản văn. Kinh Di Đà từ đầu đến cuối được viết theo thể tài tản văn. Thể tài gồm mười hai loại, ở đây đại sư tỉnh lược, trong Phật Học Từ Điển và Tam Tạng Pháp Số[1] đều nói rất chi tiết.

 

  (Sớ) Phần giả, phân tề.

  (疏) 分者,分齊。

  (Sớ: Phần là phân chia rạch ròi).

 

  “Tề” (齊) là chỉnh tề, chia thành từng bộ phận, mỗi bộ phận tách biệt rõ ràng với những bộ phận khác.

 

  (Sớ) Dĩ nhất đại thời giáo.

  (疏) 以一代時教。

  (Sớ: Đem giáo pháp trong suốt một đời đức Phật).

 

  “Nhất đại thời giáo” là Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trong thế gian, giảng kinh, thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm. Tạng, Giáo, Phần do người đời sau phân chia, phán định, thuở Phật tại thế không có. Vì sao người đời sau phải phân loại? Vì trong hết thảy các kinh, đức Phật hoàn toàn chẳng làm giống như cách sắp xếp tùy theo trình độ học sinh trong nhà trường, từ Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, đến nghiên cứu sinh, chẳng giống như vậy. Thời đức Phật không có nhà trường, hết thảy các kinh được nói ra đều do có người đến thỉnh giáo. Những người đến hỏi có người trình độ rất sâu, có kẻ trình độ rất cạn, đức Phật khéo quan sát căn cơ, đối với người trình độ cạn bèn nói pháp cạn, đối với người trình độ sâu bèn nói pháp sâu, khiến cho người nghe ai nấy đều hoan hỷ. Do vậy, kinh Phật có độ sâu - cạn khác nhau rất lớn. Người đời sau nhằm dạy học thuận tiện đã phân loại kinh Phật, những kinh điển nào thích hợp với người căn cơ nông cạn, dành cho người trình độ nông cạn học, những kinh điển nào thích hợp cho người có trình độ bậc trung học tập, những kinh điển nào thích hợp với người có trình độ bậc cao học tập. Do vậy, chia Tam Tạng thành Ngũ Giáo; Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên, lại phân chia nhỏ hơn thành Mười Hai Phần Giáo nhằm nghiên cứu kết cấu văn tự và hệ thống tư tưởng của kinh văn.

  (Sớ) Biệt kỳ phân tề, các hữu sở thuộc dã. Kỳ Dạ, thử vân Trùng Tụng, Ưu Đà Na, thử vân Vô Vấn Tự Thuyết.

  (疏) 別其分齊 ,各有所屬也 。祇夜 ,此云重頌 。優

陀那,此云無問自說。

  (Sớ: Phân định sự khác biệt rạch ròi giữa các kinh, mỗi kinh đều thuộc về một thể tài nhất định. Kỳ Dạ được cõi này dịch là Trùng Tụng, Ưu Đà Na được cõi này dịch là Vô Vấn Tự Thuyết).

 

  “Biệt” là khu biệt (區別: phân chia rạch ròi thành từng phần). Kỳ Dạ (Geya) là thi ca, kệ tụng, câu văn hết sức tề chỉnh, mỗi bài gồm bốn câu. Kệ có các hình thức bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, có gieo vần, có thể phổ thành ca khúc để diễn xướng. “Kim thử kinh giả” (nay kinh này), kinh này là Tu Đa La, tức là thể tài tản văn, chẳng có kệ tụng, mà cũng chẳng có mật chú. Tản văn, kệ tụng, mật chú là ba thể tài lớn trong mười hai phần. Ưu Đà Na (Udāna) là Vô Vấn Tự Thuyết (không ai hỏi mà tự nói). Bộ kinh này cũng thuộc loại Vô Vấn Tự Thuyết, chẳng có ai khải thỉnh. Chúng ta thấy nhiều kinh điển đều do có người khải thỉnh, chẳng hạn như kinh Kim Cang do tôn giả Tu Bồ Đề bước ra thỉnh pháp, hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật nêu câu hỏi, đức Phật bèn giải đáp. Kinh Di Đà chẳng có ai khải thỉnh, do đức Phật tự nói ra, Vô Vấn Tự Thuyết!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289