A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 57
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bảy mươi lăm, giảng đến đoạn thứ tư của phần Giáo Khởi Nhân Duyên, nói về nhân duyên thứ tư:
(Huyền Nghĩa) Tứ, hóa đạo Nhị Thừa chấp Không bất tu Tịnh Độ giả, lương dĩ sạ đắc Ngã Không, tức sanh đam trệ, văn thuyết tịnh Phật quốc độ, giáo hóa chúng sanh, tâm bất hỷ nhạo, cố linh hồi Tiểu hướng Đại, phát ý vãng sanh.
(玄義)四化導二乘執空不修淨土者,良以乍得我空,即生耽滯。聞說淨佛國土,教化眾生,心不喜樂,故令回小向大,發意往生。
(Huyền Nghĩa: Bốn là giáo hóa, hướng dẫn hàng Nhị Thừa chấp Không chẳng tu Tịnh Độ: Ấy là vì họ vừa đắc Ngã Không, bèn sanh lòng đắm chấp, vướng mắc, nghe nói đến cõi nước thanh tịnh của Phật và giáo hóa chúng sanh, lòng chẳng vui thích, nên [đức Phật nói kinh A Di Đà] làm cho họ hồi Tiểu hướng Đại, dấy lên ý nguyện vãng sanh).
Đây là nhân duyên thứ tư: Đặc biệt nói với hàng Tiểu Thừa. “Nhị Thừa” là Thanh Văn và Duyên Giác, những người này chẳng tu Tịnh Độ. Nói cách khác, họ chấp trước khá nặng, được chút ít đã cho là đủ. Trong quá trình tu hành, đạt được thân tâm tự tại bèn rất thỏa mãn, ngừng ở đó, chẳng chịu tinh tấn tiến lên nữa! Đức Phật cũng hết sức từ bi đối với những người ấy, biết khuyết điểm của họ, dùng pháp môn Tịnh Độ để tiếp dẫn, thành tựu Phật quả rốt ráo cho họ.
(Diễn) Nhị Thừa chấp Không giả, Nhị Thừa nhân đơn tu chánh quán giả, đản niệm Không, Vô Tướng, Vô Tác.
(演)二乘執空者,二乘人單修正觀者,但念空無相無作。
(Diễn: “Nhị Thừa chấp Không”: Người Nhị Thừa chỉ tu pháp chánh quán bèn chỉ nghĩ tới Không, Vô Tướng, Vô Tác).
Pháp môn Tiểu Thừa rất nhiều, cũng có Tam Tạng Kinh - Luật - Luận hoàn bị, tông Thiên Thai phán định [Tiểu Thừa] là Tạng Giáo, có kinh Tiểu Thừa, luật Tiểu Thừa, luận Tiểu Thừa ba thứ đầy đủ, họ chiếu theo những thứ ấy để tu hành. Nguyên tắc và nguyên lý tu học của người Tiểu Thừa là phá Ngã Chấp, phá Nhân Ngã Không; do vậy, họ phải niệm “Không, Vô Tướng, Vô Tác”.
(Diễn) Kiêm tu trợ quán giả, đa do Tứ Không dĩ nhập Diệt Tận, cố giai chấp Không.
(演) 兼修助觀者,多由四空以入滅盡,故皆執空。
(Diễn: Người tu kèm thêm những pháp trợ quán thì phần nhiều dùng Tứ Không để nhập Diệt Tận, nên đều chấp Không).
“Tứ Không” là Tứ Không Thiên. Công phu tu hành của người Tiểu Thừa là Cửu Thứ Đệ Định, phải trải qua Tứ Thiền, Tứ Không Định[1] rồi mới vượt thoát [tam giới]. Tứ Thiền và Tứ Không gộp thành Bát Định; tám món Thiền Định này đều là Thiền Định thế gian, chưa thể vượt thoát tam giới. Tu thành công [tám món Định này] bất quá sanh vào Tứ Thiền Thiên[2] hoặc là Tứ Không Thiên. Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên thọ mạng rất dài, nhưng trong Tứ Thiền Thiên còn có Phật pháp, Tứ Không Thiên chẳng có Phật pháp. Chúng ta thường thấy kinh Phật nói tới “tam đồ bát nạn”, trong bát nạn có Tứ Không Thiên, tức Trường Thọ Thiên. Vì sao gọi là “gặp nạn”? Tuy đời này, quý vị sống trong thế gian, nhưng không có cơ hội nghe Phật pháp, đó là “gặp nạn”. Vì có cơ hội nghe Phật pháp, sẽ có cơ duyên vượt thoát tam giới. Hiện thời quý vị không có duyên phận này, đời này nhất định luống qua nên Phật pháp gọi điều này là “gặp nạn”. Tứ Không Thiên là một trong bát nạn. Bát Nạn là tám trường hợp không có cơ hội tiếp xúc Phật pháp.