/ 289
490

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 52


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu mươi bảy, đoạn thứ hai của phần Giáo Khởi Nhân Duyên.


(Huyền Nghĩa) Nhị, đặc ư vô lượng pháp môn xuất thắng phương tiện giả, nhập đạo đa môn, bổn vô giản trạch, hiểm di khúc trực, nan dị du phân, tắc vô lượng môn trung, Niệm Phật nhất môn, tối vi phương tiện. Lược trần hữu tứ: Nhất, bất trị Phật thế, đắc thường kiến Phật phương tiện. Nhị, bất đoạn Hoặc nghiệp, đắc xuất luân hồi phương tiện. Tam, bất tu dư hạnh, đắc Ba La Mật phương tiện. Tứ, bất kinh đa kiếp, đắc tật giải thoát phương tiện.

(玄義)二、特於無量法門出勝方便者,入道多門,本無揀擇,險夷曲直,難易攸分,則無量門中,念佛一門,最為方便。略陳有四:一不值佛世,得常見佛方便;二不斷惑業,得出輪迴方便;三不修餘行,得波羅密方便;四不經多劫,得疾解脫方便。

(Huyền Nghĩa: Hai, “đặc biệt trong vô lượng pháp môn nêu ra phương tiện thù thắng”: Có nhiều môn để vào đạo, vốn không chọn lựa, nhưng chia ra thành [các đường lối] hiểm trở, thông suốt, cong, thẳng, khó, dễ rất khác nhau, nên trong vô lượng môn, một môn Niệm Phật là thuận tiện nhất. Nêu đại lược thì có bốn điều như sau: Một, [đây là] phương tiện [khiến cho hành giả] dù không gặp lúc Phật tại thế mà vẫn thường được thấy Phật. Hai, [đây là] phương tiện [khiến cho hành giả] chẳng đoạn Hoặc nghiệp mà vẫn thoát luân hồi. Ba, [đây là] phương tiện [khiến cho hành giả] chẳng tu các hạnh khác, mà đắc Ba La Mật. Bốn, [đây là] phương tiện [khiến cho hành giả] chẳng trải nhiều kiếp, mau được giải thoát).


Đây là nhân duyên thứ hai khiến đức Phật nói kinh này. Tuy Phật pháp có rất nhiều pháp môn, có thể nói chúng đều là pháp phương tiện, nhưng trong các pháp phương tiện, phương pháp [Niệm Phật] này là pháp môn phương tiện thù thắng nhất. Pháp này rốt ráo thù thắng như thế nào? Tiếp đó, Ngài nêu ra bốn điều. Bốn điều này quả thật là bốn thứ chẳng thể nghĩ bàn. Vừa mở đầu, Ngài bèn nói theo Lý: “Nhập đạo đa môn, bổn vô giản trạch” (Có nhiều môn để vào đạo, vốn không chọn lựa). Tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào cũng đều bình đẳng, môn nào cũng đều có thể chứng Vô Thượng Đạo, cho nên nói: Pháp môn bình đẳng, không hai, không khác!


(Diễn) Nhập đạo đa môn giả, như Lăng Nghiêm, nhị thập ngũ nhân các thuyết Viên Thông phương tiện.

(演) 入道多門者,如楞嚴,二十五人各說圓通方便。

(Diễn: “Có nhiều môn để nhập đạo”: Như trong kinh Lăng Nghiêm, hai mươi lăm vị [thánh giả], mỗi vị đều nói phương tiện Viên Thông).


Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật hỏi các vị Bồ Tát rốt ráo dùng phương pháp nào tu hành để chứng quả, ngay khi ấy, hai mươi lăm vị Bồ Tát, mỗi vị đều nói ra phương pháp tu hành chứng quả của mình, nhưng mỗi một vị đều nói pháp môn của mình là bậc nhất. Vì thế, không có thứ hai, môn nào cũng là bậc nhất! Hai mươi lăm vị Bồ Tát này tượng trưng cho vô lượng pháp môn do đức Phật đã nói. Cớ sao vô lượng pháp môn chỉ có hai mươi lăm vị Bồ Tát đại diện? Quy nạp vô lượng pháp môn thành hai mươi lăm loại; hai mươi lăm loại ấy gồm sáu căn, sáu trần, sáu thức, bảy đại. Gộp chung tất cả các pháp môn, nói chung chẳng ngoài hai mươi lăm loại lớn này, tức là mười tám giới cộng thêm bảy đại. Vì thế, [hai mươi lăm pháp Viên Thông] đại diện cho tám vạn bốn ngàn pháp môn. Vô lượng pháp môn, môn nào cũng đều có thể nhập đạo, môn nào cũng là bậc nhất. Nói theo Lý, pháp môn thật sự bình đẳng, chẳng cần phải chọn lựa, chẳng cần chọn lọc. Nói theo Sự, do căn tánh của chúng ta khác nhau, cho nên phải chọn lựa. Vì thế, nói “hiểm di khúc trực, nan dị du phân” (chia ra hiểm trở, thông suốt, cong, thẳng, khó, dễ rất khác nhau), đạo lý ở chỗ này.

Có những pháp môn rất khó tu học, người bình thường chẳng thể tu học được. Có những pháp môn tu học dễ dàng hơn. Dẫu dễ dàng, nhưng nói thật ra, căn tánh của mỗi người vẫn khác nhau. Ví như có người thích niệm Phật, suốt ngày từ sáng đến tối Phật hiệu liên tục không gián đoạn, người ấy niệm rất hoan hỷ. Có kẻ chẳng thích niệm Phật, niệm một chút bèn gián đoạn. Quý vị bảo họ tụng niệm khóa tụng sáng tối, niệm một tiếng rưỡi đồng hồ thì họ niệm được! Quý vị bảo họ suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật, họ chẳng làm được! Đủ thấy căn tánh khác nhau. Có những người thích tụng kinh, càng tụng càng thấy thú vị. Tụng kinh thì được, cả ngày tụng suốt mười tiếng đồng hồ cũng chẳng mệt, chẳng chán; nhưng bảo họ niệm Phật, niệm một tiếng đồng hồ bèn ngủ gục. Căn tánh của mỗi người khác nhau, do vậy mà pháp môn này có khó, dễ! Đủ thấy khó hay dễ chẳng phải do chính pháp môn! Chính vì như thế, Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức bảo chúng ta: Nhất định phải chọn lựa [pháp môn] phù hợp căn tánh và sự ưa thích của chính mình. Thế nhưng chọn lựa thì chúng ta thường là chưa thâm nhập toàn bộ Phật pháp, chưa thể liễu giải, pháp môn nhiều ngần ấy, chọn pháp môn nào mới là tốt đẹp đây? Nếu mỗi pháp môn đều thử, thử xong rồi sẽ quay lại chọn lựa, sợ rằng dẫu chúng ta sống đến hai trăm năm vẫn thử chưa xong! Đấy cũng là một vấn đề khó khăn trong thực tế. Chúng ta không có thọ mạng dài lâu như vậy, không có thời gian dài như vậy, há chẳng lầm lỡ đại sự của chính mình ư? Vì thế, Phật, Bồ Tát phải chọn lựa thay cho chúng ta.

/ 289