/ 289
506

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 61


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang tám mươi mốt.


(Sớ) Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới Kinh vân: “Bồ Tát liễu tri chư Phật, cập nhất thiết pháp, giai duy tâm lượng, đắc Tùy Thuận Nhẫn, hoặc nhập Sơ Địa, xả thân tốc sanh Diệu Hỷ thế giới, Cực Lạc Tịnh Phật độ trung”.

(疏)如來不思議境界經云:菩薩了知諸佛,及一切法,皆唯心量,得隨順忍,或入初地,捨身速生妙喜世界,極樂淨佛土中。

(Sớ: Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới Kinh chép: “Bồ Tát biết rõ chư Phật và hết thảy pháp đều chỉ là tâm lượng, đắc Tùy Thuận Nhẫn, hoặc nhập Sơ Địa, xả thân sẽ mau chóng sanh vào thế giới Diệu Hỷ, cõi Phật thanh tịnh Cực Lạc”).

Ở chỗ này, đại sư trích dẫn kinh để chứng minh: “Bồ Tát liễu tri chư Phật, cập nhất thiết pháp, giai duy tâm lượng” (Bồ Tát biết rõ chư Phật và hết thảy pháp đều chỉ là tâm lượng). Câu này được sách Diễn Nghĩa chú giải [trong phần sau]. “Thật sự liễu tri”, thông thường chúng ta nói có hai loại: Một là giải ngộ, hai là chứng ngộ; liễu tri thuộc về chứng ngộ, cảnh giới này do người ấy đích thân chứng đắc. Cảnh giới của bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo hay Sơ Địa trong Biệt Giáo trở lên là cảnh giới Hiện Lượng, chứ không phải Tỷ Lượng[1]. Kinh điển Đại Thừa thù thắng hơn kinh Tiểu Thừa rất nhiều, trong kinh điển Tiểu Thừa có những Sự và Lý đức Phật không bàn đến, cho nên người Tiểu Thừa không hiểu. Trong kinh Tiểu Thừa, đức Phật chỉ nói thức thứ sáu, còn thức thứ bảy và thức thứ tám thì chỉ trong Đại Thừa Phật pháp, đức Phật mới thường nói đến. Chúng ta đọc tụng kinh điển Đại Thừa hiểu rõ những đạo lý ấy, chúng ta cũng tin tưởng. Khi chúng ta còn chưa chứng đắc cảnh giới ấy thì gọi là “giải ngộ”, tức là chúng ta lý giải. Giải ngộ cũng có ích rất lớn, vì sao? Những điều ấy là phương hướng dẫn dắt chúng ta tu hành. Thanh Lương đại sư chia kinh Hoa Nghiêm thành bốn khoa: Tín, Giải, Hành, Chứng. Đủ thấy trong kinh Hoa Nghiêm, “ngộ” trong phần Giải thuộc về giải ngộ, cho đến phẩm Nhập Pháp Giới, nay chúng ta gọi là Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm, thì mới là chứng ngộ, chẳng phải là giải ngộ. Do điều này có thể biết: Giải cũng chẳng dễ dàng! Liễu giải rồi tu hành sẽ thuận tiện rất lớn.


(Diễn) Liễu tri Phật pháp giai duy tâm lượng giả, ngộ nhất thiết pháp.

(演)了知佛法皆唯心量者,悟一切法。

(Diễn: “Liễu tri Phật pháp đều chỉ là tâm lượng”: Ngộ hết thảy pháp).


“Ngộ” là giải ngộ.


(Diễn) Giai tự tâm hiện lượng dã.

(演) 皆自心現量也。

(Diễn: Đều là tự tâm hiện lượng).


Đều là tâm lượng của chính mình.


(Diễn) Đắc Tùy Thuận Nhẫn giả.

(演) 得隨順忍者。

(Diễn: Đắc Tùy Thuận Nhẫn là...)


Tốt đẹp ở chỗ này! Chúng ta ở trong hết thảy các pháp, tức là nói tới hết thảy Phật và pháp, chữ Phật tượng trưng cho mười pháp giới, tức hữu tình thế giới, dùng một chữ Phật làm đại diện, còn “pháp” là y báo, tức hoàn cảnh vật chất. Nay chúng ta gọi [y báo] là thực vật, động vật và các hiện tượng tự nhiên v.v... Tùy Thuận Nhẫn là đối với hết thảy hoàn cảnh nhân sự (quan hệ giữa người và người) và hoàn cảnh vật chất đều có thể tùy thuận, ở trong ấy chẳng khởi phân biệt, chấp trước, cũng chẳng khởi vọng tưởng thì tu hành mới hòng đắc lực, mới có thể vận dụng công phu. Nếu trong hết thảy các pháp chẳng thể Tùy Thuận Nhẫn, sẽ gặp nhiều chướng ngại ngăn trở cái tâm thanh tịnh của quý vị. Vì thế, Tùy Thuận Nhẫn hết sức trọng yếu. Điều kiện tiên quyết của Tùy Thuận Nhẫn là quý vị phải liễu tri vạn pháp “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, đạo lý là như vậy đó! Tận hư không trọn pháp giới đều là chính mình. Trừ chính mình ra, không có một pháp nào, pháp nào cũng đều là “tự tâm sở hiện, tự tâm sở biến”.

Kinh Đại Thừa thường nói: “Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”, nhất định phải hiểu đạo lý này. Có như vậy thì mới có thể chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, mới có thể chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn. Cùng niệm Phật như nhau, cùng đắc nhất tâm như nhau, vậy thì Lý nhất tâm và Sự nhất tâm khác nhau ở chỗ nào? Ở ngay chỗ này! Một đằng hiểu sâu xa Lý này, một đằng là nghi hoặc Lý này, hoặc là về căn bản chẳng thể tiếp nhận. Dẫu người ấy niệm đến mức nhất tâm, chỉ gọi là Sự nhất tâm. Sự nhất tâm là khuất phục phiền não, rất khổ! Lý nhất tâm bèn chuyển biến phiền não, tự nhiên [phiền não] không còn nữa, bèn đắc tự tại!

/ 289