A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 44
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm mươi ba:
(Sớ) Hồi hướng Bồ Đề giả, phàm sở tu vi, hàm nguyện vãng sanh, thị danh hồi hướng, nhi hướng vô tha hướng, hồi hướng Tây Phương giả, hồi hướng tự tánh dã.
(疏)回向菩提者,凡所修為,咸願往生,是名回向。而向無他向,回向西方者,回向自性也。
(Sớ: Hồi hướng Bồ Đề là phàm những gì tu tập, thực hiện, đều nguyện vãng sanh. Đó gọi là hồi hướng, nhưng không hướng về nơi nào khác, hồi hướng Tây Phương là hồi hướng tự tánh).
Mấy câu này nhằm chú giải câu “hữu nguyện giai hồi hướng Bồ Đề” (có nguyện nào cũng đều hồi hướng Bồ Đề). Học Phật vì sao phải hồi hướng? Có những chuyện nào cần phải hồi hướng? Hồi hướng cho ai? Chúng ta cần phải hiểu rõ những điều này. Phàm là người thật sự học Phật, bất luận thiện sự nào, đại thiện, tiểu thiện, quý vị tu pháp thế gian hoặc xuất thế gian đều phải hồi hướng. Ở đây nói rất rõ ràng: “Phàm sở tu vi” (phàm những gì đã tu tập, tạo tác), “vi” (為) là tạo tác, “tu” (修) là tu hành, “hàm nguyện vãng sanh” (đều nguyện vãng sanh), bất luận làm chuyện gì, chúng ta chỉ có một mục tiêu: Cầu sanh Tịnh Độ! Ý niệm cầu sanh Tịnh Độ này thời thời khắc khắc chẳng thể quên mất! Làm hết thảy điều lành, làm thiện sự, tu phước thì tu phước ấy để làm gì? Giúp cho ta vãng sanh.
Vãng sanh cũng phải nhờ vào phước báo. Trong kinh luận thường nói: “Lâm mạng chung thời, tâm bất điên đảo” (khi lâm chung, tâm không điên đảo), đó là đại phước báo. Đối với hết thảy thiện pháp đã tu, tuyệt đối chẳng cầu thiện quả trong hiện tại, chẳng cầu phước ấy. Tu phước nhưng chẳng muốn hưởng thụ phước báo ấy, muốn khi nào sẽ hưởng thụ? Lúc lâm chung không bị bệnh, đó là đại phước báo. Người thế gian nói đến “ngũ phước”, tức là phước gồm có năm loại lớn. Khi tuổi thọ đã hết, tỉnh táo, sáng suốt, đó là một trong năm loại phước, nhưng phước này trọng yếu nhất trong năm loại phước. Vì sao? Mọi người đều biết có lục đạo, sau khi chết sẽ luân hồi [trong lục đạo]. Phàm là ác đạo, đều là do mê hoặc, điên đảo mới đi vào, có ai sáng suốt, tỉnh táo [mà khi lâm chung] đi vào ác đạo? Người khi lâm chung ngã bệnh, chẳng nhận biết người nhà, quyến thuộc, thậm chí bất tỉnh nhân sự, rất nguy hiểm! Trong tình hình ấy, dẫu chúng ta trợ niệm giúp cho người ấy, tận hết tâm lực của chúng ta, người ấy có thể thụ dụng hay không? Rất khó nói! Nếu người ấy lúc lâm chung tỉnh táo, sáng suốt, chúng ta trợ niệm cho người ấy, sẽ rất có hiệu quả. Đủ thấy lúc lâm chung có quan hệ với phước báo trong cả một đời và nhân quả trong đời sau. Vì vậy, hết sức trọng yếu. Do điều này, trong đời này khi chúng ta còn sống, bất luận tu điều lành lớn hay nhỏ đều mong mỏi nó sẽ giúp cho chúng ta lúc lâm chung chánh niệm hiện tiền, niệm Phật hiệu rõ ràng sáng suốt vãng sanh. Đó gọi là “hồi hướng”, ý nghĩa của “hồi hướng” là ở chỗ này.
Hồi hướng còn có một tầng ý nghĩa nữa là phá Ngã Chấp. Người thế gian Ngã Chấp khá nặng, khởi tâm động niệm chắc chắn chẳng quên cái ta. Hễ làm chuyện gì, ý niệm đầu tiên là nghĩ nó có lợi cho mình hay không. Ý niệm này là bẩm sinh, chẳng cần phải học, nói chung là mong [chuyện ấy] sẽ có lợi cho chính mình. Do đây có thể biết: Ngã Chấp tăng trưởng hằng ngày, Ngã Chấp là căn nguyên của Phiền Não Chướng. Không có Ngã Chấp, Phiền Não Chướng bị phá; không có Pháp Chấp, Sở Tri Chướng bị phá. Do vậy, đây là căn bản của hai thứ trọng chướng. Bất luận làm chuyện gì cũng đều chịu hồi hướng, Ngã Chấp sẽ nhạt bớt rất nhiều. Ta làm thiện sự nào cũng chẳng vì chính mình, mà vì hết thảy chúng sanh, ta có phước báo, chính mình chẳng cần hưởng, để cho chúng sanh hưởng, nhường cho mọi người hưởng, khiến cho cái Ngã nhỏ nhoi hóa thành Đại Ngã, như vậy mới là tốt đẹp!
“Nhi hồi hướng vô tha hướng” (nhưng hồi hướng không nhằm hướng đến điều nào khác), đây là đặc biệt nói với người tu Tịnh Độ. Nếu chúng ta nhất tâm nhất ý cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, quý vị niệm niệm đều phải hồi hướng Tây Phương, chớ nên hồi hướng về nơi nào khác, niệm niệm chẳng quên Tây Phương Cực Lạc thế giới, niệm niệm đều tu Tây Phương. “Hồi hướng Tây Phương” là “hồi hướng tự tánh”. Kinh này dạy như vậy, mà kinh Hoa Nghiêm cũng nói như thế. Vì có những kẻ chẳng hiểu đạo lý này, chúng ta làm thiện sự nhiều ngần ấy thay cho người khác, cuối cùng [chính mình] cũng chẳng đạt được gì, ta làm để làm chi? Chẳng làm nữa! Do vậy, đến cuối cùng, [tổ Liên Trì] bảo quý vị hồi hướng Tây Phương là hồi hướng tự tánh viên mãn, toàn bộ vẫn là chính mình đạt được, thật sự đạt được. Nếu hiện thời vì cái Ngã nhỏ nhoi, vì thân thể hiện tại này của chính mình thì kết quả sẽ là điều gì cũng chẳng đạt được! Bởi lẽ, thân thể này khi sanh không mang theo đến, chết chẳng mang theo đi; nếu ta vì nó thì quý vị đã bị lừa rồi, chịu thiệt thòi rồi! Nếu vì tự tánh thì tự tánh là Chân Ngã, thân thể này là cái Ngã sanh diệt, còn tự tánh là Chân Ngã bất sanh bất diệt. Hiểu rõ đạo lý này, quý vị sẽ hiểu hồi hướng là điều phải nên tu học.