A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 39
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi chín:
(Sớ) Phật dĩ đại từ đại bi, tiếp dẫn chúng sanh, thị hoài ngã dĩ thánh thai, tự ngã dĩ pháp nhũ, tức kim nội ngoại thân tâm, mạc bất hà kỳ ân lực nhi đắc thành lập.
(疏)佛以大慈大悲,接引眾生,是懷我以聖胎,飼我以法乳,即今內外身心,莫不荷其恩力而得成立。
(Sớ: Phật do lòng đại từ đại bi tiếp dẫn chúng sanh là chứa đựng ta bằng thánh thai, nuôi dưỡng ta bằng sữa pháp, ngay cả trong và ngoài thân tâm hiện thời, không có gì chẳng nhờ vào ân đức và thần lực của Phật mà được thành lập).
Đối với sự tu học của chúng ta, đoạn này rất quan trọng.
(Diễn) Phật dĩ đại từ hạ, song viết Sự Lý. Ước Sự, tắc tứ thập bát nguyện, quảng độ hữu tình, thị tiếp dẫn chúng sanh.
(演)佛以大慈下,雙曰事理。約事,則四十八願。廣度有情,是接引眾生。
(Diễn: Từ câu “Phật do lòng đại từ” trở đi nói về Sự lẫn Lý. Nói theo Sự thì bốn mươi tám nguyện rộng độ hữu tình là tiếp dẫn chúng sanh).
Trong đoạn này có cả Sự lẫn Lý. Nói theo mặt Sự, A Di Đà Phật trong khi tu nhân đã phát ra bốn mươi tám nguyện, nguyện nào cũng nhằm tiếp dẫn chúng sanh, đấy là chuyện thuộc phía Phật. Hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới chỉ cần xưng niệm Phật hiệu, lúc lâm chung, Phật nhất định đến tiếp dẫn, đây là chuyện của chúng ta. Điều mấu chốt là chúng ta có tin tưởng hay không, có chịu phát nguyện hay không? Nếu tin tưởng, chịu phát nguyện, trong một đời này nhất định sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nói chung, đối với chuyện này, người ta thường cho rằng đây là chuyện viễn vông: Thế giới Tây Phương là ở nơi đâu? Rốt cuộc nó có phải là chân thật hay không? Không chỉ người hiện thời hoài nghi, mà cổ nhân cũng hoài nghi. Do nỗi hoài nghi này mà bỏ lỡ nhân duyên.
Chúng ta phải biết: Phật chẳng nói dối. Phật hóa độ chúng sanh bằng rất nhiều phương pháp, chẳng cần phải dùng vọng ngữ để độ chúng sanh. Dẫu là nói dối vì mục đích tốt đẹp, nói dối tốt lành, đức Phật cũng chẳng dùng, vì sao? Giả sử trong một đời Ngài đã từng nói dối một lần, sẽ chẳng có ai tin tưởng lời Ngài nói. Nói chung, người ta thường hoài nghi: “Phật đã từng có lần nói dối, lần này cũng chắc gì đáng tin!” Do vậy, chắc chắn suốt đời đức Phật không nói dối. Thích Ca Mâu Ni Phật “hiện quảng trường thiệt tướng” (hiện tướng lưỡi rộng dài), đây là một tướng tốt lành trong ba mươi hai tướng, lưỡi thè ra có thể che khắp mặt. Kinh điển dạy: “Người bình thường ba đời không nói dối, lưỡi có thể liếm đến chót mũi của chính mình”. Đức Phật thè lưỡi có thể che cả mặt, cho thấy Ngài chẳng nói dối. Kinh Kim Cang dạy: “Phật thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả” (Phật là bậc nói lời chân thật, nói đúng như sự thật, nói đúng với bản chất của các pháp, chẳng nói lời dối gạt), chúng ta phải tin tưởng điều này! Do vậy, Tây Phương Cực Lạc thế giới tuyệt đối chẳng phải là cõi nước lý tưởng (Utopia) do Thích Ca Mâu Ni Phật [tưởng tượng ra], mà là sự thật. Mười phương thế giới vô lượng vô biên, đức Phật trông thấy rất rõ ràng, minh bạch, giới thiệu cõi Tây Phương Cực Lạc thế giới cho chúng ta sanh về.
Cũng có người muốn hỏi: Mười phương thế giới vô lượng vô biên, loại Tịnh Độ giống như cõi nước của A Di Đà Phật cũng không ít, thậm chí có nhiều thế giới còn thù thắng hơn thế giới Cực Lạc, vì sao đức Phật chẳng bảo chúng ta sanh về những cõi đó, cứ khăng khăng bảo chúng ta hãy tới Tây Phương Cực Lạc thế giới? Ở đây có một điều mấu chốt là chữ “duyên”, duyên phận đấy nhé! Trong thế gian của chúng ta nói tới duyên phận, mười phương thế giới cũng nói duyên phận. A Di Đà Phật và chúng sanh trong thế giới này có duyên phận đặc biệt sâu đậm. Nói cách khác, Ngài đặc biệt hoan nghênh chúng sanh từ thế giới Sa Bà sanh về cõi nước của Ngài. Đã có duyên như vậy, mà phương pháp lại rất đơn giản: Chỉ cần quý vị niệm Phật, niệm đến mức thân tâm thanh tịnh. Quý vị phải nhớ: Nơi ấy gọi là Tịnh Độ, thân tâm chẳng thanh tịnh sẽ chẳng phù hợp điều kiện. Niệm một câu A Di Đà Phật là diệu pháp để thanh tịnh thân tâm, chúng ta nhất định phải tin tưởng.
Ở cõi này, hễ phát nguyện vãng sanh, chấp trì danh hiệu, kinh đã nói rất rõ ràng, liên hoa hóa sanh trong cõi kia. Tức là trong ao bảy báu nẩy sanh một đóa hoa sen, hoa sen ấy dành cho người niệm Phật đó. Ta niệm Phật, trong ao bảy báu trổ một đóa hoa sen, chắc chắn không sai. Hoa sen lớn hay nhỏ, ánh sáng, màu sắc mỗi hoa khác nhau, nguyên nhân là do niệm Phật siêng năng hay lười nhác. Quý vị niệm Phật rất siêng, hoa lớn dần, ánh sáng, màu sắc càng đẹp hơn. Nếu giải đãi, biếng nhác, mỗi ngày chỉ niệm Phật mấy tiếng, hoa liền bé, ánh sáng, màu sắc sẽ kém. Tốt đẹp hay kém cỏi sai khác như vậy đó. Nếu quý vị muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, trụ trong đại liên hoa thì Phật hiệu đừng nên gián đoạn, nhất tâm nhất ý niệm. Đồng thời, chúng ta càng phải nên cảnh giác: Trong thế gian không có chuyện gì là chân thật, chỉ có chuyện này là chân thật. Thế nhưng, chúng sanh mê hoặc, điên đảo, chuyện thật sự khẩn yếu mà chẳng làm, cứ khăng khăng suốt ngày từ sáng đến tối làm những chuyện chẳng liên quan, làm những chuyện sanh tử luân hồi trong lục đạo, chẳng biết vun bồi hoa sen của chính mình cho to lớn. Đấy là lầm lẫn lớn nhất!