478

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 41

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm mươi mốt.

 

  (Sớ) Vị năng tự lợi, tiên năng lợi nhân giả, Bồ Tát phát tâm. Cố bất nhẫn độc thiện kỳ thân, tâm hoài kiêm lợi dã. Kiêm lợi chi đạo, hoằng pháp vi tiên. Nhi thử kinh chú sớ, kim đa mẫn một, kê cổ vô diêu, tuy nhất nhị cẩn tồn, lược cử đại đoan, vị sướng quyết chỉ. Hoằng công giả, tức bất khả tư nghị công đức dã. Bất tri thử kinh cụ hữu như thị công đức, tắc nghi nhi bất tín, tín diệc bất chân, Sớ Sao chi tác, bất dung dĩ dã.

  (疏) 未能自利,先能利人者,菩薩發心。故不忍獨善

其身,心懷兼利也。兼利之道,弘法為先。而此經註疏,今多泯沒,稽古無繇,雖一二僅存,略舉大端,未暢厥旨。宏功者,即不可思議功德也,不知此經具有如是功德,則疑而不信,信亦不真,疏鈔之作,不容已也。

  (Sớ: Chưa thể tự lợi mà đã có thể làm lợi cho người khác trước, đấy là Bồ Tát phát tâm. Vì thế, chẳng nỡ hưởng tốt lành cho riêng mình, nặng lòng toan làm lợi cho người khác. Đạo làm lợi cho người khác lấy hoằng pháp làm đầu; nhưng chú thích, sớ giải của kinh này nay phần nhiều đã thất lạc, không có cách nào tìm được [trọn vẹn]. Các bản chú giải cổ tuy hãy còn một hai bản, nhưng những bản ấy chỉ nêu đại lược đầu mối, chưa diễn giải thông suốt tông chỉ của kinh này. “Hoằng công” tức là công đức chẳng thể nghĩ bàn. Chẳng biết kinh này trọn đủ công đức như thế, sẽ nghi ngờ chẳng tin. Dẫu có tin thì cũng chẳng tin thật sự, nên tôi chẳng đặng đừng phải viết Sớ Sao).

 

  Đoạn này là trần thuật, Liên Trì đại sư tự nói rõ cặn kẽ nhân duyên soạn bộ Sớ Sao. Chúng ta phải chú trọng nghiên cứu đoạn này kỹ hơn, vì sao? Sợ hiểu lầm! “Vị năng tự lợi” (chưa thể tự lợi): Tự lợi là tự độ; như thế nào thì mới là tự lợi? Nhất định phải vãng sanh thì mới là tự lợi. Chưa vãng sanh thế giới Tây Phương, chẳng thể nói là đã thực hiện tự lợi! “Tiên năng lợi nhân” (có thể làm lợi cho người khác trước) là bỏ mình vì người, đó gọi là “Bồ Tát phát tâm”. Nay chúng ta chưa thể tự lợi, mà cũng phát tâm lợi người, thử hỏi chúng ta có phải là Bồ Tát hay không? Nếu chúng ta nghiên cứu, thảo luận vấn đề này, quý vị phải hiểu: Câu nào của Liên Trì đại sư cũng là lời khiêm hư, khách sáo, chúng ta đừng tưởng lời khách sáo là thật! Ngài là bậc tái lai, Ngài nói “chưa thể tự lợi”, thì “tự lợi” chính là thành Phật, Ngài còn chưa thành Phật. Chưa thành Phật, nhưng có thể Ngài là bậc đại Bồ Tát tái lai. Lão nhân gia lui tới thế giới Tây Phương tự tại, còn chúng ta có làm được hay không? Chúng ta không có năng lực ấy. Do vậy, phải là như vậy thì mới gọi là “Bồ Tát phát tâm”, Ngài đã là Bồ Tát rồi!

  Bồ Tát phát tâm, mức độ thấp nhất là Quyền Giáo Bồ Tát, tối thiểu cũng là Sơ Tín Bồ Tát trong địa vị Thập Tín, đây là cấp bậc thấp nhất. Năm mươi mốt cấp bậc Bồ Tát là Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, và Đẳng Giác. Địa vị Sơ Tín chưa thể tự lợi, họ phát tâm làm Bồ Tát. Nói theo Viên Giáo, địa vị Sơ Tín là địa vị như thế nào? Chúng ta phải hiểu rõ ràng. Theo cách phán giáo của tông Thiên Thai và tông Hiền Thủ, địa vị Sơ Tín trong Viên Giáo tương đương với Tiểu Thừa Sơ Quả Tu Đà Hoàn (Srotāpanna) trong Tạng Giáo. Tu Đà Hoàn đã đoạn hết tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, nhưng chưa đoạn Tư Hoặc. Đã đoạn hết Kiến Hoặc, tức là Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến và Tà Kiến đều đoạn sạch. Chúng ta một phẩm [vô minh] chưa đoạn, là hạng phàm phu lè tè sát đất, muốn học đòi những vị Bồ Tát ấy phát tâm thì quá ư là khó! Nhưng quý vị phải hiểu rõ Lý, chính mình hãy tự cân nhắc trình độ của chính mình, quả thật có đủ [để học đòi hạnh Bồ Tát] hay không? [Nếu là] hạng người giống như đại sư thì không còn gì phải nói nữa, Ngài có thể! Do vậy, Ngài phát tâm viết bản chú giải này. Chúng ta phát tâm thì có thể viết được chú giải hay chăng? Ngài phát tâm viết bộ chú giải này, chúng ta đọc còn chưa hiểu, nói gì tới viết! Do vậy, biết rằng: Chúng ta không có cách nào học theo hạng người như vậy, học không được! Nói thật ra, chúng ta cũng nên bắt chước tấm lòng từ bi của Bồ Tát. Nếu là người có lòng riêng tư, bản thân người ấy đã chứng địa vị Sơ Tín, vẫn mong đạt Nhị Tín, đạt đến Nhị Tín lại mong vượt lên một cấp cao hơn nữa là Tam Tín. Người ấy tạm thời đem chuyện nâng cao địa vị của chính mình gác qua một bên hòng giúp đỡ hết thảy chúng sanh, đó gọi là “Bồ Tát phát tâm”. Đó là “vị năng tự lợi, tiên năng lợi nhân” (chưa thể tự lợi mà đã làm lợi người khác trước), nhưng chính mình đã có chỗ đặt chân vững vàng rồi!

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net