/ 289
787

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 64

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang tám mươi lăm:

 

  (Huyền Nghĩa) Thất, hộ trì đa chướng hành nhân bất tao đọa lạc giả.

  (玄義) 七、護持多障行人不遭墮落者。

  (Huyền Nghĩa: Bảy là vì hộ trì hành nhân nhiều chướng ngại khiến cho người ấy chẳng bị đọa lạc).

 

  Đây là nhân duyên thứ bảy khiến Liên Trì đại sư chú giải bộ kinh này. Vì sao phải chú giải bộ kinh này? Vì sao phải giảng bộ kinh này? Nói cách khác, vì sao phải tu học pháp môn Di Đà? Điều thứ bảy là nói “hộ trì đa chướng hành nhân”, “hành nhân” là người tu hành. Chúng ta thấy đề mục này liền lập tức suy nghĩ: Hiện thời, chúng ta thật sự có quá nhiều chướng ngại. Lắm chướng ngại, dễ bị đọa lạc, tu hành chẳng dễ gì thành tựu. Chướng ngại càng ít càng hay, dễ thành tựu; pháp môn này có ích rất lớn đối với người nhiều chướng ngại.

 

  (Huyền Nghĩa) Mạt thế tu hành, đa chư chướng nạn, nhất khuy chánh kiến, tức hãm quần tà.

  (玄義) 末世修行,多諸障難,一虧正見,即陷群邪。

  (Huyền Nghĩa: Tu hành trong đời Mạt có nhiều chướng nạn, hễ thiếu chánh kiến bèn bị vây hãm trong các thứ tà kiến).

 

  Hiện tượng này đặc biệt rõ ràng trong hiện thời, có thể nói phát tâm tu hành đều là thiện hạnh, đều là hảo tâm, nhưng chính mình thường đọa trong tà đạo, mà chính mình trọn chẳng hay biết. Nếu biết chính mình đi vào đường tà, đương nhiên kẻ ấy cũng quay lại. “Nhất khuy chánh kiến”: Chánh kiến vừa thiếu hụt đôi chút bèn biến thành tà tri tà kiến. Hiện thời, thiếu sót chánh kiến quá nhiều, đương nhiên do rất nhiều nhân tố: Thứ nhất là ít người thật sự hoằng dương chánh pháp, đó là ngoại duyên. Ngoại duyên quá ít! Những thứ chúng ta tiếp xúc, gặp gỡ, đúng như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Thời kỳ Mạt Pháp, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Tà sư quá nhiều, đó là ngoại duyên không tốt. Trừ ngoại duyên ra, bản thân chúng ta cũng chẳng tốt lành gì! Ưa chuộng kỳ quái, ham lạ chuộng quái! Theo đúng quy củ giảng kinh cho quý vị, [quý vị bèn chê] không có gì hiếm hoi, lạ lùng! Biến [việc giảng kinh] thành trò ảo thuật, hiển lộ một chút thần thông, [nâng thân] rời khỏi mặt đất ba thước, tuyệt diệu quá! Chính mình ưa thích thần thông, ham kỳ chuộng lạ! Do vậy, yêu ma quỷ quái liền biến hiện các thứ thần thông để dụ dỗ, mê hoặc quý vị. Nội duyên lẫn ngoại duyên đều bất hảo, nội duyên là không có chánh tri chánh kiến. Quý vị nhất định phải hiểu rõ: Phật pháp là sự giáo dục của đức Phật. Đã là giáo dục, nhất định phải theo quy củ dạy học, chẳng thể hằng ngày biến hiện trò ảo thuật, diễn trò xiếc cho chúng ta xem, không có kiểu cách ấy! Đúng quy củ lên lớp dạy học! Yêu ma quỷ quái mới làm ảo thuật, dùng trò xiếc để dụ dỗ, mê hoặc quý vị, chẳng lên lớp nghiêm túc. Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Sau khi hiểu rõ, chánh kiến của chúng ta mới được dấy lên. Tri kiến của chính mình đã chánh đáng thì bất luận lũ yêu ma quỷ quái bên ngoài biến hóa những trò ảo thuật gì, quý vị chẳng bị chúng nó dụ dỗ, mê hoặc!

  Ở Los Angeles, tôi đã từng gặp không ít các đồng tu học Phật rất kiền thành, từng có một vị Thượng Sư Mật Tông đến đó mở đỉnh đầu (khai đảnh) cho họ, cắm cọng cỏ vào đó[1]. Những đồng tu học Phật như ong vỡ tổ kéo đến, đến cắm cọng cỏ [vào đỉnh đầu] vẫn phải nộp lệ phí, thâu mỗi người hai mươi Mỹ kim. Đã thế, vị Thượng Sư bảo họ: “Đỉnh đầu đã mở, tương lai chắc chắn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới”. Tôi đến Los Angeles, các đồng tu đem chuyện này kể với tôi, tôi nói: “Nếu có pháp môn ấy trong thời Thích Ca Mâu Ni Phật, mà đức Phật chẳng truyền lại, Phật chẳng từ bi! Cớ sao chúng ta phải khổ sở niệm Phật nhiều năm như thế, cắm cọng cỏ vào đỉnh đầu là sang Tây Phương được rồi, đơn giản ngần đó! Pháp này chưa hề được truyền rộng khắp trong thiên hạ, đức Phật chẳng từ bi! Cắm cọng cỏ [vào một huyệt trên đỉnh đầu] bèn có thể vãng sanh, tôi chẳng tin tưởng!”

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289