/ 289
458

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 60


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang tám mươi:


(Sớ) Chánh Định Tụ giả, giản dị tà định, bất định.

(疏) 正定聚者,揀異邪定不定。

(Sớ: “Chánh Định Tụ” nhằm phân biệt [Định này] khác với tà định và bất định).


Đoạn văn này nhằm giải thích cho chúng ta biết: Bồ Tát muốn tự hành và hóa độ người khác ắt phải thành tựu định lực. Ở đây, định lực được gọi là Chánh Định Tụ. Tiếp theo đó, đại sư giải thích: Trong Thiền Định có chánh định và tà định; bất định chẳng cần phải nói tới. Tà định là gì? Phật pháp nói có nhiều thứ Định. Hễ tương ứng với tự tánh thì là chánh định, chẳng tương ứng với tự tánh là tà định. Dùng tiêu chuẩn này để phân biệt, để vạch giới hạn rạch ròi, chúng ta sẽ thấy chẳng khó hiểu lắm! So với những điều đã nói trên đây, so sánh giữa Thiền Định thế gian và Thiền Định xuất thế gian thì Thiền Định thế gian chẳng phải là chánh định. So sánh định xuất thế gian của hàng Tiểu Thừa và định của hàng Đại Thừa thì định của hàng Tiểu Thừa chẳng được coi là chánh định. Đấy là nói theo cách so sánh. Phàm phu (tức là ngoại đạo) cũng có định, nhưng công phu Thiền Định ấy có thứ do họ tu được, có thứ do quỷ thần hay ma dựa thân khiến họ tợ hồ cũng có những năng lực hiện hữu. Chúng ta đọc kinh Lăng Nghiêm thấy có năm mươi thứ Ấm Ma, chúng ta có thể hiểu được [chuyện này]. Kinh đã nói rất rõ: Nếu ma rời khỏi, năng lực Định Huệ của kẻ ấy mất ngay! Do ma gia trì nên kẻ ấy có năng lực đó. Những thứ ấy đều là định của tà ma, ngoại đạo, chẳng thuộc về chánh pháp.

Nói theo pháp thế gian, Tứ Thiền Bát Định vẫn được coi là chánh định, nhưng nói theo pháp xuất thế gian, chẳng thể coi [Tứ Thiền Bát Định] là chánh định thật sự được! “Chánh định” được nói ở đây chẳng bị thoái chuyển. Chúng ta biết Tứ Thiền Bát Định vẫn còn bị thoái chuyển, vẫn bị mất đi. Do điều này có thể biết: Định được nói ở đây mức độ thấp nhất cũng là Cửu Thứ Đệ Định được chứng bởi Tiểu Thừa Tứ Quả La Hán. Do vì đắc Định này, từ đấy trở đi, vị ấy không bị thoái chuyển. Vì thế, nói nghiêm ngặt, Chánh Định Tụ phải lấy điều sau đây làm tiêu chuẩn: Người ấy (tức người đắc Chánh Định Tụ) không bị thoái chuyển!


(Sớ) Sơ Tâm tiến thoái vị định.

(疏) 初心進退未定。

(Sớ: Hàng Sơ Tâm tiến lùi bất định).


Trong phần trên đã giải thích Sơ Tâm khá nhiều, kể cả các địa vị Thập Tín Bồ Tát trong Viên Giáo cũng đều thuộc loại “Sơ Tâm tiến thoái vị định”. Xét theo tiêu chuẩn này, Chánh Định Tụ nhất định phải kiến tánh; chẳng kiến tánh thì vẫn chưa thể coi là Chánh Định Tụ. Tiêu chuẩn này khá cao, cao hơn A La Hán rất nhiều!


(Sớ) Kim sanh An Dưỡng, vô luận cao hạ, giai bất thoái chuyển cố.

(疏) 今生安養,無論高下,皆不退轉故。

(Sớ: Nay [những người] sanh về An Dưỡng, bất luận [phẩm vị] cao hay thấp đều là bất thoái chuyển).


Đây là pháp môn rất đặc biệt. Xét theo hết thảy kinh giáo để nói, Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là Viên Giáo, toàn viên, tức là viên mãn trọn vẹn. Bộ kinh này được một phần viên, rất nhiều chỗ lý luận và cảnh giới hoàn toàn giống như kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm được gọi là Đại Bất Khả Tư Nghị Kinh, kinh này được gọi là Bất Khả Tư Nghị Công Đức, quả thật có lý lắm! Tiếp theo đây là lời giải thích ý nghĩa chữ Tụ.


(Sớ) Tụ giả, hội dã, tức văn trung “chư thượng thiện nhân” chi hội.

(疏) 聚者會也,即文中諸上善人之會。

(Sớ: “Tụ” là họp lại, tức là các vị thượng thiện nhân nhóm họp lại như trong kinh văn đã nói).


Tây Phương Cực Lạc thế giới và thế giới chúng ta khác nhau. Trong thế giới của chúng ta, có người đắc công phu Thiền Định, có người chưa đạt được. Người đắc thì ít, kẻ chưa đắc đông đảo. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới ai nấy đều đắc. Nói cách khác, ai nấy đều viên chứng ba thứ Bất Thoái; do vậy mới gọi là “thượng thiện tụ hội”.


(Sớ) Kim vị nhập thử tụ trung.

(疏) 今謂入此聚中。

(Sớ: Nay nói “nhập trong Tụ ấy”).

Tức là dự vào bọn họ, tụ họp với họ.


(Sớ) Kiến Phật văn pháp cố.

(疏) 見佛聞法故。

(Sớ: Do thấy Phật, nghe pháp).


Do đây có thể biết: Nay chúng ta tu hành ở nơi đây, quả thật đều là công phu dự bị. Khi nào chúng ta mới thật sự bắt đầu tu hành? Nhất định là đến Tây Phương Cực Lạc thế giới mới thật sự bắt đầu tu hành. Kinh văn trong phần trước có nói “phàm phu vô lực”, tức là không có năng lực, cũng là nói về hàng Sơ Tâm Bồ Tát, “duy ưng chuyên niệm A Di Đà Phật, sử thành tam-muội” (chỉ nên chuyên niệm A Di Đà Phật khiến cho tam-muội thành tựu), tam-muội là nhất tâm bất loạn, “lâm chung chánh niệm, quyết định vãng sanh, kiến Phật đắc Nhẫn, hoàn lai tam giới cứu độ chúng sanh” (lâm chung chánh niệm, quyết định vãng sanh, thấy Phật, đắc Nhẫn, trở về tam giới cứu độ chúng sanh), mấy câu này hết sức khẩn yếu, chỉ dạy chúng ta mục tiêu và phương hướng để nỗ lực cả một đời này. Ở đây lại nói “kiến Phật, văn pháp” (thấy Phật, nghe pháp).

/ 289