/ 289
536

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 67


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang chín mươi ba:


(Huyền Nghĩa) Thập, phục minh kính lộ tu hành kính trung chi kính giả, thử hữu nhị nghĩa: Nhất giả, dư môn học đạo, vạn lý điều dao. Niệm Phật vãng sanh, cổ xưng kính lộ, nhi niệm Phật nhất pháp phục hữu đa môn. Kim thử Trì Danh thị vi kính lộ chi trung, kính nhi hựu kính. Hạc xung, bằng cử, ký sậu, long phi, bất tật, bất hành, nhi tốc nhi chí, kính trung kính hỹ.

(玄義)十、復明徑路修行徑中之徑者,此有二義:一者,餘門學道,萬理迢遙,念佛往生,古稱徑路。而念佛一法,復有多門,今此持名,是為徑路之中,徑而又徑,鶴沖鵬舉,驥驟龍飛,不疾不行,而速而至,徑中徑矣。

(Huyền Nghĩa: Mười là lại nói rõ [pháp môn này là] đường tắt nhất trong các đường tắt tu hành, ở đây có hai nghĩa. Một là học đạo trong các môn khác [như đi đường] xa xôi vạn dặm. Niệm Phật vãng sanh được cổ nhân gọi là “đường tắt”, nhưng trong pháp Niệm Phật lại có nhiều môn. Nay môn Trì Danh là đường tắt hơn con đường tắt nhất trong các con đường tắt. Hạc tung mình, đại bàng cất cánh, ngựa Ký phi, rồng bay, không nhanh mà lẹ, không đi mà tới, là đường tắt nhất trong các con đường tắt vậy).


Đây là đoạn thứ mười trong phần nhân duyên. Đoạn này đã nói rất rõ ràng: Mục đích tu hành không gì chẳng nhằm mong liễu sanh tử, thoát tam giới. Pháp môn tuy rất nhiều, nhưng thật sự có thể đạt đến mục tiêu ấy, chắc chắn chẳng phải là chuyện dễ! Mỗi một đồng tu chúng ta phải hiểu rõ điều này. Bất luận là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, hoặc bất cứ một tông phái, pháp môn nào, đều phải dồn sức đoạn phiền não; đừng nói “phiền não chẳng đoạn vẫn có thể vượt thoát luân hồi lục đạo”, nói như vậy chắc chắn chẳng hợp lý! Tập khí phiền não từ vô thỉ kiếp đến nay có thể nói là quá sâu, quá nặng, kinh điển nói “đoạn hết tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới” là địa vị Kiến Đạo trong Tiểu Thừa. Sau khi kiến đạo rồi mới có thể nói đến chuyện tu đạo. Chưa thấy đạo thì thử hỏi quý vị tu theo cách nào đây? Quý vị muốn tu đạo, trước hết phải kiến đạo. Kẻ tầm thường chẳng thể làm nổi chuyện này. Nếu chưa thấy đạo mà tu, bất luận quý vị tu theo cách nào, nhiều nhất là hưởng phước báo trời người mà thôi! Đó chẳng phải là pháp rốt ráo. Trong Phật pháp, địa vị Kiến Đạo trong Đại Thừa là minh tâm kiến tánh. Không chỉ phải đoạn sạch Kiến Tư phiền não, mà còn phải phá một phần vô minh, đó là địa vị Kiến Đạo trong Đại Thừa. Nói theo kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát có năm mươi mốt tầng cấp, tầng cấp thấp nhất là Sơ Tín. Phẩm số phiền não do Sơ Tín đoạn được bằng với Tu Đà Hoàn trong Tiểu Thừa. Thân phận hiện thời của chúng ta là gì? Chưa nhập lưu[1], khỏi cần bàn tới địa vị Sơ Tín. Cổ đức thường bảo: “Nếu không có pháp môn Niệm Phật vãng sanh này, mười phương chư Phật chẳng có cách nào phổ độ chúng sanh”. Nói cách khác, chúng sanh đời Mạt Pháp chẳng thể nào thoát khỏi tam giới!

Tịnh Độ Tông đương nhiên cũng phải kiến đạo, chẳng kiến đạo thì làm sao tu đạo được? Nhưng tiêu chuẩn [kiến đạo] của Tịnh Độ Tông khác với những tiêu chuẩn thường được nói trong Giáo Hạ, tiêu chuẩn của Tịnh Tông là đối với pháp môn [Niệm Phật] này phải thật sự tin tưởng, phát nguyện thiết tha, chẳng đoạn một phẩm phiền não nào cũng chẳng sao. Nếu quý vị tin tưởng thiết tha, thật sự tin tưởng, thật sự chịu phát nguyện, thì đó là địa vị Kiến Đạo trong pháp môn này. Chắc là quý vị nghe xong, trong tâm cảm thấy rất dễ chịu: “Nói chung, ta đã kiến đạo rồi”. Có thể nói như vậy, nhưng sau khi kiến đạo, vẫn phải tu đạo. Nếu quý vị không tu đạo, vẫn chưa thể vãng sanh, lại bỏ uổng đời này, vẫn chẳng tránh khỏi nỗi khổ sanh tử luân hồi.

Cách tu như thế nào? Ở đây, [đại sư] bảo chúng ta, đây là “kính lộ tu hành kính trung chi kính” (con đường tắt hơn con đường tắt nhất trong những cách tu hành theo đường tắt), đây là đề mục của khoa này. Trong vô lượng pháp môn trong giáo pháp suốt một đời đức Phật, Đại Thừa là đường tắt. So sánh giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa, Đại Thừa nhanh chóng, Tiểu Thừa chậm chạp. Kinh Tiểu Thừa nói: Sau khi chứng đắc quả Tu Đà Hoàn (Sơ Quả Kiến Đạo vị), phải bảy lần qua lại trong cõi trời hay trong nhân gian mới có thể chứng đắc A La Hán, chẳng thể chứng trong một đời. Trong Đại Thừa, muốn chứng địa vị A La Hán, hoặc cao hơn nữa là địa vị minh tâm kiến tánh, sẽ có thể hoàn thành trong một đời. So sánh giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa, Đại Thừa là đường tắt. “Kính” (徑) là con đường nhỏ, tức là lối tắt. Trong các con đường tắt, lại có con đường tắt hơn, còn có con đường tắt nào vậy? Thiền. Trong các pháp Đại Thừa, so sánh Thiền với các pháp môn khác thì Thiền lại là con đường tắt, “kính trung chi kính” (đường tắt nhất trong các con đường tắt). So với Thiền, có một pháp môn còn nhanh chóng hơn, còn ổn thỏa hơn, còn gần hơn nữa, đó là Niệm Phật! “Kính lộ tu hành” (đường tắt trong nẻo tu hành) là Đại Thừa, “kính trung chi kính”, chữ Kính thứ nhất chỉ Thiền, chữ Kính cuối từ ngữ này chỉ Tịnh Độ. Do đây có thể biết, niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ là con đường tu đạo gần nhất.

/ 289