/ 289
603

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 45


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm mươi sáu:


(Sớ) Thuyết pháp chủ giả, thuyết pháp độ sanh, nhất độ chi trung, vô nhị Phật cố.

(疏) 說法主者,說法度生,一土之中,無二佛故。

(Sớ: “Thuyết pháp chủ”: Thuyết pháp độ sanh, trong một cõi không có hai vị Phật).


Đoạn này nhằm giải thích câu thứ nhất trong bài kệ Thỉnh Gia (thỉnh Tam Bảo gia hộ): “Quy mạng Sa Bà thuyết pháp chủ”. Chữ “thuyết pháp chủ” chỉ đức Phật. Trong một tam thiên đại thiên thế giới chỉ có một vị Phật, Ngài được gọi là “thuyết pháp chủ”, giống như mỗi trường học chỉ có một hiệu trưởng. Chư Phật từ phương khác nếu đến ứng hóa tại nơi đây, tình hình này hết sức thường có, chỉ cần [chúng sanh trong cõi ấy] có duyên với Phật, Phật sẽ tùy thời thị hiện các thứ thân tướng trong mười phương để hóa độ chúng sanh, nhưng các Ngài thị hiện thì chẳng thể dùng thân phận Phật để thị hiện. Trừ thân phận Phật ra, bất cứ thân phận nào cũng đều có thể thị hiện được. Trong một thế giới, dùng thân phận Phật để thị hiện, nhất định chỉ có vị giáo hóa chủ.


(Sớ) Tiếp dẫn giả, chúng sanh niệm Phật, Phật thùy tiếp dẫn. Dụ như hành lộ, nhược giả tiếp nhi tế chi, mê giả dẫn nhi đạo chi dã. Phục hữu nhị nghĩa: Hiện sanh tiếp dẫn, tắc tư kỳ đạo tâm; lâm chung tiếp dẫn, tắc nhiếp kỳ thần thức.

(疏)接引者,眾生念佛,佛垂接引,喻如行路,弱者接而濟之,迷者引而導之也。復有二義:現生接引,則資其道心;臨終接引,則攝其神識。

(Sớ: “Tiếp dẫn” là chúng sanh niệm Phật, Phật rủ lòng tiếp dẫn. Ví như đi đường, đối với người yếu đuối bèn nâng, dìu, giúp đỡ, đối với kẻ lạc đường bèn dẫn dắt, chỉ bảo. Lại có hai nghĩa: Tiếp dẫn trong lúc còn sống nhằm vun bồi đạo tâm cho người ấy; tiếp dẫn lúc lâm chung thì nhiếp thọ thần thức của người ấy).


Đây là giải thích ý nghĩa chữ “tiếp dẫn”. Ở đây nói tới “tiếp dẫn” thì đương nhiên là Tây Phương thế giới A Di Đà Phật. Ở chỗ này, đại sư dùng tỷ dụ để giảng chữ “tiếp dẫn”, tỷ dụ khá thân thiết. Ví như đi đường, người thể lực yếu đuối, chúng ta bèn nâng đỡ, dìu dắt, giúp đỡ người ấy. Đấy là ý nghĩa “tiếp nhi tế chi”. “Tế” (濟) là giúp đỡ. Nếu người ta bị lạc đường, quý vị có thể chỉ điểm, hoặc nếu quý vị có thời gian, cũng có thể dẫn họ đi một đoạn, đấy là “dẫn nhi đạo chi”. Tiếp dẫn có hai thứ ý nghĩa, [nên lời Sớ mới viết là] “phục hữu nhị nghĩa”, [tức là] tiếp dẫn về Tây Phương lại gồm có hai tình huống: Thứ nhất là ngay trong khi còn sống.


(Diễn) Hiện sanh tiếp dẫn giả.

(演) 現生接引者。

(Diễn: Tiếp dẫn ngay trong khi còn sống).


Tình hình này rất nhiều, một người phát tâm thật sự niệm Phật, nếu tâm thanh tịnh thì gần như là thường có thể cảm thấy Phật ngấm ngầm gia trì.


(Diễn) Bất hiện thân ngữ, minh minh gia bị.

(演) 不現身語,冥冥加被。

(Diễn: Chẳng hiện thân hay nói năng, âm thầm gia bị).


Chúng ta chẳng thấy hình tướng, cũng chẳng nghe thấy âm thanh, nhưng trong tâm có thể cảm nhận được Phật ở bên cạnh.


(Diễn) Tinh tâm ấm tốc, phát bỉ thần thức dã.

(演) 精心陰速,發彼神識也。

(Diễn: Nhanh chóng ngầm cảm thông với tâm thuần chân, khiến cho thần thức của kẻ ấy phát khởi tác dụng)[1].


Đây là ý nghĩa cảm ứng đạo giao. Trừ tình hình này ra, cũng có khi hiện thân, nhưng điều này khá ít. Hoặc là trong khi niệm Phật thấy được tướng lành, hoặc là trong khi tịnh tọa thấy thân Phật, cũng có khi nằm mộng thấy Phật. Thấy Phật thì hoặc là nghe pháp, hoặc Phật xoa đỉnh đầu, đó là những hiện tượng tốt, đều là cảnh giới tốt. Bất quá là thấy hiện thân, trông thấy thân ấy, hoặc nghe âm thanh, thỉnh thoảng một hai lần thì được; nếu thường xuyên nghe thấy thì thưa cùng quý vị, đấy là ma, chẳng phải Phật! Vì sao? Phật chẳng thể thường xuyên cho quý vị trông thấy. Thỉnh thoảng một hai lần [hiện thân] để tăng trưởng tín tâm của quý vị, đó là thật sự tiếp dẫn. “Tư kỳ đạo tâm” (vun bồi đạo tâm), nhằm chứng minh cho quý vị. Chứng minh một hai lần là đủ rồi, chứ thường xuyên trông thấy sẽ phiền phức lớn lắm. Đấy chắc chắn không phải là Phật; quý vị phải chú ý điều này!

/ 289