/ 289
473

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 37


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi bảy:


(Sớ) Thượng minh niệm Phật hoạch như thị ích, bất niệm Phật chiêu như thị tổn, cố thuật kỷ ý, duy sùng niệm Phật, kim sơ tiên dĩ độn căn tự lượng dã.

(疏)上明念佛獲如是益,不念佛招如是損,故述己意,唯崇念佛。今初先以鈍根自量也。

(Sớ: Trong phần trên đã nói rõ niệm Phật đạt được lợi ích như thế, không niệm Phật chuốc lấy tổn thất như vậy, cho nên trình bày ý mình: Chỉ đề cao niệm Phật. Nay, trước hết, do tự xét thấy mình là kẻ độn căn).


Chữ “thượng” (上) chỉ hai đoạn văn tự lớn trong phần trước, nói rõ lợi ích và công đức niệm Phật, nhất là đối với chúng tôi trong hai ba năm gần đây đã thấy những tướng lành niệm Phật vãng sanh hết sức hy hữu. Năm trước, có một vị lão đồng tu ở Hương Cảng Phật Giáo Đồ Thư Quán vãng sanh trong khi đang xem kinh. Cụ biết trước lúc mất, đã báo tin cho pháp sư Sướng Hoài một tháng trước đó, bảo pháp sư Sướng Hoài rằng cụ sắp ra đi, chẳng sanh bệnh. Hôm cụ mất, pháp sư Sướng Hoài sai người tới nhà cụ lấy Đại Tạng Kinh về, lão cư sĩ đang xem kinh, còn quở người ấy một trận: “Không sai! Tôi nói anh hôm nay đến lấy Đại Tạng Kinh về, nhưng không bảo anh lấy ngay bây giờ”. Người ấy bèn quay về, hai hôm sau trở lại lấy thì lão nhân gia đã vãng sanh rồi. Hỏi người nhà: “Cụ vãng sanh khi nào?” “Sau khi anh về hai tiếng đồng hồ, cụ ngồi vãng sanh ngay tại đó”. Do vậy, pháp sư Sướng Hoài hiện thời niệm Phật, là vì chính mắt thấy sự thật này. Gần đây nhất, tại Los Angeles, tôi thấy Sử cư sĩ cũng là một người biết trước lúc mất, không bệnh mà mạng chung, ngàn vạn phần xác đáng cụ đã vãng sanh, báo trước chuyện này với người nhà: Cụ sắp vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Kinh nói rất kỹ về chuyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu là Hạ Phẩm Hạ Sanh cũng chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái, chúng ta nhất định chớ nên xem thường, đọc lướt qua câu này. Sở dĩ pháp môn này được gọi là “chẳng thể nghĩ bàn” là vì Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo và Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo mới chứng ba thứ Bất Thoái, nhưng chưa viên mãn. Ai mới chứng đắc viên mãn ba thứ Bất Thoái? Đẳng Giác Bồ Tát. Vì vậy, đọc tới câu này, đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Hạ Phẩm Hạ Sanh mà viên chứng ba thứ Bất Thoái! Nói cách khác, người Hạ Phẩm Hạ Sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới bằng với Đẳng Giác Bồ Tát, chuyện này thật sự chẳng thể nghĩ bàn, là pháp khó tin! Ngay cả trong kinh luận, đối với pháp môn này, chính đức Phật thường nói: “Duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh” (Chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo). Trong kinh này, Thích Ca Mâu Ni Phật và mười phương chư Phật đều chứng minh pháp môn này là pháp khó tin. Tuy khó tin, nhưng rất dễ thành tựu! Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư bảo chúng ta: “Vạn người tu, vạn người đến”, điều kiện tu học là Tam Tư Lương, tức là ba điều kiện trọng yếu: Thứ nhất là quý vị phải tin, thứ hai là phải chịu về đó, tức là quý vị phải phát nguyện, thứ ba là quý vị phải niệm Phật trì danh. Tín, Nguyện, Trì Danh là Tam Tư Lương, ba điều kiện ấy.

Chúng ta phải hiểu: Ở trong thế giới Sa Bà khổ sở! Bất luận quý vị thuộc địa vị như thế nào, giàu có cỡ nào, nhưng người nghèo có nỗi khổ của người nghèo, kẻ giàu có nỗi khổ của kẻ giàu, làm quốc vương cũng chẳng được tự tại, vẫn có nỗi khổ riêng. Lên cõi trời làm thiên vương còn bị A Tu La gây rối, phải giao chiến với bọn hắn, thiên vương cũng chẳng tự tại! Đức Phật bảo chúng ta: “Tam giới đều khổ!” Chỉ cần ở trong tam giới, tìm chẳng ra một cõi nào vui sướng cả! Chúng ta phải nên giác ngộ điều này. Do vậy, ở đây, Liên Trì đại sư rát miệng buốt lòng khuyên lơn, răn nhắc chúng ta, nói rõ công đức và lợi ích của niệm Phật. Không niệm Phật tổn thất quá ư lớn lao, tổn thất không chi sánh bằng! Đây là nói với ai vậy? Nói với những người tu học các pháp môn khác. Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, họ chẳng niệm Phật, mà học các pháp môn khác. Nói thật thà, [những pháp môn khác] chẳng thể thành tựu, học chẳng thành công. Muốn thành tựu trong thời kỳ Mạt Pháp, chỉ có pháp môn này! Liên Trì đại sư muốn chú giải bộ kinh này, soạn ra bộ Sớ Sao này, dụng ý là như thế này: Đề xướng pháp môn Niệm Phật, “thôi sùng” (đề cao) cũng có nghĩa là đề xướng.

Trong đoạn này, trước hết Ngài “độn căn tự lượng” (tự xét mình là kẻ độn căn). Nếu Ngài là người căn tánh rất nhạy bén mà tu pháp môn này, chúng ta nhất định sẽ nghĩ: Ngài là bậc căn tánh bén nhạy, thiện căn sâu dầy, chúng ta chẳng bằng Ngài; nói chung, chúng ta chẳng có phần! Ngài thị hiện làm một kẻ độn căn, căn tánh của ta cũng rất độn, Ngài tu được thì nói chung là ta cũng có phần, khích lệ chúng ta không gì lớn bằng!

/ 289