/ 289
689

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 56


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản trang bảy mươi tư:

(Sớ) Nhược cứ bình đẳng pháp môn, phi cấu phi tịnh, tắc hân yếm vô địa, Chiết Nhiếp hà thi? Đản kim sanh tử phàm phu, mê tâm trục cảnh, bị lịch luân hồi, đầu xuất đầu một, cam tâm nhẫn thọ, tằng vô nhất niệm tỉnh phát phấn lệ, cầu nguyện xuất ly, nhi phục giá kỳ hân yếm, dục linh trực ngộ tự tâm, thị do điền oa tỉnh phụ, bất dữ chi thủy, nhi phản trách dĩ xung tiêu, chỉ ích trầm luân, ư sự hà tế?

(疏)若據平等法門,非垢非淨,則欣厭無地,折攝何施。但今生死凡夫,迷心逐境,備歷輪迴,頭出頭沒,甘心忍受,曾無一念省發奮勵,求願出離,而復遮其欣厭,欲令直悟自心,是猶田蛙井鮒,不與之水,而反責以沖霄,祇益沈淪,於事何濟。

(Sớ: Nếu dựa trên pháp môn bình đẳng chẳng cấu, chẳng tịnh thì ưa thích và chán nhàm chẳng còn chỗ tồn tại, hai môn Chiết và Nhiếp thi thố vào đâu? Chỉ vì hàng phàm phu sanh tử hiện thời, mê tâm đuổi theo cảnh, trải đủ mọi nỗi luân hồi, thoạt ra, thoạt vào, cam tâm chịu đựng, chưa hề có một niệm phản tỉnh, phát tâm dũng mãnh, cầu nguyện thoát lìa. Thế nhưng lại ngăn lấp cái tâm ưa - chán [của họ], mà cứ muốn làm cho họ ngộ trực tiếp cái tâm thì sẽ giống như chẳng ban nước cho con ếch ngoài đồng hay con cá diếc dưới giếng, lại ngược ngạo trách chúng chẳng thể tung mình vọt lên tận trời thẳm. [Hóa độ kiểu đó] chỉ càng [làm cho kẻ phàm phu sanh tử] tăng thêm trầm luân, có ích gì đâu?)


Đây là phần giải thích cho nhân duyên thứ ba trong phần trước. Phật pháp là pháp bình đẳng, nhưng trong pháp bình đẳng, đức Phật vì chúng ta mà phương tiện nói ra rất nhiều pháp môn bất bình đẳng. Nói “bất bình đẳng” là vì trong con mắt thịt của lũ phàm phu chúng ta thấy dường như [những pháp môn ấy] bất bình đẳng, chứ thật ra, chúng là bình đẳng. Vì sao? Chúng được kiến lập trên tánh bình đẳng. Đoạn Sớ này đã giảng rất rõ vì sao chúng ta thấy [những pháp môn ấy] bất bình đẳng? Vì tâm chúng ta chẳng thanh tịnh. Chúng ta dùng tri kiến phàm phu để nhìn Phật thì Phật cũng là phàm phu, mắt Phật nhìn chúng sanh, thấy phàm phu đều là chư Phật. Tình hình khác biệt phát sanh từ chỗ này! Do vậy, nói chân thật thì [mọi pháp đều] bình đẳng.

Trong pháp bình đẳng chẳng có cấu hay tịnh. Nếu nói thế giới Sa Bà là một thế giới cấu uế, thế giới Cực Lạc là thế giới thanh tịnh, đó là nói phương tiện. Còn nói chân thật, sẽ chẳng có [cấu uế hay thanh tịnh], chắc chắn không có tình hình ấy. Chẳng những không nói đến nhiễm, ngay cả tịnh cũng chẳng có. Vì sao? [Biện định là] nhiễm hay tịnh tức là đã lập ra tương đối. Không có nhiễm, lẽ đâu có tịnh? Không có tịnh, đương nhiên cũng chẳng có nhiễm! Những điều này hoàn toàn là những hiện tượng do tâm địa của chính mình mê hay ngộ mà sanh ra. Giác ngộ rồi thì phảng phất là hết thảy thanh tịnh[1]. Khi nhiễm ô, dường như hết thảy đều dơ xấu! Đấy đều là huyễn tướng sanh từ kiến giải lầm lạc của chúng sanh, chẳng phải là chân tướng. Chân tướng là tướng bình đẳng.

Từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy cảnh giới của Phật và các đại Bồ Tát là Nhất Chân pháp giới, đấy là thật, còn mười pháp giới chẳng chân thật. Mười pháp giới đều là nói phương tiện. Đừng nói lục đạo phàm phu, ngay cả Phật [pháp giới trong mười pháp giới] cũng là nói phương tiện. Vì sao? Trong Nhất Chân pháp giới, chẳng có Phật mà cũng chẳng có chúng sanh. Quý vị phải hiểu rõ ý nghĩa này, vì đối với chúng sanh mới nói Phật, đối với Phật mới nói có chúng sanh. Không có chúng sanh, sẽ chẳng có Phật. Không có Phật, cũng chẳng có chúng sanh. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đã diễn tả ý nghĩa này như sau: “Vốn chẳng có một vật”. Trong tâm thanh tịnh chẳng có một vật nào; đó mới gọi là thật sự thanh tịnh. Nếu cảm thấy ta rất thanh tịnh, thôi rồi! Trong cái tâm thanh tịnh có thêm một sự thanh tịnh, sự thanh tịnh ấy chính là “có vật”; sự thanh tịnh ấy chẳng phải là thanh tịnh nữa. Vật ấy là gì vậy? Vô minh đấy!

Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Tri kiến lập tri, thị vô minh bổn” (từ trên tri kiến lập thêm một cái biết, đó là cội gốc của vô minh). Trong hội Lăng Nghiêm, tôn giả Phú Lâu Na thỉnh giáo Thích Ca Mâu Ni: “Vô minh vì sao mà có? Vô minh sanh ra khi nào?” Trong kinh Phật cũng thường nói “vô thỉ vô minh”. Lời nói này hết sức có ý vị, “vô thỉ” là không có mở đầu. Vì không có mở đầu, nên vô minh là hư vọng, chẳng chân thật. Nếu thật sự có mở đầu, chuyện ấy sẽ phiền phức, chẳng dễ gì đoạn được; bởi lẽ, mê không có khởi đầu, ngộ là vốn có, còn mê chẳng có mở đầu. Nói cách khác, mê hoàn toàn là hư vọng.

/ 289