/ 289
376

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 49

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu mươi hai.

  Đoạn này nói về Giáo Khởi Sở Nhân, trong khoa này, đại sư đã giảng rõ rất nhiều điều, nói hết sức chu đáo, cặn kẽ. Đoạn trước nói về Tổng Nhân Duyên, từ đây trở đi là Biệt Nhân Duyên. Nói Tổng là nói đến nhân duyên hưng khởi của giáo pháp trong suốt một đời Thích Ca Mâu Ni Phật; Biệt là chuyên môn nói về bộ kinh này, tức là nhân duyên hưng khởi của pháp môn Niệm Phật. Nói cách khác, đối với chúng ta, điều này đặc biệt quan trọng.

 

  Nhị biệt.

  Biệt tắc chuyên tựu thử kinh.

二別

  別則專就此經。

  (Hai là biệt nhân duyên.

  Biệt tức là chuyên nói về kinh này).

 

  Câu này nói rất rõ ràng, chuyên môn nói về bộ kinh này.

 

  Phục hữu thập nghĩa.

  復有十義。

  (Lại có mười nghĩa).

 

  Trong phần trước, tôi đã từng thưa với quý vị: Liên Trì đại sư đã chọn dùng phương thức Thập Môn Khai Khải của tông Hoa Nghiêm để chú giải bộ kinh này. Do vậy, Ngài cũng mô phỏng cách thức Thanh Lương đại sư chú giải kinh Hoa Nghiêm, luôn dùng “mười” để biểu thị pháp.

Ở đây, Ngài cũng dùng “mười”, dưới đây sẽ có mười ý nghĩa. “Thập  nghĩa” :  Trong  đoạn này nêu ra tên gọi của chúng,  mỗi ý nghĩa

đều được giảng rõ và giải thích tường tận trong phần sau.

 

  Nhất, đại bi mẫn niệm Mạt Pháp, vị tác tân lương cố.

   一、大悲憫念末法,為作津梁故。

  (Một là do đại bi nghĩ thương đời Mạt Pháp nên làm cầu bến).

 

  Trong ý nghĩa thứ nhất, chúng ta phải chú ý từ ngữ “mẫn niệm Mạt Pháp” vì thời đại chúng ta đang sống chính là thời kỳ Mạt Pháp của Phật giáo. Nói cách khác, bộ kinh này nhắm thẳng vào chúng sanh thời Mạt Pháp mà nói. “Tân lương” là cầu bắc ở bến đò, tỷ dụ kinh này giống như một chiếc cầu để thoát lìa sanh tử, viên chứng Bồ Đề cho chúng sanh trong thời Mạt Pháp, đủ thấy tính chất trọng yếu của kinh này.

 

  (Diễn) Mẫn niệm Mạt Pháp giả, Mạt Pháp, tắc khứ thánh thời dao.

  (演) 憫念末法者,末法,則去聖時遙。

  (Diễn: “Nghĩ thương Mạt Pháp”: Mạt Pháp là xa cách thánh đã lâu).

 

  “Dao” (遙) là xa xôi. Sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ cho đến này, theo cách tính toán của cổ nhân Trung Quốc thì đến nay đã là ba ngàn lẻ mười hai (3.012) năm sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ. Dẫu theo cách tính toán của người ngoại quốc thì cũng là hơn hai ngàn năm trăm năm rồi! Thời gian cách xa chúng ta hết sức lâu xa.

 

  (Diễn) Thánh hiền ẩn phục.

  (演) 聖賢隱伏。

  (Diễn: Thánh hiền ẩn khuất).

 

  Chữ “thánh” chỉ kiến tánh Bồ Tát. Chúng ta thường nói Tam Hiền Thập Thánh, tức là Đăng Địa Bồ Tát, đấy là thánh nhân. Nói theo Tiểu Thừa thì Tứ Quả A La Hán mới được kể là “thánh nhân”, từ Tam Quả trở xuống đều gọi là “hiền nhân”. Những vị Bồ Tát và các đại Bồ Tát đều ẩn mất, không xuất hiện. Vì sao nhằm lúc chúng sanh đáng thương nhất, chư Phật, Bồ Tát đều chẳng xuất hiện độ chúng sanh, do đạo lý nào vậy? Quý vị phải biết: Phật, Bồ Tát chẳng có lòng riêng tư! Phật, Bồ Tát độ chúng sanh cũng chẳng biết mệt nhọc, mà cũng chẳng chán ngán, vì sao các Ngài không xuất hiện? Quý vị phải hiểu vì sao các Ngài xuất hiện, vì sao các Ngài không xuất hiện, phải hiểu đạo lý này. Khi chúng sanh ưa thích chánh pháp, Phật, Bồ Tát liền đến. Khi quý vị ưa thích tà pháp, các Ngài chẳng đến. Quả thật, trong thế gian hiện thời, quý vị giảng chánh pháp cho chúng sanh, họ rất khó tiếp nhận. Nếu quý vị bày vẽ màu mè đôi chút để gạt gẫm họ, họ sẽ hào hứng chịu bị lừa! Không có cách chi hết!

 

  (Diễn) Tà pháp xí thịnh chi thời.

  (演) 邪法熾盛之時。

  (Diễn: Lúc tà pháp lừng lẫy).

 

  Trong quá khứ, quả thật tà pháp chẳng lừng lẫy bằng hiện thời. Hiện tại, đúng là tà pháp thịnh hành quá mức. Đây chính là lúc chúng sanh đáng thương nhất, chúng ta đang sống trong thời đại này, làm thế nào để phân biệt tà và chánh? Đây là chuyện hết sức khó khăn! Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta, đặc biệt là trong thời kỳ Mạt Pháp, kinh nói có năm mươi mốt loại ma, số lượng trong mỗi một loại đúng là nhiều như cát sông Hằng, quý vị làm thế nào để phân biệt được? Những loài ma bậc thượng và trung gần như chẳng khác gì Phật, rất khó phân biệt! Nếu quý vị không thể phân biệt, nhất định đi vào ma đạo, suốt một đời tu hành, đến cuối cùng chẳng đạt kết quả gì, quả thật rất đáng tiếc! Do vậy, nhất định phải phân biệt Phật và ma thì chúng ta mới có thể thật sự hộ trì chánh pháp của chính mình.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289