/ 289
504

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 69


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang chín mươi chín:


(Sớ) Phạm ngữ Tu Đa La, thử vân Khế Kinh, danh vi Kinh Tạng, giải kiến hậu thích đề trung.

(疏)梵語脩多羅,此云契經,名為經藏,解見後釋題中。

(Sớ: Tiếng Phạn Tu Đa La, cõi này dịch là Khế Kinh, có tên là Kinh Tạng, [ý nghĩa chữ Kinh] xem trong phần giải thích tựa đề kinh ở phần sau).


“Phạm ngữ” (tiếng Phạn)[1] là một loại ngôn ngữ của Cổ Ấn Độ. Người Cổ Ấn Độ tự xưng họ là hậu duệ của Đại Phạm Thiên (Mahā-Brahmā); do họ hết sức tôn kính Phạm thiên, nên ngôn ngữ của họ được gọi là “Phạm ngữ”. Tu Đa La (Sūtra) là dịch âm, “thử vân Khế Kinh”, “thử vân” là phiên dịch, chữ “thử” (此) chỉ Trung Quốc. [Tu Đa La] phiên dịch sang tiếng Hán là Khế Kinh, có nghĩa là “thượng khế chư Phật chi sở chứng”, tức là nhất định tương ứng với Lý được chứng bởi chư Phật Như Lai. Dưới thì có thể khế hợp với căn cơ của chúng sanh. Nói theo cách bây giờ là “thích hợp với trình độ của chúng sanh”, có như vậy thì mới có lợi ích. Nếu chỉ khế Lý mà chẳng khế Cơ, tuy Lý chẳng sai, chúng ta học xong chẳng đạt được lợi ích thực tế. Nếu thích hợp trình độ, nhưng lại chẳng hợp Lý, sẽ chẳng khác gì rất nhiều loại sách vở trong thế gian! Vì thế, Kinh được dịch thành Khế Kinh, ý nghĩa này hết sức viên mãn!


(Sớ) Tỳ Nại Da, thử vân Điều Phục, tức Luật Tạng.

(疏) 毗奈耶,此云調伏,即律藏。

(Sớ: Tỳ Nại Da cõi này dịch là Điều Phục, tức Luật Tạng).


Tỳ Nại Da là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Điều Phục, đây cũng là Giới Luật. Giới Luật còn gọi là Điều Phục. Đây chính là Luật Tạng, phần này thuộc Luật Tạng trong Tam Tạng. “Điều” (調) có nghĩa là điều luyện (調練: rèn luyện, uốn nắn khiến một vật trở thành hài hòa), điều lý (調理: uốn nắn cho hợp lý), tức điều hòa, chỉnh lý. Tư tưởng, kiến giải, hành vi của chúng ta nếu có chỗ nào chẳng thích hợp hoặc sai lầm, chúng ta phải điều chỉnh. Giới Luật có ý nghĩa này. “Phục” (伏) là hàng phục phiền não. Trong kinh Kim Cang, tôn giả Tu Bồ Đề hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật nêu lên hai câu hỏi lớn; câu hỏi thứ nhất là “làm thế nào để hàng phục cái tâm”. Trong tâm chúng ta phiền não quá nhiều, vọng niệm quá nhiều, dùng phương pháp nào để hàng phục phiền não và vọng niệm? Đây là một câu hỏi lớn trong kinh Kim Cang. Câu hỏi thứ hai là “nên trụ như thế nào?” [nghĩa là] cái tâm của chúng ta nên an trụ ở chỗ nào? Một bộ kinh Kim Cang từ đầu đến cuối nhằm giải đáp hai câu hỏi này. Tác dụng của Giới Luật là hàng phục phiền não; do vậy, trì giới mới có thể đắc Định. Kinh Kim Cang gọi “đắc Định” là “ưng vân hà trụ?” (nên trụ như thế nào), tâm chúng ta nên trụ nơi đâu? Tâm nên an trụ trong cảnh giới Thiền Định. Nói theo pháp môn Niệm Phật, hãy nên trụ trong nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn là Thiền Định, thuộc về Luật Tạng.


(Sớ) A Tỳ Đạt Ma, thử vân Đối Pháp, tức Luận Tạng.

(疏) 阿毗達磨,此云對法,即論藏。

(Sớ: A Tỳ Đạt Ma, cõi này dịch là Đối Pháp, tức Luận Tạng).


Đây là Kinh - Luật - Luận Tam Tạng. A Tỳ Đạt Ma dịch sang nghĩa tiếng Hán là Đối Pháp. Pháp có hai loại:

- Thứ nhất, theo danh từ Phật học là Thắng Nghĩa Pháp, Thắng là thù thắng, Nghĩa là nghĩa lý, [Thắng Nghĩa] là nghĩa lý thù thắng nhất. Trong kinh Phật thường nói tới Đại Bồ Đề, Đại Niết Bàn, Thường Trụ Chân Tâm, những pháp giống như vậy thì gọi là Thắng Nghĩa Pháp.

/ 289