/ 289
544

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 66


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang chín mươi:


(Huyền Nghĩa) Cửu, xảo thị nhân ư vãng sanh thật ngộ Vô Sanh giả.

(玄義) 九、巧示因於往生實悟無生者。

(Huyền Nghĩa: Chín là khéo léo chỉ dạy: Do vãng sanh mà thật sự ngộ Vô Sanh).


Đây là nhân duyên thứ chín trong các nhân duyên. “Xảo” (巧) là vô cùng hay khéo, cũng có nghĩa là chỉ dạy rất hay khéo: Chính vì vãng sanh thì mới có thể thật sự ngộ nhập Vô Sanh. Có thể nói là nhân duyên này khiến cho người ta cảm thấy rất hào hứng. Mọi người học Phật đều đặt mục tiêu là cầu đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Trong bài Kệ Hồi Hướng chúng ta niệm hằng ngày, có câu: “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh”. “Ngộ Vô Sanh” là một thành tựu thật sự trong quá trình tu học của Bồ Tát. Vô Sanh cũng là “sống đời đời” (vĩnh sanh) như các tôn giáo khác thường mong tưởng. Nói thật ra, các tôn giáo khác nói đến sự sống đời đời đều chẳng phải là thật, Thiên Đường trọn chẳng phải là sống đời đời, hiểu lầm rồi! Thật sự sống đời đời là trong Đại Thừa Phật pháp. A La Hán và Bích Chi Phật của Tiểu Thừa đều chưa đạt đến địa vị này. Do vậy, “ngộ Vô Sanh” là chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, là một thứ thành tựu mang tánh chất quyết định, là sự thành tựu chân thật.


(Huyền Nghĩa) Thất Địa cẩn danh hiện tướng, Bát Địa nãi đắc Vô Sanh.

(玄義) 七地僅名現相,八地乃得無生。

(Huyền Nghĩa: Thất Địa chỉ gọi là “hiện tướng”. Bát Địa mới đắc Vô Sanh).


Quý vị nghĩ xem: Vô Sanh Pháp Nhẫn là địa vị như thế nào? Địa vị Thất Địa Bồ Tát khá cao, được coi là đã chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Vô Sanh Pháp Nhẫn có ba phẩm: Thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm. Thất Địa Bồ Tát chứng đắc hạ phẩm Vô Sanh Pháp Nhẫn, Bát Địa là trung phẩm, Cửu Địa là thượng phẩm. Đến Đệ Thập Địa là Pháp Vân Địa, chẳng gọi là Vô Sanh Nhẫn mà gọi là Tịch Diệt Nhẫn, nhập cảnh giới của Phật, thanh tịnh tịch diệt. Thập Địa Bồ Tát là hạ phẩm Tịch Diệt Nhẫn, Đẳng Giác Bồ Tát là trung phẩm Tịch Diệt Nhẫn, Như Lai quả địa là thượng phẩm Tịch Diệt Nhẫn. Đạt đến Pháp Vân Địa thì có thể nói cảnh giới chẳng khác gì Phật.

“Thất Địa cẩn danh hiện tướng” (Thất Địa chỉ gọi là hiện tướng): Đây là tỷ dụ, trước hết, thấy phương Đông có sắc trắng, đấy là mặt trời sắp mọc, nhưng vẫn chưa mọc. Thất Địa Bồ Tát chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn có tình trạng giống như vậy, chưa thật sự đạt được, nhưng hết sức gần gũi. Đã thấy phương Đông tỏa sắc trắng, nhưng mặt trời chưa mọc, trong chốc lát sẽ mọc, dùng chuyện này để sánh ví cảnh giới của Thất Địa. Tuy Thất Địa Bồ Tát tu Vô Tướng Quán đã thành tựu, đã lìa khỏi phân biệt, chấp trước, nhưng những gì do thức hiện vẫn chưa trừ hết, chưa thể đại tự tại, chỉ gọi là “hiện tướng” mà thôi!

“Bát Địa nãi đắc Vô Sanh” (Bát Địa mới đắc Vô Sanh), Bát Địa Bồ Tát còn gọi là Bất Động Địa. Bất luận trong cảnh giới nào, tâm địa vẫn thanh tịnh, quyết chẳng bị cảnh giới bên ngoài lay động, tự mình thật sự làm chủ tể trong hết thảy cảnh giới nên gọi là Bất Động Địa. Khi ấy, Ngài đã chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, giống như sớm mai mặt trời đã mọc. Tánh bình đẳng hiện tiền, nếu chúng ta dùng lý luận của Duy Thức để nói cho dễ hiểu hơn thì: Chuyển thức thứ bảy thành Bình Đẳng Tánh Trí, thật sự chuyển được. Vì thế, thật sự đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Do chỗ này, chúng ta cũng có được một khái niệm rất rõ ràng, Thất Địa Bồ Tát chuyển thức thứ sáu, tức Ý Thức, thành Diệu Quán Sát Trí, thức thứ bảy, tức Mạt Na Thức, cũng chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí, nhưng chưa thể chuyển hoàn toàn, đến Bát Địa mới là chuyển hoàn toàn. Quý vị phải hiểu: Hai thứ Trí này đã chuyển được thì thức thứ tám chuyển thành Đại Viên Kính Trí, năm thức trước (Nhãn Thức, Nhĩ Thức v.v...) chuyển thành Thành Sở Tác Trí, đồng thời chuyển! Chuyển Thức thành Trí là “lục, thất nhân địa chuyển, ngũ bát quả thượng chuyển” (thức thứ sáu và thức thứ bảy chuyển trong khi tu nhân, năm thức trước và thức thứ tám sẽ chuyển khi chứng quả). Hễ thức thứ sáu và thức bảy đã chuyển thì năm thức trước và thức thứ tám cũng đồng thời chuyển theo. Nói cách khác, đạt đến Bát Địa Bồ Tát mới thật sự chuyển tám thức thành bốn trí, đấy mới thật sự là chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Trong bài kệ Hồi Hướng có câu: “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh”, tức là chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, đến khi ấy mới triệt để liễu giải hết thảy các pháp bất sanh bất diệt, quý vị bèn thấy đó chính là tướng chân thật của hết thảy các pháp, hết thảy các pháp không có sanh diệt. Nay chúng ta thấy hết thảy các pháp có sanh, có diệt, thấy động vật có sanh, già, bệnh, chết, thấy thực vật có sanh, trụ, dị, diệt (mọc lên, tăng trưởng, biến đổi, diệt mất), khoáng vật và quả địa cầu này có thành, trụ, hoại, không. Đấy đều là tướng sanh diệt! Đức Phật dạy chúng ta: Tướng sanh diệt ấy là huyễn tướng, chẳng phải là chân tướng. Chúng ta thấy huyễn tướng, chẳng thấy tướng chân thật của vạn pháp trong vũ trụ. Tướng chân thật của vạn pháp trong vũ trụ là bất sanh bất diệt. Lời nói này quá huyền diệu, nói thật ra, đây chẳng phải là cảnh giới của chúng ta, cũng chẳng phải là điều chúng ta có thể lãnh hội bằng kiến thức thông thường! Đây là cảnh giới Hiện Lượng của Phật và các vị đại Bồ Tát, phải là từ Bát Địa Bồ Tát trở lên, những vị ấy đích thân thấy hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt.

/ 289