/ 289
504

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 38

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi tám:

 

  Nhị, minh kỷ sở thượng.

  二、明己所尚。

  (Hai, nói rõ điều mình ưa chuộng).

 

  Trong đoạn lời Tựa này, “minh” là nói rõ, “kỷ” là Liên Trì đại sư tự xưng. [Câu “minh kỷ sở thượng” có nghĩa là] nói rõ điều Ngài ưa chuộng, tôn sùng. Nói cách khác, trong rất nhiều pháp môn ngần ấy, bản thân Ngài chọn lựa pháp môn nào để khởi tu. Chọn lựa pháp môn sẽ bao gồm nhiều điều kiện trong ấy, chẳng phải là chọn lựa tùy tiện. Nếu chọn lựa tùy tiện, thì ở đây không cần phải nói nữa. Do vậy, chính mình nhất định phải lượng sức, pháp môn [được chọn lựa] ấy chẳng những phải thích hợp với căn tánh của chính mình, mà đồng thời còn phải chẳng trở ngại cuộc sống và công việc của chúng ta thì bắt đầu tu tập mới khá thuận tiện. Nếu không, rất khó thành tựu! Vì sao? Tu học Phật pháp lấy tâm thanh tịnh làm tông chỉ. Nếu có trở ngại, tâm sẽ chẳng dễ gì đạt được thanh tịnh. Khi không học Phật, tâm đầy thanh tịnh; học Phật rồi, đâm ra tâm rối loạn tơi bời; đó là chọn lựa pháp môn không thỏa đáng nên mới có hiện tượng ngược đời ấy.

 

  (Tự) Chi thừa tiên sắc, đốc phụng tư kinh, vọng Lạc quốc vi gia hương, ngưỡng Từ Tôn như hỗ thị.

  (序) 祗承先敕,篤奉斯經,望樂國為家鄉,仰慈尊如

怙恃。

  (Tựa: Kính vâng theo lời sắc truyền từ trước, dốc lòng vâng theo kinh này, mong ngóng quê nhà nơi Lạc quốc, ngưỡng vọng đấng Từ Tôn như cha mẹ).

 

  Chữ “tiên” (先) chỉ thầy dạy, nói gần gũi là thầy dạy, vâng theo lời thầy dạy bảo; nếu nói xa sẽ là vâng theo lời Thích Ca Mâu Ni Phật răn dạy.

“Sắc” (敕) là thánh chỉ của đế vương trước kia, đức Phật là pháp vương, do vậy, trong kinh luận cũng gọi lời Phật là “sắc”.

  Trong kinh, đức Phật dạy chúng ta: “Thời kỳ Chánh Pháp, Giới Luật thành tựu”, trong thời kỳ Chánh Pháp chỉ cần tu giới luật bèn có thể chứng quả. “Thời kỳ Tượng Pháp, Thiền Định thành tựu”: Trong thời kỳ Tượng Pháp, cách Phật đã xa, tu Giới Luật rất khó khăn, chỉ dựa vào giữ Giới Luật chẳng thể chứng quả, chẳng thể khai ngộ, do vậy, phải tu Thiền Định. “Thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh Độ thành tựu”: Chúng ta nay đang sống trong thời Mạt Pháp, Liên Trì đại sư cũng sanh trong thời Mạt Pháp. Nói cách khác, chúng ta hiện thời học Phật chọn lựa pháp môn này là “chi thừa”, “chi” (祗) là kính, [“chi thừa”] là kính vâng theo lời răn dạy của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, lão nhân gia đã dạy chúng ta như vậy, chúng ta phải vâng theo, phải tiếp nhận, y giáo phụng hành. “Đốc phụng tư kinh” (dốc lòng vâng theo kinh này): Chữ “tư kinh” chỉ bộ kinh này.

 

  (Diễn) Tư kinh tán dương Cực Lạc, khuyến sanh Cực Lạc.

  (演) 斯經贊揚極樂,勸生極樂。

  (Diễn: Kinh này tán dương Cực Lạc, khuyên hãy sanh về Cực Lạc).

 

   Bộ kinh này đặc biệt tán dương Tây Phương Cực Lạc thế giới, khuyên chúng ta vãng sanh Tịnh Độ của Phật Di Đà. Đấy là tông chỉ giáo học của bộ kinh này.

 

  (Diễn) Cố vọng Lạc quốc vi gia hương.

  (演) 故望樂國為家鄉。

  (Diễn: Cho nên mong mỏi Lạc quốc là nơi quê nhà).

 

  “Lạc quốc” là thế giới Cực Lạc, phải coi nơi ấy là quê nhà của chính mình!

 

  (Diễn) Tư kinh chỉ thị Di Đà, khuyến niệm Di Đà, cố ngưỡng Từ Tôn như hỗ thị.

  (演) 斯經指示彌陀,勸念彌陀,故仰慈尊如怙恃。

  (Diễn: Kinh này chỉ bày Phật Di Đà, khuyên niệm danh hiệu Phật Di Đà, vì thế, ngưỡng vọng đấng Từ Tôn như cha mẹ).

 

Bộ kinh này dạy chúng ta sanh về Tây  Phương  Cực  Lạc thế giới,

dùng phương pháp nào? Kinh bảo chúng ta trong thế giới ở phương Tây có Phật, danh hiệu của Phật là A Di Đà. A Di Đà Phật từng phát ra bốn mươi tám nguyện, nguyện nào cũng nhằm tiếp dẫn chúng sanh niệm Phật trong mười phương sanh về cõi ấy, dạy cho chúng ta phương pháp, khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật. Do vậy, chúng ta kính ngưỡng đấng Từ Tôn như cha mẹ. “Hỗ thị”[1] là cha mẹ. Chúng ta coi A Di Đà Phật như cha mẹ của chính mình. Mấy câu dưới đây rất đáng cho chúng ta kiêng dè.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289