A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 68
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang chín mươi lăm:
(Sớ) Bất tật bất hành giả, Dịch Hệ Từ viết: “Dịch vô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố, phi thiên hạ chi chí thần, kỳ thục năng dữ ư thử”.
(疏)不疾不行者,易繫詞曰:易無思也,無為也,寂然不動,感而遂通天下之故。非天下之至神,其孰能與於此。
(Sớ: “Chẳng nhanh, chẳng đi” là như phần Hệ Từ trong kinh Dịch đã viết: “Dịch là không suy nghĩ, không làm, lặng lẽ, bất động, hễ cảm bèn thông thấu thiên hạ, chẳng phải là thần diệu đến tột bậc trong thiên hạ thì còn điều gì khác có thể được như thế”).
Đại sư trích mấy câu từ kinh Dịch. Phàm phu đều là hữu niệm. “Tư” là hữu niệm, cũng có thể nói: Phàm là hữu tâm, sẽ nhất định là hữu tư. Cái tâm ấy gọi là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm. Trong hết thảy các kinh điển, đức Phật thường dạy chúng ta “chân tâm ly niệm”. Chân tâm không có niệm, vọng tâm mới có niệm. Vọng tâm là nói tới tám thức. Phải đến khi nào mới không có niệm? Nói nghiêm ngặt sẽ là Bát Địa Bồ Tát. Bát Địa gọi là Bất Động Địa, chuyển tám thức thành bốn trí. Khi ấy sẽ thật sự ly niệm, không có vọng niệm. Do điều này, có thể biết: Từ Thất Địa trở xuống đều là hữu tư, hữu niệm. Vì thế, cảnh giới này vô cùng cao. Kinh Dịch nói “vô tư” và “vô vi”, đấy là cảnh giới của Bát Địa Bồ Tát trong Viên Giáo, đủ thấy Nho gia quả thật cũng chẳng đơn giản; còn như Lão Tử, Trang Tử, cổ nhân cho rằng họ thuộc cảnh giới từ Thất Địa trở lên. Tuy Phật giáo chưa truyền tới Trung Quốc, cảnh giới của họ quả thật đã đạt đến mức độ cao như vậy. Khổng Tử đương nhiên cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, Ngài là đại thánh nhân của Trung Quốc.
“Tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố” (Vắng lặng chẳng động, hễ cảm bèn thông thấu thiên hạ): Chúng ta phải đặc biệt chú trọng câu này. Không chỉ nhất tâm bất loạn của pháp môn Tịnh Độ thuộc về cảnh giới giống như thế, mà minh tâm kiến tánh trong nhà Thiền, đại khai viên giải trong Giáo Hạ, công phu đều phải đạt đến tầng cấp này. Đấy là bất luận trước thuận cảnh, nghịch cảnh, hay cảnh giới phi thuận phi nghịch (chẳng phải thuận cảnh, mà cũng chẳng phải nghịch cảnh), chúng ta đều phải có công phu đạt đến tiêu chuẩn này, tức là “tịch nhiên bất động”. Nếu nói theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, câu này chính là nói về Lăng Nghiêm Đại Định. Định ấy là Tánh Định, tức là Đại Định vốn sẵn có trong tự tánh, chứ chẳng phải do tu rồi có được từ bên ngoài!
Câu tiếp theo chính là Đại Định khởi tác dụng. Kinh Bát Nhã nói:“Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”. “Vô tri” là tịch nhiên bất động, tức là “vô tư, vô vi” như đã nói trong phần trên, tịch nhiên bất động, đấy là Lăng Nghiêm Đại Định. “Cảm nhi toại thông” (hễ cảm bèn thông) là khởi tác dụng, không gì chẳng biết, không gì chẳng làm. “Vô vi” là không gì chẳng làm; “vô tư” là không gì chẳng nghĩ. Phàm phu chúng ta tách chúng thành hai; chẳng hạn như [cho rằng] vô tư và hữu tư là hai chuyện, vô vi và hữu vi cũng là hai chuyện. Như vậy thì sẽ vĩnh viễn chẳng thể nhập cảnh giới của Phật, vĩnh viễn chẳng có biện pháp nào đạt đến nhất tâm bất loạn. Đức Phật và thánh nhân Trung Quốc dạy chúng ta: Vô vi và hữu vi là một, vô tư và hữu tư cũng là một. Nói như vậy thì càng nói càng huyền diệu, chúng ta rất khó lãnh hội. Thật ra, trong các buổi giảng chúng tôi cũng thường nhắc tới đạo lý này; tuy thường nhắc tới, chúng ta nghe đã nhàm tai, nghe quá nhiều lần rồi, gần như cũng biết có chuyện này, nhưng thật ra, rời khỏi giảng đường bèn quên tuốt, cho nên, nó chẳng khởi tác dụng, chẳng thể vận dụng đắc lực trong tu hành. Điều này chỉ trách chính mình tâm ý thô tháp, hời hợt, chẳng thể thật sự dốc sức vận dụng nó trong cuộc sống, trong khởi tâm động niệm.
Vô niệm là nói về chính mình. Hữu niệm là đối với người khác. Đối với người khác bèn vì người khác mà phân biệt hết thảy các pháp tướng, chứ trong tâm của chính mình, quả thật chẳng có phân biệt, chẳng có ý niệm. Vì thế, phân biệt là hữu niệm, hữu niệm sanh khởi từ vô niệm, lấy vô niệm làm gốc, lấy vô niệm làm Thể. Vì thế, “niệm tức vô niệm, vô niệm tức niệm”, thật sự là một, chẳng phải hai. Hiểu rõ đạo lý này, hữu vi và vô vi chẳng khó hiểu. Trong cảnh giới phàm phu, hễ vì người khác phân biệt pháp tướng thì trong tâm mình thật sự dùng cái tâm phân biệt. Nói cách khác, chúng ta vì người khác phân biệt pháp tướng thì cái tâm được sử dụng ấy là tâm ý thức, tức là sử dụng thức thứ sáu, thức thứ bảy, dùng phân biệt, dùng chấp trước, nên gọi là phàm phu, chẳng có cách nào thấu hiểu “nhất hiệp tướng”, “pháp môn Bất Nhị” như trong Phật pháp đã nói và “nhất tâm bất loạn” được nói trong kinh này. Những điều ấy đều thuộc về cảnh giới này.