/ 289
462

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 63


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang tám mươi tư:


(Sớ) Duy thử Niệm Phật pháp môn, tam bối cửu phẩm, tất giai độ thoát, triệt thượng, tắc tam tâm viên phát, trực nhập Vô Sanh; triệt hạ, tắc thập niệm thành công, diệc sanh bỉ quốc.

(疏)惟此念佛法門,三輩九品,悉皆度脫。徹上,則三心圓發,直入無生;徹下,則十念成功,亦生彼國。

(Sớ: Chỉ có pháp môn Niệm Phật này, ba bậc chín phẩm đều được độ thoát. Thông trên thì phát trọn ba tâm, vào thẳng Vô Sanh; thấu dưới thì mười niệm thành công, cũng sanh về cõi ấy).


Kinh A Di Đà không dài, cổ nhân ca ngợi bản chú giải của Liên Trì đại sư là “bác đại tinh thâm” (mênh mông, tinh vi, sâu thẳm). Cơ hội giảng Sớ Sao một lượt hết sức khó có, chúng ta phải nên quý tiếc dịp này. Lần này, khóa giảng của chúng tôi bị gián đoạn tám tháng, đột nhiên đọc kinh văn này, quả thật cũng chẳng biết nói điều gì. Xin quý vị mở quyển kinh, chúng ta ôn lại phần Duyên Khởi đã giảng trước kia. Trước khi giảng kinh, Liên Trì đại sư đã nói rõ đạo lý của bộ kinh này, đạo lý ấy được chia thành mười đoạn. Đoạn thứ nhất là Giáo Khởi Sở Nhân, [tức là] vì nguyên nhân nào mà [đức Phật] nói pháp môn này? Vì sao chúng ta phải niệm Phật? Trong điều này, trước hết là tổng thuyết (nói tổng quát), “tiên minh tổng giả (tổng nhân duyên), vị Như Lai duy vị nhất đại sự nhân duyên xuất hiện ư thế” (trước hết, nói nhân duyên chung, nghĩa là Như Lai vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong cõi đời). Rốt cuộc đức Phật vì đại sự gì vậy? Chúng ta phải hiểu rõ điều này!

Chuyện lớn nhất của đời người trong thế gian là đại sự sanh tử. Nhiều đồng tu cũng có thể nói [như vậy], tuy biết nói, nhưng thường quên khuấy đại sự này. Vì sao? Nếu quý vị chẳng quên khuấy, cớ sao quý vị khởi vọng tưởng? Quý vị suốt ngày từ sáng đến tối khởi vọng tưởng, đủ thấy đã quên khuấy đại sự này. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật nói “khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật”. Đó là lý do vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật giáng sanh trong thế gian này, vì sao Ngài muốn giảng Phật pháp cho chúng ta. Đức Phật “khai thị”, “khai” (開) là khơi mở, “thị” (示) là chỉ bày. Gợi mở, chỉ bày điều gì? Phật tri, Phật kiến. Mỗi cá nhân chúng ta vốn sẵn có Phật tri, Phật kiến. Kinh Đại Thừa nói “hết thảy các chúng sanh vốn đã thành Phật”. Quý vị vốn là Phật, vì sao ngày nay biến thành nông nỗi này? Do quý vị mê mất Phật tri Phật kiến của chính mình. Đức Phật làm Tăng Thượng Duyên cho chúng ta, giúp cho chúng khơi mở, chỉ bày Phật tri Phật kiến mà chúng ta sẵn có, nhưng chúng ta phải biết học. Vì thế, hai chữ “ngộ nhập” là chuyện của chính mình, đức Phật khơi mở, chỉ bày, còn bản thân chúng ta phải giác ngộ. Sau khi giác ngộ, chính mình phải nhập cảnh giới ấy, “nhập” (入) là phải chứng đắc, như vậy thì mới chẳng cô phụ ý nghĩa xuất hiện trong thế gian này của Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tiếp theo đó là “biệt thuyết”, nhân duyên riêng biệt gồm mười điều. “Nhất, đại bi mẫn niệm Mạt Pháp, vị tác tân lương cố” (Thứ nhất, do lòng đại bi nghĩ thương đời Mạt Pháp, làm cầu bến [cho chúng sanh]). Chúng ta đặc biệt chú ý từ ngữ “mẫn niệm Mạt Pháp”. “Mẫn” (憫) là xót thương; [“mẫn niệm Mạt Pháp” là] xót thương chúng sanh đời Mạt Pháp, nay chúng ta đang sống trong thời Mạt Pháp. Cõi đời loạn lạc, thế giới hiện thời nguy cơ trùng trùng, chẳng tìm được chỗ nào để an thân lập mạng, loạn đến tột cùng! Nhìn từ chỗ nào? Nhìn từ lòng người. Lòng người rối loạn, đánh mất chuẩn tắc, [tức là] chẳng có một nguyên tắc, tiêu chuẩn nào, không được rồi! Đây là một điềm dự báo hết sức bất lợi, chúng ta phải giác ngộ. Điềm dự báo là cả thế giới nhất định sẽ xảy ra tai nạn to lớn; nay chúng ta may mắn gặp gỡ Phật pháp, nếu có thể tin hiểu, y giáo phụng hành, trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi đại kiếp nạn xảy tới, chúng ta còn có đủ thời gian để chuẩn bị hòng có thể tránh khỏi tai nạn này, có đủ thời gian hòng thoát khỏi! Điều cốt yếu là chúng ta có tin hay không, tức là chính mình có thiện căn, phước đức hay chăng. Đã gặp nhân duyên này, [đức Phật] bảo rõ ràng với chúng ta: Trong thời Mạt Pháp, trừ pháp môn Niệm Phật ra, không có pháp nào khác cứu được! Tu học bất cứ pháp môn nào khác đều chẳng thể thành công!

Lần này, từ Hương Cảng, tôi đem về cuốn băng thâu âm lời khai thị trong Phật Thất của lão pháp sư Đàm Hư, quý vị hãy nghe lời giảng diễn của vị lão pháp sư này, Ngài là tổ sư của tông Thiên Thai trong thời cận đại, Ngài cũng nói rõ ràng, minh bạch: Trong cả một đời Ngài, thấy người niệm Phật biết trước lúc mất, có người đứng mà mất, có người ngồi qua đời, không bệnh tật mà mất, ra đi vô cùng tự tại, Ngài thấy cả hơn hai mươi người [ra đi như thế]. Chính Ngài ngồi viên tịch năm chín mươi mấy tuổi, cũng chẳng có bệnh tật gì! Đấy đều là những chuyện chứng thực rõ ràng. Ngài học giáo nghĩa Thiên Thai, Thiên Thai thì phải nên tu Chỉ Quán, nhưng Ngài chẳng tu Thiền, chẳng tu Chỉ Quán, mà niệm Phật, Ngài còn đặc biệt nói rõ: Trong thời đại này, tu Thiền, học Mật, hay học gì đi nữa, đều chẳng thể thành tựu! Ngài khai thị chém đinh chặt sắt như thế, khuyên chúng ta hãy niệm Phật. Vì thế, nhân duyên thứ nhất là tâm đại bi, đại từ đại bi, nghĩ thương lũ chúng sanh chúng ta trong hiện tại, làm cầu bến cho chúng ta.

/ 289