/ 289
701

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 40


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm mươi:


Tam, nguyên kỷ thích kinh.

(Tự) Nhưng dĩ tâm hoài kiêm lợi, đạo quý hoằng thông, khái cổ sớ tiển kiến kỳ toàn, duy sổ giải cẩn hành ư thế, từ tuy thiết nhi thái giản, lý vi lộ nhi bất chương, bất cực luận kỳ hoằng công, trù phát khởi hồ chân tín, đốn vong phu kiến, ký kiệt tâm tư, tổng thâu bộ loại ngũ kinh, trực cứ Văn Thù nhất hạnh, nhi phục hội quy huyền chỉ, tắc phần nhập Tạp Hoa, quán xuyên chư môn, tắc bác tổng quần điển, vô nhất bất tiêu quy tự kỷ, hữu nguyện giai hồi hướng Bồ Đề, triển thử tinh thành, khất cầu gia bị.

三、原己釋經

(序)仍以心懷兼利,道貴弘通,慨古疏尠見其全,惟數解僅行於世,辭雖切而太簡,理微露而不彰,不極論其宏功。儔發起乎真信,頓忘膚見,既竭心思,總收部類五經,直據文殊一行,而復會歸玄旨,則分入雜華,貫穿諸門,則博綜群典,無一不消歸自己,有願皆回向菩提,展此精誠,乞求加被。

(Ba, nêu lý do vì sao mình chú giải kinh này.

Tựa: Do tâm vẫn nặng lòng làm lợi cho người khác, đạo quý ở chỗ được lưu truyền rộng rãi. Cảm khái những bản sớ giải cổ ít thấy có bộ nào còn trọn vẹn, chỉ thấy vài bản chú giải ít ỏi được lưu hành trong cõi đời. [Những bản chú giải ấy] từ ngữ tuy thiết thực, nhưng quá đơn giản, lý được hé lộ đôi chút, nhưng chưa nêu rõ ràng, chẳng luận đến cùng cực công đức to lớn của bộ kinh này, làm sao phát khởi lòng tin chân thật nơi mọi người? [Do vậy, tôi bèn] mau chóng quên mình kiến giải hời hợt, dốc cạn tâm tư, gồm thâu năm bộ kinh cùng bộ, cùng loại, trực tiếp dựa trên Nhất Hạnh của ngài Văn Thù, dung hội về tông chỉ huyền nhiệm, có đôi phần dung nhập kinh Hoa Nghiêm, xuyên suốt các pháp môn, tổng hợp rộng khắp các sách vở, không gì chẳng nhằm tiêu trừ mọi kiến giải phân biệt, kết quy tự tánh. Có nguyện nào cũng đều hồi hướng Bồ Đề, giãi bày tấm lòng tinh thành này, cầu xin [Tam Bảo] gia bị).


Đoạn này có ý nghĩa hết sức trọng yếu, có thể nói là đại sư đã xác định một cách rất đơn giản nhưng trọng yếu địa vị của kinh Di Đà trong toàn bộ giáo pháp suốt một đời Thích Ca Như Lai. Do vậy, đoạn văn này hết sức khó có. Trước đoạn văn này, chúng ta đã thấy đại sư viết một đoạn vô cùng khiêm hư, quyết chẳng dám nhận mình là hạng trí huệ nhạy bén, căn cơ viên đốn. “Thích kinh” là viết chú giải cho bộ kinh này. Đã là một người rất tầm thường, làm sao có thể viết một bộ chú giải như thế này? Do vậy, nay Ngài nêu ra dụng ý viết chú giải kinh này của chính mình. Tuy [Ngài tự nhận mình] rất tầm thường, rất ngu, nhưng tấm lòng tự lợi, lợi tha chẳng kém Bồ Tát, hoàn toàn chẳng khác gì Bồ Tát. Tuy trí huệ và căn tánh chẳng bằng các vị đại Bồ Tát, nhưng tâm tự lợi, lợi tha, hoàn toàn chẳng kém các vị đại Bồ Tát. Vừa mở đầu, Ngài liền viết “nhưng dĩ tâm hoài kiêm lợi” (do tâm vẫn nặng lòng làm lợi cho người khác), Liên Trì đại sư tự nói rõ: Tâm Ngài vẫn nhằm tự lợi và lợi tha, chính mình đã thấy được lợi ích thù thắng, nhất định muốn tạo lợi ích cho người khác, đấy là hành Bồ Tát đạo. “Đạo quý hoằng thông” (đạo quý ở chỗ được lưu truyền rộng rãi), chữ “đạo” chỉ pháp môn Niệm Phật.


(Diễn) Tâm thị đại sư phổ tâm.

(演) 心是大師普心。

(Diễn: Chữ “tâm” [trong lời tựa] chỉ cái tâm rộng khắp của đại sư).


“Phổ tâm” là tâm lợi ích trọn khắp đại chúng, mỗi người chúng ta phải học theo cái tâm này. Có rất nhiều đồng tu thường nói: “Chúng tôi nghiệp chướng rất nặng, hằng ngày cầu tiêu nghiệp chướng”. Nghiệp chướng có thể tiêu được hay không? Khá khó khăn! Cội nguồn của nghiệp chướng là gì? Quý vị tìm ra nó, sau đó sẽ tiêu trừ từ chỗ ấy, dẹp trừ nghiệp chướng từ căn bản, đừng tiêu trừ từ cành nhánh, khổ lắm! Khó khăn lắm! Chẳng thể tiêu hết được! Cội nguồn của nghiệp chướng là tự tư tự lợi; kẻ tự tư tự lợi thì nghiệp chướng nào cũng có. Có thể sửa trừ cái tâm tự tư tự lợi của chính mình, khởi tâm động niệm luôn nhằm lợi ích hết thảy chúng sanh thì nghiệp chướng của quý vị sẽ bị dẹp trừ tận gốc, chẳng còn nghiệp chướng nữa. Vì sao nói “không còn nghiệp chướng?” Không có ngã! Không có ngã thì làm sao có nghiệp chướng? Còn có gì để chướng ngại nữa đây? Đó gọi là “dẹp trừ tận gốc”. Nếu chuyện gì trước hết cũng nghĩ có lợi ích cho mình hay không thì nghiệp chướng của quý vị làm cách nào cũng chẳng tiêu được! Mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu cũng uổng công! Hằng ngày lạy Lương Hoàng Sám, dập đầu đến nứt trán, nghiệp chướng vẫn chẳng tiêu! Nếu có thể mở rộng cái tâm, khởi tâm động niệm luôn nghĩ làm lợi ích hết thảy chúng sanh, căn bản là chẳng nghĩ đến chính mình thì quý vị cũng chẳng cần niệm Phật, cũng chẳng cần lễ Phật mà nghiệp chướng hoàn toàn không có! Đấy là lời thật, phải sửa lỗi, đổi mới. Căn nguyên của lầm lỗi là do tự tư, tức là chuyện gì cũng nghĩ tới mình, đó là gốc bệnh!

/ 289