A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 65
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản trang tám mươi tám:
(Huyền Nghĩa) Bát, đích chỉ tức hữu niệm tâm đắc nhập vô niệm giả.
(玄義) 八、的指即有念心得入無念者。
(Huyền Nghĩa: Tám là chỉ bày đích xác: Dùng ngay cái tâm hữu niệm để nhập vô niệm).
Đây là nói về nhân duyên thứ tám vì sao [đức Phật] giảng bộ kinh này. Cảnh giới cao nhất trong Phật pháp là vô niệm. Kinh Phật thường gọi “vô niệm” là “chánh niệm”. Vô niệm là không có niệm gì? Không có tà niệm! Không có tà niệm bèn gọi là “chánh niệm”. Tà và chánh khác nhau ở chỗ nào? Chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này! Lục Tổ nói rất hay: “Bổn lai vô nhất vật” (vốn chẳng có một vật); vốn chẳng có một vật nào chính là vô niệm. Đủ thấy chỉ cần dấy lên một niệm, một niệm ấy sẽ là vô minh. Trong hội Lăng Nghiêm, tôn giả Phú Lâu Na hỏi Thích Ca Mâu Ni Phật: “Vô minh do đâu mà có? Vì sao có vô minh?” Đây là một câu hỏi lớn. Đức Phật chỉ nói bốn chữ đã giải thích rõ ràng vấn đề này. Đức Phật nói: “Tri kiến lập tri, thị vô minh bổn” (trên tri kiến lại lập ra một cái biết nữa, đó là cái gốc của vô minh). [“Tri kiến lập tri” là] cội gốc của vô minh. Vô minh là từ trên tri kiến lại lập ra một cái biết nữa, kinh Pháp Hoa gọi “tri kiến” là “Phật chi tri kiến”. Mỗi người chúng ta đều là Phật, trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Viên Giác, đức Phật đã nói rất rõ ràng: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”. Đã vốn sẵn thành Phật thì có tri kiến của người nào chẳng phải là Phật tri Phật kiến? Từ trong tri kiến lại lập ra một cái tri kiến nữa, đó chính là vô minh. Vô minh do nhân tố này mà có!
Ý nghĩa này chẳng dễ gì thấu hiểu, chúng tôi nêu một thí dụ. Tôi lắc tay một cái, quý vị đều thấy rất rõ ràng, đó là tri kiến của Phật. Nếu quý vị phân biệt: Cái thẻ kẹp sách trong tay pháp sư bị lay động, đó là “tri kiến lập tri”, đấy là gốc vô minh. Đủ thấy khi sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, thấy rõ ràng, nghe rõ ràng, nếm rõ ràng, thứ gì cũng đều rõ ràng, trong ấy không có phân biệt, không có chấp trước, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, khi ấy chính là Phật tri Phật kiến, chẳng khác gì tri kiến của Như Lai. Phàm phu luôn cậy mình thông minh, khăng khăng thêm vào những danh tướng ấy khá nhiều danh từ. Lão Tử đã hiểu “danh khả danh, phi thường danh”, danh từ ấy là giả. Con người hiện tại coi giả danh là thật, quên khuấy chân tướng sự thật; đó là vô minh. Hễ có vô minh, sẽ sanh ra vô lượng vô biên phiền não.
Chỗ khác nhau giữa Phật và chúng sanh là Phật không có vô minh, phàm phu có vô minh. Chúng ta trừ khử vô minh bằng cách nào? Vô minh không còn, chúng ta sẽ thành Phật. Vô minh hoàn toàn chẳng còn thì là Phật. Phá được mấy phần, còn chưa thể phá hết sạch thì gọi là Bồ Tát. Phật, Bồ Tát và phàm phu sai biệt ở chỗ này. Chúng ta dấy lên vô minh, chẳng phải là bây giờ mới dấy lên, chẳng phải là đời này mới dấy lên, mà là đã nhiều đời nhiều kiếp bị vô minh che lấp chân tánh. Vì thế, sanh tử, tử sanh, vĩnh viễn luân hồi trong lục đạo chẳng thể thoát lìa. Nay nói đến vô minh đâm ra dễ hiểu hơn đối với chúng ta; nói tới vô niệm, nói tới bổn tánh, hóa ra chúng ta chẳng hiểu! Học Phật nhằm khôi phục bổn tánh, tức là khôi phục vô niệm. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, chẳng có một pháp môn nào ra ngoài lệ này, hoàn toàn là tu điều này!
Nay chúng ta dùng phương pháp niệm Phật, niệm Phật là cái tâm hữu niệm. Chúng ta có cái tâm niệm Phật, dùng phương pháp này, dùng cái tâm hữu niệm để chứng nhập chân tánh vô niệm. Vô niệm là Chân Như bổn tánh. Nhân duyên thứ tám nhằm thảo luận chuyện này. Quý vị hiểu rõ đạo lý này, mới biết niệm Phật có công đức chẳng thể nghĩ bàn. Thiền Tông tham Thiền có thể minh tâm kiến tánh, Mật Tông trì chú có thể “tức thân thành Phật”; vô niệm là minh tâm kiến tánh, vô niệm là tức thân thành Phật. Nay chúng ta chẳng cần phải tham cứu, cũng chẳng cần trì chú, mà minh tâm kiến tánh, tức thân thành Phật, dùng phương pháp gì vậy? Dùng phương pháp hữu niệm tâm. Chúng ta lại xem lời khai thị tiếp theo của đại sư.
(Huyền Nghĩa) Tâm bổn vô niệm.
(玄義) 心本無念。
(Huyền Nghĩa: Tâm vốn vô niệm).
Tâm này là chân tâm, chân tâm vốn “vô niệm”, Lục Tổ bảo là “vốn chẳng có một vật”. Chỉ cần quý vị hữu niệm đều gọi là vọng niệm. Vì sao đều gọi là vọng niệm? Vì trong chân tâm không có niệm, cho nên hữu niệm đều là vọng! Lại thưa cùng quý vị, hữu niệm là có phiền não, hữu niệm là có chướng ngại. Trong kinh Hoa Nghiêm nói tới Sự vô ngại, Lý vô ngại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại; vì sao đối với Ngài hết thảy đều không có chướng ngại? Vì Ngài vô niệm, vô niệm thì chân tánh hoàn toàn hiển lộ; bởi lẽ, trong chân tâm vốn chẳng có vọng niệm.