/ 289
460

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 47

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm mươi chín:

 

  Khai chương thích văn nhị.

  開章釋文二 。

  (Chia thành chương đoạn để giải thích kinh văn, gồm hai phần).

 

Đoạn này cũng khá dài, chia thành hai đoạn nhỏ hơn. Đoạn thứ nhất là “lược tiêu” (nêu đại lược những ý chính), đoạn thứ hai là giải thích chi tiết.

 

  Tương thích thử kinh, tổng khải thập môn, nhất giáo khởi sở nhân, nhị tạng giáo đẳng nhiếp, tam nghĩa lý thâm quảng, tứ sở bị giai phẩm, ngũ năng thuyên thể tánh, lục tông thú chỉ quy, thất bộ loại sai biệt, bát dịch thích tụng trì, cửu tổng thích danh đề, thập biệt giải văn nghĩa.

  將釋此經,總啟十門:一教起所因,二藏教等攝,三義理深廣,四所被階品,五能詮體性,六宗趣旨歸,七部類差別,八譯釋誦持,九總釋名題,十別解文義。

  (Để giải thích kinh này, chia thành mười môn tổng quát như sau: Một là nhân duyên phát khởi giáo pháp, hai là kinh này thuộc về tạng nào và giáo nào, ba là nghĩa lý sâu rộng, bốn là các địa vị và phẩm vị được kinh này nhiếp thọ, năm là thể tánh được trình bày bởi kinh này, sáu là tông, thú, ý chỉ quy kết, bảy là sự sai khác giữa các kinh đồng bộ và đồng loại, tám là dịch, chú giải, tụng trì, chín là giải thích tổng quát tên kinh, mười là giải thích ý nghĩa riêng biệt của từng đoạn kinh văn).

 

  Trước hết, đại sư nói rõ phương pháp Ngài sử dụng để giải thích bộ kinh này. Dùng phương pháp nào để giải thích? Tại Trung Quốc từ xưa đến nay, bất luận giảng kinh hay chú giải kinh đều có phương thức nhất định. Tuy nói là phương thức nhất định, nhưng hoàn toàn chẳng phải chỉ có một phương thức mà có nhiều thứ. Trong phần lời tựa kinh Hoa Nghiêm, chúng ta đã thấy có mười mấy phương thức, trong đó nổi danh nhất là cách thức của hai tông Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Phương pháp của tông Hoa Nghiêm là “thập môn khai khải”, tức là dùng mười cương mục (mười chủ đề chính), dùng phương thức này để giải thích; còn tông Pháp Hoa thì dùng Ngũ Trùng Huyền Nghĩa (năm tầng huyền nghĩa), đơn giản hơn mười môn, chỉ có năm điều. Tông Hoa Nghiêm do kinh Hoa Nghiêm dùng “mười” để biểu thị pháp, “mười” tượng trưng cho viên mãn. Vì thế, các vị bên tông Hoa Nghiêm giải thích kinh văn cũng dùng mười đề mục. Những phương thức giải thích của các tông khác hiện thời rất ít được tuân hành.

  Hiện thời, trong sự nghiên cứu Phật học, dấy lên rất nhiều biến hóa rất lớn, như cái gọi là “phương pháp khoa học”, tức là dùng phương pháp học thuật của Tây Phương để nghiên cứu kinh Phật. Nhìn bề ngoài, phương pháp ấy rất hợp thời trang, rất mới mẻ; thật ra, tôi nhận thấy nó chẳng thể sánh bằng phương cách của cổ nhân. Những điều cổ nhân giảng giải là Phật pháp, những điều con người hiện thời nêu ra là Phật học. Phật học và Phật pháp khác nhau! Phật pháp dạy chúng ta liễu sanh tử, xuất tam giới, còn Phật học tối đa chỉ có thể coi như một thứ học vấn, chẳng liên quan gì đến sanh tử, mà cũng chẳng liên quan gì với đoạn phiền não. Chúng ta cần phải hiểu rõ điều này, lại còn phải nghiêm túc tu học. Dùng Phật pháp, ta có thể lừa gạt người khác cả đời [ta là một bậc thông gia, tu tập cao siêu], nhưng đến phút cuối lâm chung, ắt hiện nguyên hình, rốt cuộc quý vị có công phu hay không đều lộ hết ra, chẳng có cách nào giấu diếm được! Mấy hôm trước, pháp sư Quảng Khâm vãng sanh; tuy lão nhân gia sống đến chín mươi lăm tuổi trên cõi đời, Ngài chưa từng giảng kinh, cũng chưa hề tạo danh lợi, chưa từng làm ủy viên hội Phật giáo, thật thà tham Thiền, đến tuổi già bèn hoàn toàn niệm Phật, chẳng tham Thiền nữa, tự mình niệm Phật, dạy người khác niệm Phật. Đến phút cuối Ngài ra đi, biểu hiện cho chúng ta thấy: Biết trước lúc mất, không bệnh tật mà qua đời. Hiện thời, tôi cũng chưa từng thấy người xuất gia nào đến phút cuối cùng được như Ngài; nhưng trong giới cư sĩ tu hành rất tốt đẹp, tôi thấy khá nhiều người ra đi tự tại giống như lão hòa thượng! Do vậy, học Phật thì phải nghiêm túc tu học, chớ nên màu mè, chớ nên ham kỳ chuộng quái, cứ thật thà niệm một câu A Di Đà Phật là được rồi! Liên Trì đại sư hoàn toàn tuân thủ giáo huấn của cổ đức, đấy là người chất phác. Được gọi là “người chất phác” chính là người tôn cổ nhân làm thầy, học theo cổ nhân, chẳng cầu phương cách hoa dạng mới mẻ!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289