/ 289
523

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 58


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bảy mươi sáu:


(Sớ) Như chư Thanh Văn, bất kiến Xá Na thần lực, bất dự Bồ Tát đại hội, dĩ bổn bất tán thuyết thập phương Phật sát thanh tịnh công đức cố.

(疏)如諸聲聞,不見舍那神力,不與菩薩大會,以本不讚說十方佛剎清淨功德故。

(Sớ: Như các Thanh Văn chẳng thấy thần lực của Lô Xá Na Phật, chẳng dự đại hội của Bồ Tát, vì họ vốn chẳng khen nói công đức thanh tịnh của mười phương cõi Phật).


Trong đoạn này, đại sư dẫn kinh Hoa Nghiêm để nói; thuở Phật tại thế, hàng Tiểu Thừa hạn cuộc trong phạm vi nhỏ bé, nên đức Phật rất ít khi bảo họ: “Có mười phương thế giới, có mười phương chư Phật”, vì sao? Họ chẳng thể tiếp nhận, cho nên đức Phật chỉ nói với họ về thế giới Sa Bà. Mãi cho đến ngày nay, những quốc gia Tiểu Thừa như Thái Lan chỉ thừa nhận có một vị Phật là Thích Ca Mâu Ni Phật. Trừ Thích Ca Mâu Ni Phật ra, chẳng thừa nhận có Phật ở phương khác, càng chẳng thừa nhận con người có thể tu hành thành Phật. Họ cho rằng tu hành tối đa chỉ có thể thành A La Hán, chẳng thể thành Phật. Thật ra, trong các kinh Đại Thừa, đức Phật đã nói rõ ràng: Đây là tập khí nhiều đời nhiều kiếp của họ, chứ không phải là ngẫu nhiên. Giống như người Trung Quốc, nói đến chư Phật nơi phương khác, thế giới nơi phương khác, chúng ta đều có thể tiếp nhận, đấy cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng. Đúng như trong xã hội hiện tại, có rất nhiều người nói chuyện quỷ thần với họ thì có người tin tưởng, có kẻ nhất quyết không tin tưởng, về căn bản là chẳng thể nào làm cho họ tin tưởng được; điều này cũng có quan hệ mật thiết với nhân duyên trong quá khứ.

Hạng người Tiểu Thừa do nhiều đời nhiều kiếp chưa từng tiếp xúc Phật pháp Đại Thừa, cũng chưa từng tham dự đại hội Bồ Tát nào (tức là pháp hội Đại Thừa), vì sao? Vì có những người từ bao kiếp lâu xa đến nay chưa hề tán thán Phật, Bồ Tát, họ chẳng có tí xíu ý nghĩ cung kính nào. Tuy chư Phật, Bồ Tát đại từ đại bi đối với họ, nhưng vì căn tánh của họ chưa chín muồi, tạm thời để họ qua một bên, chẳng hỏi tới. Vì sao Phật, Bồ Tát chẳng dùng pháp Đại Thừa để tiếp dẫn họ? Quý vị phải hiểu: Họ gặp gỡ pháp Đại Thừa, chẳng những không tán thán mà còn hủy báng, hủy báng là tạo tội nghiệp. Do đó, chư Phật, Bồ Tát vẫn vì lòng đại từ đại bi, tránh cho họ khỏi tạo tác ác nghiệp. Do vậy, chẳng nói tới mười phương Phật, cũng chẳng nói Phật pháp Đại Thừa với họ. Có phải là Phật, Bồ Tát chẳng quan tâm đến họ hay không? Chẳng phải vậy! Phật, Bồ Tát ứng hóa trước mặt bọn họ, nên dùng Tiểu Thừa để độ họ thì Phật, Bồ Tát bèn hiện thân Tiểu Thừa để độ thoát. Từ chỗ này mới thấy được lòng từ bi thật sự của Phật, Bồ Tát, lũ tầm thường chúng ta chẳng thể nào tưởng tượng được!

Chúng ta lại xem đoạn văn tiếp theo, đoạn văn ấy càng nói rõ hơn nữa:

(Sớ) Cổ vị Tiểu Thừa vô tha Phật chi thuyết, đại giáo hữu sát hải chi đàm.

(疏) 古謂小乘無他佛之說,大教有剎海之談。

(Sớ: Cổ nhân nói: “Tiểu Thừa không nói đến vị Phật nào khác, giáo pháp Đại Thừa bàn đến sát hải[1]”).


Đây cũng là dẫn lời cổ đức để làm chứng.


(Sớ) Tư danh độc thiện chi lưu, diệc hiệu Độn A La Hán, thị dĩ giáo linh hồi đoạn diệt tâm, tu Tịnh Độ hạnh. Nãi tri chư Phật, Bồ Tát, bi trí hạnh nguyện, như thị quảng đại, như thị vô tận, tâm bất ngại cảnh, cảnh bất ngại tâm, nhất thiết chư pháp, bổn tánh tự không, chung nhật độ sanh, chung nhật vô độ, nhi đơn tu Thiền Định, bất nguyện vãng sanh, thị vi đại thất hĩ.

(疏) 斯名獨善之流 , 亦號鈍阿羅漢 , 是以教令回斷

滅心,修淨土行。乃知諸佛菩薩,悲智行願,如是廣大,如是無盡,心不礙境,境不礙心。一切諸法,本性自空,終日度生,終日無度,而單修禪定,不願往生,是為大失矣。

(Sớ: Hạng người này được gọi là “hạng người chỉ biết tốt lành cho riêng mình”, còn gọi là Độn Căn A La Hán, cho nên phải dạy cho họ xoay cái tâm đoạn diệt lại, tu Tịnh Độ hạnh. Do vậy biết bi trí hạnh nguyện của chư Phật, Bồ Tát rộng lớn như thế, vô tận như thế, tâm chẳng ngại cảnh, cảnh chẳng ngại tâm. Hết thảy các pháp, bổn tánh của chúng tự rỗng không, suốt ngày độ sanh mà suốt ngày chẳng độ. Chỉ tu Thiền Định, chẳng nguyện vãng sanh, sẽ bị mất mát to lớn vậy).

/ 289