/ 289
501

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 46

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm mươi bảy:

 

  (Sớ) Cổ vân: “Phật diệt độ hậu, phàm chư đệ tử, sở hữu trước thuật, giai quy Tam Bảo”. Lương diêu thánh cảnh cao huyền, Phật ngôn vi diệu, nhi dục dĩ phàm phu hào mạt chi trí, võng tự bình lượng, thị nãi dụng lãi trắc hải, trì quản khuy thiên, mạn tự bì lao, sở đắc kỷ hà. Cố tất quy mạng Tam Bảo, minh hy gia bị!

(疏) 古云:佛滅度後 , 凡諸弟子 , 所有著述,皆歸

三寶。良繇聖境高玄,佛言微妙,而欲以凡夫毫末之智,罔自評量,是乃用蠡測海,持管窺天,漫自疲勞,所得幾何。故必歸命三寶,冥希加被。

  (Sớ: Cổ nhân nói: “Sau khi đức Phật diệt độ, phàm tất cả các trước thuật của hàng đệ tử đều quy về Tam Bảo”. Ấy là vì thánh cảnh cao vời, huyền diệu, lời Phật vi diệu, muốn dùng cái trí vụn vặt của phàm phu để tự lầm lạc phê phán, đánh giá, đấy là dùng bầu đong biển, cầm ống ngắm trời, đã chậm chạp lại còn tự nhọc nhằn, hiểu biết được mấy! Vì thế, ắt phải quy mạng Tam Bảo mong được ngấm ngầm gia bị).

 

  Chuyện này cũng là sự thật. Chư Phật Như Lai cho đến các vị đại Bồ Tát khác hẳn lũ phàm phu chúng ta. Bọn phàm phu chúng ta chẳng dễ gì quan sát, nhận biết. Phàm phu thấy Phật, Bồ Tát cũng là phàm phu, khác nhau ở chỗ nào? Dụng tâm không giống nhau. Phàm phu dùng cái tâm phân biệt, tức là cái tâm ý thức; Phật và các đại Bồ Tát dùng chân tâm, đó là bổn tánh, đấy là chỗ khác nhau! Trong Tánh chẳng có phân biệt, không có chấp trước, vĩnh viễn thanh tịnh. Thức thứ sáu, tức Ý Thức, chẳng thanh tịnh, suốt ngày từ sáng đến tối chẳng biết có bao nhiêu vọng niệm. Vọng niệm nhiều nên chẳng thanh tịnh, trí huệ sẵn có chẳng thể hiện tiền. Tuy sẵn có trí huệ, “Bổn Giác vốn có”, nhưng chẳng thể hiện tiền, đó là phàm phu.

  Ngôn ngữ, văn tự của chư Phật đều từ tâm thanh tịnh, từ trong bổn tánh lưu lộ, phàm phu muốn lý giải sẽ khá khó khăn, đúng như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải” (Phật pháp không có người nói thì tuy là kẻ có trí cũng chẳng thể hiểu). Người trí huệ thông minh bậc nhất trong thế gian cũng không có cách nào lý giải, nguyên nhân là vì dụng tâm khác nhau. Làm như thế nào đây? Cần phải có người từng trải giảng giải cho chúng ta, đấy là một phương pháp. Một phương pháp khác là đọc tụng, khi đọc chẳng thể dùng tâm ý thức. Nói cách khác, đọc kinh, thậm chí đọc chú giải của cổ đại đức cũng như vậy, đừng phân biệt, đừng chấp trước, đừng suy tưởng trong đây có ý nghĩa gì. Quý vị phải hiểu đọc kinh là tu hành, tu Giới - Định - Huệ.

  Cớ sao đọc kinh là tu Giới - Định - Huệ? Chúng ta phải biết Giới có nghĩa là gì? Tuy Giới Luật nhiều ngần ấy, nhưng tinh thần của Giới Luật chỉ có tám chữ: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành). Quý vị đọc kinh, trong tâm chẳng khởi ác niệm, tự nhiên “chư ác mạc tác”. Lẽ đâu một mặt niệm kinh, một mặt nghĩ tưởng chuyện ác, không có lẽ ấy! Vì thế, khi quý vị đọc kinh, tự nhiên là “chư ác mạc tác”. Kinh điển là tối thiện, tức là điều thiện nhất trong những điều thiện, là giáo huấn của Phật, Bồ Tát; kinh do Phật nói, chú giải do Bồ Tát giảng, tổ sư là Bồ Tát, tuyệt đối chẳng phải là phàm nhân. Quý vị đọc lời giáo huấn của Phật, Bồ Tát đó là điều tốt lành nhất, há còn có gì tốt lành hơn?

  Quý vị phải biết: Niệm kinh là trì giới, là trì giới viên mãn, chẳng khuyết chút nào! Nếu quý vị đang niệm kinh mà nghĩ lời này có nghĩa là gì, câu này vì sao phải nói như vậy, sẽ chẳng có Giới. Vì sao? Do quý vị khởi vọng tưởng, vọng tưởng là ác, chẳng lành. Do đó, khi đọc kinh, chớ nên dấy vọng tưởng, đừng mong hiểu ý nghĩa. Còn như trong kinh này có những chữ lạ thì làm thế nào? Những chữ lạ thì tốt nhất là nên tra từ điển trước, ghi chú âm đọc bên cạnh, đấy là biện pháp tốt nhất. Nếu không thì đừng đọc, chẳng đọc cũng không có lỗi gì, đọc sai sẽ phạm lỗi. Trừ việc tu Giới ra, [đọc kinh] còn là tu Định vì quý vị niệm kinh phải chuyên tâm, chuyên tâm là Định. Vì thế, [đọc kinh không khởi vọng tưởng] là tu Định. Đồng thời còn là tu Huệ, tu Huệ bằng cách nào? Huệ ấy là tu Căn Bản Trí, kinh Bát Nhã nói Căn Bản Trí là “Bát Nhã vô tri”, tức là tu cái trí vô tri, đó là “chân tri”. Vì thế, niệm kinh từ “như thị ngã văn” cho đến “tín thọ phụng hành” rõ ràng, rành mạch. Đã rõ ràng, rành mạch, nhưng lại chẳng có phân biệt, chấp trước, cũng chẳng khởi vọng tưởng; niệm kinh như thế là tu hành, là tu Giới - Định - Huệ, lại còn tu hành Giới - Định - Huệ cùng một lúc, viên mãn một lượt, hết sức cao minh! Niệm như vậy là biết niệm, cách niệm này được Tam Bảo gia trì, cho nên nói “độc kinh thiên biến, kỳ nghĩa tự kiến” (đọc kinh ngàn lượt, tự thấy ý nghĩa), được thần lực của Tam Bảo gia trì, niệm nhiều sẽ khai ngộ.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289