/ 289
525

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 53


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu mươi bảy:


(Huyền Nghĩa) Nhị, đặc ư vô lượng pháp môn xuất thắng phương tiện giả, nhập đạo đa môn, bổn vô giản trạch, hiểm di khúc trực, nan dị du phân, tắc vô lượng môn trung, Niệm Phật nhất môn, tối vi phương tiện. Lược trần hữu tứ: Nhất, bất trị Phật thế, đắc thường kiến Phật phương tiện. Nhị, bất đoạn Hoặc nghiệp, đắc xuất luân hồi phương tiện. Tam, bất tu dư hạnh, đắc Ba La Mật phương tiện. Tứ, bất kinh đa kiếp, đắc tật giải thoát phương tiện.

(玄義)二、特於無量法門出勝方便者,入道多門,本無揀擇,險夷曲直,難易攸分,則無量門中,念佛一門,最為方便。略陳有四:一不值佛世,得常見佛方便;二不斷惑業,得出輪迴方便;三不修餘行,得波羅密方便;四不經多劫,得疾解脫方便。

(Huyền Nghĩa: Hai, “đặc biệt trong vô lượng pháp môn nêu ra phương tiện thù thắng”: Có nhiều môn để vào đạo, vốn không chọn lựa, nhưng chia ra thành [các đường lối] hiểm trở, thông suốt, cong, thẳng, khó, dễ rất khác nhau, nên trong vô lượng môn, một môn Niệm Phật là thuận tiện nhất. Nêu đại lược thì có bốn điều như sau: Một, [đây là] phương tiện [khiến cho hành giả] dù không gặp lúc Phật tại thế mà vẫn thường được thấy Phật. Hai, [đây là] phương tiện [khiến cho hành giả] chẳng đoạn Hoặc nghiệp mà vẫn thoát luân hồi. Ba, [đây là] phương tiện [khiến cho hành giả] chẳng tu các hạnh khác mà đắc Ba La Mật. Bốn, [đây là] phương tiện [khiến cho hành giả] chẳng trải nhiều kiếp, mau được giải thoát).


Phần chú giải từ đây trở đi đều nhằm chú giải đoạn văn này. Lời chú giải khá dài; lần trước, tôi đã giảng một đoạn.


(Sớ) Phục vân: “Hữu sơ học thị pháp, kỳ tâm khiếp nhược. Dĩ Sa Bà bất thường trị Phật, cụ vị tín tâm nan tựu. Như Lai hữu thắng phương tiện, nhiếp hộ tín tâm, vị chuyên ý niệm Phật, tức sanh Phật độ, thường kiến ư Phật. Như Tu Đa La thuyết: “Chuyên niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, tức đắc vãng sanh, chung vô hữu thoái”.

(疏)復云:有初學是法,其心怯弱,以娑婆不常值佛,懼謂信心難就。如來有勝方便,攝護信心,謂專意念佛,即生佛土,常見於佛。如修多羅說:專念西方極樂世界阿彌陀佛,即得往生,終無有退。

(Sớ: Lại nói: “Có kẻ mới học pháp này, tâm kẻ ấy khiếp hãi, yếu ớt, vì trong cõi Sa Bà chẳng thường gặp Phật, hoảng sợ cho rằng tín tâm khó trọn. Như Lai bèn có phương tiện thù thắng để nhiếp thọ, bảo vệ tín tâm là dốc trọn ý niệm Phật, liền được sanh vào cõi Phật, thường thấy Phật. Như kinh có dạy: “Chuyên niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật bèn được vãng sanh, trọn chẳng thoái chuyển”).


Đoạn văn này đặc biệt nói về cảnh giới tu học của chúng ta trong hiện tại: Chẳng gặp Phật, tu hành quả thật rất khó khăn. Khó ở chỗ nào? Đúng như đại sư đã nói ở đây: Tín tâm chẳng dễ kiến lập! Trong kinh Hoa Nghiêm và Đại Trí Độ Luận, đức Phật đã nói: “Tín vi đạo nguyên, công đức mẫu” (Tín là nguồn đạo, mẹ của công đức). Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nhắc tới ba món tư lương. Ngài nói Tín gồm có sáu điều, điều thứ nhất là tin vào chính mình. [Sáu thứ Tín là] tín tự, tín tha, tín nhân, tín quả, tín Sự, tín Lý. Trong sáu điều này, khó nhất là “tín tự” (tin vào chính mình). Nếu chính mình đánh mất lòng tin vào chính mình, năm thứ tín tâm sau đó đều chẳng thể kiến lập! Dẫu có năm thứ tín tâm phía sau, [nhưng do thiếu lòng tin vào chính mình], bản thân chúng ta vẫn chẳng thể thành tựu. Do vậy, cái tâm tự tin hết sức trọng yếu. Ở đây cũng nói “tín tâm nan tựu” (lòng tin khó thành). Trong phần tiểu chú (lời chú giải của sách Diễn Nghĩa) đã phân tích rất hay.


(Diễn) Kỳ tâm khiếp nhược, thị nội tâm ký liệt.

(演) 其心怯弱,是內心既劣。

(Diễn: Tâm khiếp nhược là trong tâm đã kém hèn).


“Nội tâm ký liệt” là thiếu lòng tự tin. Bên trong chẳng có lòng tự tín, bên ngoài lại chẳng gặp Phật, đấy là nội duyên lẫn ngoại duyên đều khuyết. Tu hành như thế nếu chẳng gặp thiện tri thức chân chánh; nhất định sẽ đi theo con đường oan uổng. Nếu đi theo con đường oan uổng lắm phen, rốt cuộc vẫn có thể mò ra được chánh đạo thì coi như vẫn còn may mắn. Nếu lạc trong tà ma ngoại đạo, quả thật oan uổng quá! Do điều này, thiện tri thức đóng vai trò mấu chốt quyết định thành bại trong sự tu học của chúng ta hiện nay.

Thiện tri thức là ai? Rất khó nói! Quá ư là khó! Trước mắt chúng ta, những gì chúng ta có thể thấy và nghe, trong tâm ta luôn có nghi hoặc. Chuyện này phiền phức rất lớn. Trong tâm có nghi hoặc, đó là chướng ngại của chúng ta. Tuy nhiên, có những vị tri thức, chúng ta đến gặp họ, họ dạy chúng ta thật thà niệm Phật là được rồi! Câu nói này rất mơ hồ, thành thật theo kiểu nào? Chẳng lẽ hiện thời chúng ta không thành thật ư? Rốt cuộc như thế nào mới được coi là thật thà? Từng câu hỏi nối tiếp nhau, có nhiều câu hỏi đến ngần ấy. Nói cách khác, tín tâm của chúng ta có vấn đề. Người thật sự có tín tâm sẽ chẳng có nghi vấn. Chỉ cần có nghi vấn thì tức là tín tâm chưa đủ, đấy là chướng ngại rất lớn!

/ 289