A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 70
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm lẻ hai:
(Sớ) Ngũ Giáo giả, nhất, Tiểu Thừa Giáo, sở thuyết duy thị Nhân Không, túng thiểu thuyết Pháp Không, diệc bất minh hiển, dĩ y Lục Thức, Tam Độc, kiến lập nhiễm tịnh căn bản, vị tận pháp nguyên cố.
(疏)五教者,一、小乘教,所說唯是人空,縱少說法空,亦不明顯,以依六識三毒,建立染淨根本,未盡法源故。
(Sớ: Ngũ Giáo: Một là Tiểu Thừa Giáo, chỉ nói về Nhân Không. Dẫu có nói đôi chút về Pháp Không, nhưng cũng chưa rõ ràng, bởi pháp này dựa trên Lục Thức và Tam Độc để xây dựng [kiến giải về] căn bản nhiễm và tịnh, chưa trọn hết nguồn pháp).
Vượt thoát lục đạo sanh tử luân hồi, [Tiểu Giáo] lấy điều này làm chánh yếu. Muốn vượt thoát sanh tử luân hồi, đoạn Kiến Tư phiền não, chứng Nhân Không thì [tu tập Tiểu Giáo] sẽ có thể [thực hiện được], có thể đạt được mục đích này. A La Hán và Bích Chi Phật trong Tiểu Thừa đều thuộc vào cảnh giới này. Cao hơn một tầng là Đại Thừa Thỉ Giáo, Thỉ (始) là bắt đầu, từ Tiểu Thừa vừa mới bước vào Đại Thừa. Căn tánh của chúng sanh khác nhau; vì thế, sự tu học trong Phật pháp có thứ tự, mà cũng có khi chẳng tuân theo thứ tự. Giống như trong giới giáo dục hiện thời [tình trạng] cũng là như vậy: Tuân theo thứ tự là như Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, nghiên cứu sinh, học theo trình tự như vậy, theo thứ tự học cao dần lên; nhưng cũng có bậc thiên tài, chẳng cần phải theo thứ tự ấy, thậm chí còn chưa tốt nghiệp Tiểu Học mà có thể học Đại Học, chẳng cần phải học Trung Học, đương nhiên rất ít người như vậy.
Trong Phật pháp, quả thật căn tánh của chúng sanh khác nhau, tuy từ Đại Thừa nhập đạo, vừa bắt đầu liền học Đại Thừa, ít nhiều gì thì cũng cần có một chút cơ sở Tiểu Thừa? Nếu hoàn toàn không có cơ sở Tiểu Thừa, [học ngay vào Đại Thừa mà thành tựu], thì thật sự phải là bậc thiên tài hoặc bậc tái lai, kẻ tầm thường sẽ chẳng thể làm được! Giống như Lục Tổ đại sư của Thiền Tông, đúng là thiên tài! Trước thời Lục Tổ, chúng ta chẳng thấy có ai có căn tánh như Lục Tổ, mà sau Lục Tổ mãi cho đến hiện tại đã hơn một ngàn ba trăm năm, cũng chẳng thấy một ai. Vì thế, chúng ta chẳng thể học theo căn tánh ấy. Trong Ngũ Giáo, Lục Tổ thuộc vào Đốn Giáo, Viên Giáo, Ngài nhập đạo từ ngay nơi ấy, chúng ta chẳng thể làm được!
Chúng ta tu học tuy là vừa vào cửa Phật bèn học pháp Đại Thừa, nhưng Đại Thừa của chúng ta hiện thời vẫn chưa phải là Thỉ Giáo, chúng ta từ Chung Giáo, Đốn Giáo và Viên Giáo của Đại Thừa mà nhập môn. Do vậy, có nhiều đồng tu học Phật đổ hết tinh thần, siêng năng tu tập suốt đời, chẳng những chưa thể nhập môn, mà ngay cả tin tức cũng không có. Đó là sự thật. Học đến già, quý vị hỏi họ: “Trong Phật pháp, ông có tâm đắc gì hay chăng?” Người ấy không nói được! Dẫu học Thiền, vẫn chưa đắc Thiền Định; học Giáo, chưa đại khai viên giải. Niệm Phật chẳng đắc nhất tâm bất loạn. Dụng công cả đời, chẳng có thành tựu gì! Chúng ta thấy rất nhiều người gặp phải tình cảnh ấy, đấy là vì họ không hiểu giáo nghĩa, chẳng biết căn tánh của chính mình. Nếu chính mình chẳng phải là bậc thượng căn lợi trí, chúng ta cứ cầu học theo thứ tự, sẽ nhất định có thành tựu.
Phật pháp khác với pháp thế gian. Tu học pháp thế gian dùng một thời gian rất dài để tiến dần theo trình tự, cầu tiến bộ dần dần. Trong Phật pháp, tất cả các căn cơ được chia thành hai loại lớn: Một là hạng thiện căn sâu dầy, hai là kẻ phước đức sâu dầy. Đương nhiên hễ có thiện căn, nhất định có phước đức. Thiện căn sâu dầy, phước đức kém một chút, tình hình này rất nhiều. Có người phước đức sâu dầy, nhưng thiện căn kém một chút. Hai loại người này đều có thể theo pháp Đại Thừa. Thiện căn là gì? Thiện căn là nói đến tín giải. Người ấy nghe xong liền tin tưởng, Tín là thiện căn. Vừa nghe liền lý giải, đó gọi là “nhất văn thiên ngộ” (nghe một, ngộ cả ngàn), “cử nhất phản tam, văn nhất tri thập” (nêu lên một góc, suy ra ba góc kia, nghe một biết mười). Đấy là thiện căn sâu dầy. Phước đức kém một chút là người ấy coi nhẹ mặt Hành, thật sự nói đến đoạn phiền não thì người ấy chưa đủ công phu. Tín giải thì có, nhưng mặt Hành còn kém mấy phần!
Người phước đức nhiều, thiện căn ít, có thể tin, nhưng giải thì kém, sẽ không có năng lực ấy. Giảng cho họ cách nào, họ cũng chẳng thể thấu hiểu, cũng chẳng hiểu rõ ràng, nhưng người ấy có phước báo, phước báo là gì? Chịu hành. Chẳng hạn như quý vị bảo người ấy tham Thiền, người ấy hằng ngày tịnh tọa; bảo người ấy niệm Phật, người ấy một câu A Di Đà Phật suốt ngày từ sáng đến tối chẳng rời miệng, người ấy có thể hành, phước báo to lớn. Hai loại người này đều có thành tựu. Vì thế, kinh Di Đà bảo: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh vào cõi ấy); đủ thấy chỉ cần có thiện căn, có phước đức, nhất định có thể thành tựu. Nếu hai loại này (thiện căn và phước đức) đều nhiều, quá tốt đẹp! Đấy là bậc thượng căn lợi trí. Trong hai loại này, ai có loại này nhiều, loại kia ít, sẽ đều nhất định có thành tựu, chẳng thể nào không thành tựu. Sợ nhất là cả hai loại đều chẳng có, đối với Phật pháp nửa tin nửa ngờ, lại chẳng thể lý giải, đương nhiên càng chẳng chịu thực hành, loại người này chẳng thể thành tựu được!