A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 54
Xin đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bảy mươi mốt:
(Sớ) Đắc xuất luân hồi giả, diêu Hoặc khởi nghiệp, diêu nghiệp cảm báo, vãng lai lục đạo, luân chuyển vô cùng, y dư pháp tu, trực chí Hoặc tận, thỉ đắc xuất ly.
(疏)得出輪迴者,繇惑起業,繇業感報,往來六道,輪轉無窮,依餘法修,直至惑盡,始得出離。
(Sớ: “Được thoát luân hồi”: Do Hoặc khởi nghiệp, do nghiệp cảm báo, qua lại sáu đường, luân chuyển vô cùng, nương theo các pháp khác để tu thì phải mãi cho đến khi đã hết Hoặc mới được lìa thoát).
Trong hết thảy các kinh, luận, đức Phật thường bảo chúng ta những lời này. Chẳng dễ gì thoát khỏi luân hồi trong tam giới. Nếu chúng ta chẳng thể vượt thoát, khổ nạn quá nhiều! Có những nỗi khổ nạn phải hứng chịu đời đời kiếp kiếp vẫn chẳng xong, đạo lý này chẳng khó hiểu chi! Nếu chúng ta lắng lòng suy tưởng, chuyện trong quá khứ đã chẳng nhớ được, nhưng đại khái là trong một đời này, vẫn có thể nghĩ xem chúng ta đãi người xử sự đối với hết thảy chúng sanh rốt cuộc là kết nhiều thiện duyên, hay là kết lắm ác duyên? Chúng ta phải thấu hiểu điều này: Nếu chúng ta đãi người xử sự kết nhiều ác duyên với chúng sanh thì nói cách khác, trong tương lai, quả báo nhất định là khổ nhiều, vui ít. Nếu trong một đời này, chúng ta kết lắm thiện duyên, ít ác duyên, sẽ rất khó nói, vì sao? Quý vị thấy như trong Bách Pháp Minh Môn Luận đã nói: Tâm Sở tương ứng với Tâm Vương. Phiền Não Tâm Sở gồm hai mươi sáu loại, Thiện Tâm Sở[1] chỉ có mười một loại. Do đây có thể biết: Tâm ý thức khởi tác dụng vốn là ác nhiều, thiện ít.
Chúng ta mở lịch sử ra xem, thật ra, thời gian nhân loại có lịch sử[2] cũng rất ngắn, Trung Quốc được coi là có lịch sử lâu đời nhất, cũng chẳng qua là năm ngàn năm lịch sử. Các nhà khảo cổ hiện thời cho rằng nhân loại có mặt trên địa cầu tối thiểu là một trăm mấy ức năm trở lên, nhưng lịch sử của nhân loại mới chưa đầy vài ngàn năm. Từ lịch sử, tức là dựa trên mấy ngàn năm lịch sử, chúng ta quan sát những quả báo mà chúng sanh cảm vời, lấy đao binh kiếp để nói, hoặc là dựa trên tai họa tự nhiên để nói, quả thật mỗi ngày một nghiêm trọng hơn. Đó là quả báo. Vì sao mỗi ngày một nghiêm trọng hơn? Chiến tranh xưa kia, đối với khoảng cách xa nhất cũng dùng cung tên, cung tên bắn được bao xa? Chiến tranh hiện thời dùng bom nguyên tử, quý vị nghĩ xem quả báo thê thảm, khốc liệt đến nhường nào? Nếu quán như thế, quý vị sẽ thật sự ngộ rằng: Không thể trụ trong lục đạo luân hồi, chắc chắn không thể sống cuộc đời thoải mái trong ấy được! Do vậy, nhất định phải vượt thoát. Vượt thoát quả thật có khó, có dễ! Trong kinh luận thường nói, ở đây đại sư cũng trích dẫn, trước hết nói phải làm như thế nào mới có thể thoát luân hồi; trước hết, quý vị phải hiểu luân hồi hình thành như thế nào? Trước hết, phải hiểu đạo lý này!
Luân hồi là “diêu Hoặc khởi nghiệp” (do Hoặc tạo nghiệp), Hoặc (惑) là mê hoặc. Do mê hoặc mà tạo nghiệp, mê là gì? Tâm động là mê. Khởi Tín Luận có nói: “Nhất niệm bất giác nhi hữu vô minh” (do một niệm chẳng giác mà có vô minh). Tướng trạng của giác ngộ là tướng thanh tịnh; bởi lẽ, giác tâm là thanh tịnh. Tướng trạng của mê là vọng động; mê là động! Phật pháp dạy chúng ta tu hành, pháp môn tuy rất nhiều, nhưng thật sự có mấy ai có thể nhận biết, hiểu được? Đúng là chúng sanh có các thứ bệnh, đức Phật có các món thuốc. Thuốc chẳng tệ, mà cũng chẳng mắc phải những căn bệnh ngặt nghèo, thế mà hiện thời chẳng những không trị lành bệnh, mà trái lại bệnh còn nặng hơn, tức là dùng thuốc chưa thích đáng!
Nhìn ngược lại, đối với pháp môn, chúng ta chưa nhận biết rõ ràng, nẩy sanh rất nhiều hiểu lầm đối với pháp môn, nghĩa là sao? Ví như có những kẻ chấp vào pháp môn này, hủy báng hết thảy các pháp môn khác, đó là sai lầm! Dẫu quý vị tu hành pháp môn này tốt đẹp đến đâu đi nữa, mà nếu quý vị hủy báng một pháp môn nào khác, chúng ta hãy xét xem cái tâm của quý vị có động hay chăng? Nếu tâm quý vị chẳng động, làm sao quý vị hủy báng được? Nếu tâm quý vị chẳng động, làm sao quý vị phân biệt được? Tâm động là mê, là nghiệp. Quý vị học Phật lại tạo nghiệp, tạo ra nghiệp ấy sẽ rất phiền phức, vì nghiệp ấy chẳng giống như nghiệp thế gian. Nếu nghiệp ấy là nghiệp phá hoại Pháp Thân huệ mạng của người khác thì sẽ nặng lắm, nghiệp ấy chính là báng Phật, báng Pháp, báng Tăng! Không chỉ đừng nên hủy báng, mà ngay cả hoài nghi cũng chớ nên. Vì vậy, nói: Nghi ngờ, hủy báng Tam Bảo chính là mê hoặc, là tạo nghiệp.