476

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 50

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu mươi bốn:

 

  (Huyền Nghĩa) Thất, hộ trì đa chướng hành nhân, bất tao đọa lạc cố.

  (玄義) 七、護持多障行人,不遭墮落故。

  (Huyền Nghĩa:  Bảy là vì hộ trì hành nhân lắm chướng ngại khiến

cho họ chẳng bị đọa lạc).

 

  “Chướng”: Chúng ta thường nói tới Nhị Chướng, Tam Chướng. “Đa chướng”: Nhất là trong thời Mạt Pháp, nói cách khác, trong thời đại hiện tại của chúng ta, không chỉ là ngũ dục lục trần đem lại rất nhiều chướng ngại cho chúng ta. Ví như những điều mắt chúng ta thấy, tai chúng ta nghe đều khiến chúng ta khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm là chướng ngại. Vì sao nói khởi tâm động niệm là chướng ngại? Phật pháp bất luận Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều lấy Thiền Định làm mấu chốt tu học. Nói cách khác, tám vạn bốn ngàn pháp môn chẳng qua là những phương pháp hay phương cách khác nhau, tức là có tám vạn bốn ngàn loại phương tiện hay phương pháp khác nhau, nhưng đều tu điều gì? Tu Thiền Định mà thôi! Trong kinh đã nói rõ ràng pháp môn này là “nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo”. Đây là Thiền Định, nhất tâm bất loạn là Thượng Thượng Thiền. Vì thế, chúng ta phải hiểu rõ: Chỉ cần gây chướng ngại cho nhất tâm bất loạn, khiến cho tâm chúng ta điên đảo, vọng tưởng, thì đều gọi là “chướng ngại”.

  Trong thế gian hiện thời, chướng ngại quá nhiều, không thể kể xiết! Không chỉ pháp thế gian gây chướng ngại, mà lại thưa cùng quý vị, trong Phật pháp cũng chướng ngại trùng trùng! Người thế gian bị ngũ dục, lục trần chướng lấp, đọa lạc trong sanh tử luân hồi; người xuất gia học đạo bị kiến giải gây chướng: Giới Thủ Kiến và Kiến Thủ Kiến, hai thứ kiến giải này gây chướng ngại, khiến họ chẳng đắc Thiền Định, chẳng thể đắc nhất tâm. Quả thật lắm chướng ngại! Vì thế, tôi thường khuyên các đồng tu: Chúng ta học thứ gì thì học một thứ, học hai thứ sẽ phân tâm, học ba thứ càng hỏng bét! Đúng như Thanh Lương đại sư khi giải thích đề mục kinh Hoa Nghiêm đã nói: Quý vị học nhiều thứ sẽ tăng trưởng tà kiến, đúng là chẳng giả chút nào! Tà kiến là gì? Chỉ cần là tri kiến thì đều gọi là tà kiến. Vì sao? Trong tâm thanh tịnh không có tri kiến, quý vị đọc kinh Lăng Nghiêm sẽ hiểu rõ. Tôn giả Phú Lâu Na thỉnh giáo Thích Ca Mâu Ni Phật: “Vô minh do đâu mà có?” Đức Phật bảo rõ ràng: “Tri kiến lập tri, thị vô minh bổn” (Từ trên tri kiến lại lập thêm một cái biết nữa, đó là cội gốc của vô minh). Quý vị có tri kiến, đấy chính là cội gốc của vô minh. Trong kinh Bát Nhã có câu: “Bát Nhã vô tri”. Vô tri là Phật tri Phật kiến, là tri kiến của Phật, là bản thể của cái tâm thanh tịnh, khi nó khởi tác dụng sẽ là “không gì chẳng biết”.

  Tâm Phật thanh tịnh chẳng sanh một niệm. Khi Ngài đối trước đại chúng đông đảo dường ấy, chúng ta có rất nhiều phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, khổ não, đức Phật bèn giải đáp cho chúng ta từng điều một, phá trừ cho chúng ta. Đấy chính là Ngài “không gì chẳng biết”, từ cái tâm thanh tịnh lưu lộ Bát Nhã trí chiếu. Do vậy, đó mới gọi là trí huệ chân chánh. Trí huệ chân chánh từ nhất tâm bất loạn mà có. Nói cách khác, nó vốn sẵn trọn đủ trong nhất tâm, chẳng phải do học được từ bên ngoài. Vì thế, chúng ta đã muốn tu nhất tâm bất loạn thì quý vị chỉ có thể đi theo một con đường mới hòng đạt được nhất tâm bất loạn. Quý vị đi theo hai con đường, sẽ chẳng thể nào không loạn! Quý vị đi ba con đường hay bốn con đường, mong chẳng bị loạn là chuyện không thể nào được! Vì thế, kinh chỉ cần học một thứ, thâm nhập một môn, đọc tụng cũng như thế. Đọc kinh là tu hành, là tu nhất tâm bất loạn, là Tam Học Giới - Định - Huệ hoàn thành cùng một lượt.

 

  (Diễn) Hộ trì đa chướng giả, thử độ nghiệp phong hạo đại.

  (演) 護持多障者,此土業風浩大。

  (Diễn: Hộ trì kẻ lắm chướng ngại: Cõi này gió nghiệp to lớn, mênh mông).

 

  “Nghiệp” là nghiệp lực, “phong” (gió) là tỷ dụ. Gió là động, do nghiệp lực thúc đẩy quý vị.

 

  (Diễn) Trần cảnh thô cường.

(演) 塵境粗強。

  (Diễn: Trần cảnh thô tháp, mạnh mẽ).

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net