/ 289
628

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 51


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu mươi lăm:


(Huyền Nghĩa) Sơ, đại bi mẫn Mạt Pháp vị tác tân lương giả, Phật thành đạo thời, dĩ đương trược thế, huống kim Mạt Pháp, chánh nhập đấu tránh, chuyển triển lăng di, hậu chi hựu hậu, giai lại thử kinh thần lực, cứu bạt dư sanh, khởi phi chí cực bi tâm, dự thùy tế độ.

(玄義)初大悲憫末法為作津梁者,佛成道時,已當濁世。況今末法,正入鬥爭,轉展陵夷,後之又後,皆賴此經神力,救拔餘生,豈非至極悲心,預垂濟度。

(Huyền Nghĩa: Thứ nhất, “đại bi thương xót đời Mạt Pháp mà làm cầu bến”: Khi đức Phật thành đạo đã nhằm đời trược, huống chi nay là đời Mạt Pháp, đúng vào lúc tranh đấu, hiếp đáp lẫn nhau, đời đã sau lại càng sau hơn nữa, đều nương vào thần lực của kinh này để cứu vớt các chúng sanh trong đời sau, há chẳng phải là bi tâm đến tột bậc rủ lòng ban sẵn cách tế độ ư?)


Bắt đầu từ chỗ này, từ đây trở đi có mười tiểu đoạn, đại sư giảng tỉ mỉ nhân duyên [vì sao] đức Phật nói kinh [A Di Đà]. Đây là tiểu đoạn thứ nhất. Đối với đoạn này, sách Diễn Nghĩa có lời chú giải như sau:


(Diễn) Vị tác tân lương giả, tân, tế độ xứ; lương, kiều dã. Dĩ nhất cú Di Đà, vận thử ngạn chúng sanh trí ư bỉ ngạn, thị vị tác tân lương dã.

(演)為作津梁者,津,濟度處;梁,橋也。以一句彌陀,運此岸眾生置於彼岸,是為作津梁也。

(Diễn: “Làm cầu bến”: Tân là chỗ tế độ, lương là cầu. Dùng một câu Di Đà đưa chúng sanh từ bờ này sang bờ kia, đấy là “làm cầu bến”).


Đây là tỷ dụ, tu học Phật pháp khác với pháp thế gian. Mục đích của sự tu học pháp thế gian chẳng ngoài học lấy một kỹ năng, hoặc là học một số kiến thức, chúng ta cũng có thể gọi đó là trí huệ, tức trí huệ thế gian, nhằm vào mục đích ấy. Tu học Phật pháp nhằm mục đích liễu sanh tử, xuất tam giới. Do vậy, hoàn toàn khác với pháp thế gian. Mục đích khác nhau, đương nhiên cách thức tu học cũng khác nhau. Có những chỗ nhìn vào thì tu Phật pháp dường như giống hệt pháp thế gian, nhưng thật ra đó là nhìn từ bề ngoài, chứ nội dung thực chất hoàn toàn khác nhau.

Xuất thế thật sự chẳng đơn giản. Từ kinh điển, chúng ta thường thấy, nếu chính mình lưu ý một chút, quý vị sẽ nhận thấy: Chiếu theo cách nói của đức Phật trong kinh điển, mỗi đồng tu chúng ta không phải là đời này mới học Phật. “Đời này mới học Phật” tức là trong đời quá khứ chưa hề tiếp xúc, quý vị sẽ không thể ngồi ở đây một tiếng rưỡi được, ngồi năm phút hay mười lăm phút đã muốn bỏ đi rồi. Quý vị có thể an tâm ngồi ở đây một tiếng rưỡi, lần sau vẫn lại tới, quý vị chẳng đơn giản lắm đâu: Nhiều đời nhiều kiếp đều học Phật, nhưng học Phật như thế nào? Chẳng thể vượt thoát tam giới, vẫn ở trong sanh tử luân hồi. Do đây, có thể biết: Liễu sanh tử, thoát luân hồi đích xác là chẳng dễ dàng, chuyện này khó khăn hơn hết thảy các pháp thế gian rất nhiều! Pháp thế gian cao nhất là sanh lên trời, trong kinh Phật đã nói rõ: Có hai mươi tám tầng trời, cao nhất là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, [sanh lên trời] chẳng khó khăn cho lắm! Muốn vượt thoát tam giới, so ra khó khăn hơn nhiều!

Đức Phật dạy chúng ta rất nhiều pháp môn, đấy cũng là phương pháp. Những phương pháp ấy có những thứ ta có thể chọn lấy, có những thứ ta không có cách gì chọn được, vì những phương pháp ấy đích xác là mỗi người mỗi khác, chẳng hề thấy mỗi thứ phương pháp đều sử dụng thích hợp cho mọi người chúng ta. Nếu dùng sai phương pháp, chẳng những chúng ta không đạt được lợi ích, mà ngược lại còn bị hại. Do vậy, Phật pháp là do Phật, Bồ Tát dùng để cứu người, nhưng nếu dùng không thích hợp thì cũng có thể hại người. Giống như thuốc thang vậy, thuốc có thể trị bệnh, có thể cứu người, nhưng dùng không phù hợp, sẽ khiến bệnh nặng hơn, cũng khiến cho người ta mất mạng. Tác dụng của Phật pháp đích xác là giống hệt như tác dụng của thuốc thang. Vì thế, chúng ta nhất định phải chú tâm cẩn thận, nhất định phải có thiện tri thức hay người từng trải chỉ dạy. Trong đại kinh, đại luận, đức Phật bảo chúng ta: “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải” (Phật pháp không có người nói thì dù có trí cũng chẳng thể hiểu được). Người thông minh trí huệ bậc nhất trong thế gian cầm lấy kinh Phật [để đọc], cũng chẳng có cách nào [hiểu đúng ý Phật], họ lý giải theo kiểu dùng tri kiến thế gian để hiểu Phật pháp, đấy chẳng phải là chân thật nghĩa trong Phật pháp, giống như trong bài kệ Khai Kinh đã nói: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, khá là khó khăn! Do vậy, khi đức Phật tại thế thì không có vấn đề gì, Bồ Tát thị hiện trong thế gian này, cũng chẳng đến nỗi khiến cho chúng ta mê hoặc, lệch lạc. Nay chúng ta sống nhằm thời kỳ Mạt Pháp, Phật chẳng còn ở nơi đời, Bồ Tát lẫn Thanh Văn đều chẳng trụ thế, phiền phức to lớn. Trong vô lượng pháp môn, chúng ta chọn lấy phương pháp nào thích hợp, chẳng đến nỗi sai lệch, chẳng đến nỗi lầm lẫn, chẳng đến nỗi mắc hại, mà lại còn có thể thành công? Nói đến chỗ này, quý vị bèn hiểu rõ: Đức Phật nói ra kinh này là vì ý nghĩa này.

/ 289