/ 289
479

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 55

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bảy mươi hai:

 

(Sớ) Đắc tật giải thoát giả, Trí Luận vân: “Hữu chư Bồ Tát, tự niệm báng Đại Bát Nhã, đọa ác đạo trung, lịch vô lượng kiếp, tuy tu dư hạnh, bất năng diệt tội, hậu ngộ tri thức, giáo niệm A Di Đà Phật, nãi đắc diệt chướng, siêu sanh Tịnh Độ”.

(疏) 得疾解脫者 , 智論云 : 有諸菩薩,自念謗大般

若,墮惡道中,歷無量劫,雖修餘行,不能滅罪,後遇知識,教念阿彌陀佛,乃得滅障,超生淨土。

(Sớ: “Mau chóng được giải thoát”: Trí Độ Luận nói: “Có các Bồ Tát tự nghĩ mình hủy báng Đại Bát Nhã, đọa vào trong ác đạo, trải vô lượng kiếp, tuy tu các hạnh nhưng chẳng thể diệt tội; sau đấy gặp tri thức dạy họ niệm A Di Đà Phật, bèn diệt được chướng, siêu sanh Tịnh Độ).

 

Đại sư trích dẫn một đoạn công án trong Đại Trí Độ Luận nhằm thuyết minh sức diệt tội giải thoát lớn nhất, hiệu quả rõ ràng nhất cũng là do niệm Phật. Hiện thời có rất nhiều người chẳng hiểu rõ đạo lý này, chẳng tin niệm Phật có công đức to lớn. Tuy niệm Phật nhưng cũng chẳng tương ứng, [vì] người ấy thiếu tín tâm! Tu các pháp môn khác có thể diệt tội hay không? Rất nhiều vấn đề, hoặc là chính mình tu, hoặc quý vị quán sát người khác tu học, quý vị thấy rốt cuộc là có thể diệt tội hay không? Thật ra, tội từ tâm sanh; do lẽ này, tội vẫn là từ tâm diệt. Nếu tâm có ý niệm bèn là có tội, diệt tội phải nhờ vào tâm. Trong các buổi giảng, chúng tôi đã nói rất nhiều, [mà quý vị cũng] đọc quá nhiều rồi, tâm chẳng thanh tịnh bèn sanh ra “tội nghiệt” (mầm mống tội chướng). Nếu tâm thanh tịnh, sẽ diệt tội, diệt chướng. Nói thật ra, đạo lý này hoàn toàn chẳng khó hiểu.

Chúng ta hãy suy nghĩ: Phải làm sao để tâm được thanh tịnh? Nói thật ra, niệm Phật khiến cho tâm ta có thể chuyên nhất, được thanh tịnh, thù thắng hơn hết thảy các pháp môn khác. Vẫn có những kẻ nói: “Niệm Phật luôn luôn là niệm một câu A Di Đà Phật, niệm lâu ngày sẽ không có ý nghĩa gì hết!” Kẻ ấy bèn giải đãi, chẳng muốn niệm nữa. Đấy là chưa hiểu rõ đạo lý! Chúng ta niệm Phật, tác dụng là ở chỗ nào? Tác dụng [của niệm Phật] là tâm thanh tịnh. Trong tâm chỉ cần vừa khởi ý niệm, bất luận thiện niệm hay ác niệm, chỉ cần có ý niệm, ta liền nhanh chóng thay nó bằng A Di Đà Phật, đó là đúng.

Đúng như cổ đức đã nói: “Bất phạ niệm khởi, chỉ phạ giác trì” (Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm). Giác là gì? Đổi thành A Di Đà Phật là giác. Chẳng niệm A Di Đà Phật thì đều là vọng tưởng, đều là vọng niệm. Không chỉ hết thảy các pháp trong thế gian này đều là vọng niệm, mà ngay cả trong Phật pháp cũng có rất nhiều vọng niệm. Chúng ta nhất định phải hiểu điều này. Do vậy, tác dụng của niệm Phật là không gì chẳng nhằm tiêu trừ vọng niệm mà thôi! Do vọng niệm chẳng ngừng, cho nên Phật hiệu chẳng thể gián đoạn. Hễ Phật hiệu gián đoạn, vọng niệm lại dấy lên.

 

(Diễn) Trí Luận trung tội tức thị chướng.

(演) 智論中罪即是障。

(Diễn: Theo Trí Độ Luận, tội tức là chướng).

 

Đại Trí Độ Luận viết: “Tội tức thị chướng”, [nghĩa là] tội chính là chướng.

 

  (Diễn) Dĩ tội năng chướng đạo.

  (演) 以罪能障道。

  (Diễn: Vì tội có thể chướng ngại đạo).

  “Đạo” là gì? Là nhất tâm. Quý vị phải nhớ điều này: Đạo là gì? Tâm thanh tịnh là đạo. Nhất tâm bất loạn là đạo. Tội có thể chướng ngại đạo! Tội nghiệp dấy lên, tâm sẽ chẳng thanh tịnh, tâm chẳng chuyên nhất.

 

  (Diễn) Cố phục vân chướng dã.

  (演) 故復云障也。

  (Diễn: Cho nên lại nói là “chướng”).

 

  Tội chính là chướng.

 

  (Diễn) Thử niệm Phật nãi đắc diệt giả.

  (演) 此念佛乃得滅者。

  (Diễn: Chướng này do niệm Phật bèn được diệt trừ).

 

  Đây là trích dẫn một đoạn văn trong Đại Trí Độ Luận; trước tiên, chúng tôi giới thiệu ý nghĩa của đoạn văn này. Ở đây, chẳng phải là kẻ tầm thường, mà là hàng Bồ Tát, “hữu chư Bồ Tát” (có các Bồ Tát), đương nhiên các vị Bồ Tát này chẳng phải là Ma Ha Tát, chẳng phải là đại Bồ Tát. Nói thông thường thì là các Bồ Tát thuộc địa vị Tam Hiền trong Biệt Giáo, hoặc Bồ Tát thuộc địa vị Thập Tín trong Viên Giáo. Bồ Tát tự suy nghĩ: Trong quá khứ, [chính mình đã] “báng Đại Bát Nhã, đọa ác đạo trung, lịch vô lượng kiếp, tuy tu dư hạnh, bất năng diệt tội” (hủy báng Đại Bát Nhã, đọa trong ác đạo, trải qua vô lượng kiếp, tuy tu các hạnh khác, nhưng chẳng thể diệt tội). Nếu tội diệt, người ấy sẽ kiến tánh. Sở dĩ hàng Bồ Tát thuộc địa vị Thập Tín chưa thể chứng nhập Sơ Trụ, hàng Bồ Tát thuộc địa vị Tam Hiền trong Biệt Giáo chưa thể đăng địa, nguyên nhân là ở chỗ này. Người niệm Phật chúng ta tuy niệm Phật, nhưng chưa thể chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn thì cũng giống như vậy, có cùng một nguyên nhân! Lý nhất tâm bất loạn thì mới phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Đó là “tội diệt”. Nếu không, sẽ là chướng đạo, chướng ngại Lý nhất tâm bất loạn. Tu các pháp môn khác, không có cách nào thành tựu, chẳng thể diệt tội! Quý vị có thể đắc Định, vượt thoát tam giới, sanh tử, luân hồi, nhưng chưa thể kiến tánh, chưa thể phá vô minh. Nói cách khác, dẫu công phu tu tập tốt đẹp đến mấy đi nữa, bất quá cũng chỉ bằng với A La Hán, Bích Chi Phật;  công phu đoạn

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289