/ 289
569

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 42

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm mươi hai:

 

  (Sớ) Bộ loại giả, chuyên đàm Cực Lạc Đại Bổn đẳng ngũ kinh dã. Văn Thù giả, Văn Thù Bát Nhã kinh, chuyên xưng danh tự Nhất Hạnh tam-muội dã.

  (疏) 部類者,專談極樂大本等五經也。文殊者,文殊

般若經,專稱名字一行三昧也。

  (Sớ: “Bộ loại” là những kinh chuyên giảng về Cực Lạc như năm kinh [Tịnh Độ]: Đại Bổn v.v... Nói “Văn Thù” là chỉ kinh Văn Thù Bát Nhã, [kinh này giảng về] Nhất Hạnh tam-muội chuyên xưng niệm danh hiệu Phật).

 

  “Bộ” là cùng một bộ (cùng giảng về một hạnh môn) chỉ cho Tịnh Độ Ngũ Kinh mà chúng ta đang nhắc đến. Danh xưng Ngũ Kinh[1] trong đoạn văn trên đây không phải là cuốn Tịnh Độ Ngũ Kinh đang được chúng ta lưu thông hiện thời. Bản thường lưu thông hiện thời thì kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ là Tịnh Độ Tam Kinh, người đời sau thêm vào Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương của kinh Lăng Nghiêm và Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm [của kinh Hoa Nghiêm], gọi chung là Tịnh Độ Ngũ Kinh. Gần đây có người nói chẳng nên xếp phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm vào Tịnh Độ Ngũ Kinh, mà nên dùng Bát Nhã Tâm Kinh. Điều này thật ra rất vô lý. Mấy năm gần đây nhất, Phật giáo trên thế giới hết sức rối loạn, bản thân chúng ta phải hết sức dè chừng, những gì cổ đại đức chọn lựa nhất định có lý!

  Tịnh Độ Tam Kinh, Cổ Âm Vương Kinh, và Hậu Xuất Di Đà Kệ Kinh là căn cứ giáo lý để Liên Trì đại sư viết bộ chú giải này, đây là những kinh điển để Ngài y cứ. Ngài lấy năm kinh này làm chánh, đủ thấy chú giải và giảng đều chẳng dễ dàng, nhất định phải lấy kinh điển làm căn cứ. Giảng đến Hạnh Môn thì cách niệm Phật như thế nào? Phương pháp Niệm Phật rất nhiều, nói tổng quát thì có bốn loại lớn, trong mỗi một loại đều có rất nhiều phương pháp niệm, rốt cuộc là y cứ loại nào? Mà loại ấy là do ai truyền lại? Đấy đều là những chuyện mà người niệm Phật chúng ta hết sức quan tâm. Trong kinh này, phương pháp niệm Phật do đại sư dạy cho chúng ta dựa trên “Nhất Hạnh tam-muội chuyên xưng niệm danh hiệu” trong kinh Văn Thù Bát Nhã. Nhìn từ phương diện này, bất luận về mặt kinh luận, hay về mặt phương pháp, chỗ y cứ của lão nhân gia đều có thể nói là tối thượng thừa, đáng cho chúng ta tin tưởng, nương cậy. Khi dẫn dụng kinh điển thì kinh được dẫn dụng nhiều nhất là kinh Hoa Nghiêm.

 

  (Sớ) Tạp Hoa giả.

  (疏) 雜華者。

  (Sớ: Tạp Hoa là...)

 

  Tạp Hoa là kinh Hoa Nghiêm.

 

  (Sớ) Dĩ Hoa Nghiêm tánh hải vi Tông, minh giáo phi quyền thiển dã.

  (疏) 以華嚴性海為宗,明教非權淺也。

  (Sớ: Lấy Hoa Nghiêm tánh hải làm Tông, nhằm chỉ rõ giáo pháp này chẳng phải là quyền biến hay nông cạn).

 

  Hoa Nghiêm là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, “Tánh hải vi Tông” (Tánh hải làm Tông) chính là nói về tông chỉ của kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm từ đầu đến cuối đều nói về Chân Như bổn tánh.

 

  (Diễn) Tánh hải vi Tông giả, Hoa Nghiêm tứ phần.

  (演) 性海為宗者,華嚴四分。

  (Diễn: “Tánh hải làm Tông”: Kinh Hoa Nghiêm có bốn phần).

 

  Kinh Hoa Nghiêm gồm bốn phần “Tín, Giải, Hành, Chứng”, nói lên trọn vẹn Phật pháp, bất cứ phần nào cũng đều giảng rõ ràng, hết sức thấu triệt, tường tận. Đây chính là căn bản pháp luân của Phật pháp.

 

  (Diễn) Ngũ châu.

  (演) 五周。

  (Diễn: Và năm tầng [nhân quả]).

 

  “Ngũ châu” là nói tới nhân quả, kinh Hoa Nghiêm có năm tầng nhân quả[2].

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289