464

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 36

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi sáu:

 

  (Sớ) Kim sanh đa sanh giả, sanh sanh đọa lạc, vô hữu cùng dĩ dã. Nhất ngộ, bách ngộ giả, thử sanh tha quá, đa kiếp nan phùng dã. Nhập khổ thú, tự dăng thư ốc ư xí trung. Phó tử môn, loại ngưu dương tựu hồ đồ tứ, mạc vị cứu bạt, vô khả quy bằng, khởi bất ai tai?

  (疏) 今生多生者,生生墮落,無有窮已也。一誤百誤

者,此生磋過,多劫難逢也。入苦趣,似蠅蛆飫於廁中。

赴死門,類牛羊就乎屠肆。莫為救拔,無可歸憑,豈不哀哉。

  (Sớ: “Đời này, nhiều đời”: Đời đời đọa lạc chẳng có cùng tận. “Một lầm, trăm lầm” là đời này bỏ lỡ, nhiều kiếp khó gặp. Vào nẻo khổ, dường như giòi tửa no ứ trong nhà xí; vào cửa tử giống như trâu, dê bước vào lò mổ, chẳng được cứu vớt, không chỗ nương về, há chẳng đau buồn ư?)

 

  Đoạn này dễ hiểu, nói rõ đời này và nhiều đời đã lầm lạc mà vẫn lầm lạc.

 

  Tứ, thuật ý.

  四、述意。

  (Bốn, nêu bày dụng ý [viết Sớ Sao]).

 

  Đoạn này là Liên Trì đại sư tự trình bày dụng ý vì sao Ngài chú giải kinh Di Đà.

   

  (Tự) Châu Hoằng.

  (序) 袾宏。

  (Tựa: Châu Hoằng).

 

  Hai chữ Châu Hoằng là pháp danh của đại sư. Phàm tự xưng, bất luận trong khi nói hoặc trong khi viết, đều nên dùng lối khiêm hư. Khiêm hư nhất là xưng danh, tự khiêm; người khác gọi Ngài sẽ chẳng thể gọi thẳng tên, gọi thẳng tên là thiếu cung kính nhất. Đó là lễ nghi thời cổ. Con người hiện thời gặp mặt bèn gọi tên, còn gọi đủ cả tên lẫn họ. Trong thời cổ, điều này nhất định không thể được! Kẻ phạm tội mới gọi cả tên lẫn họ. Bình thường kêu tên chỉ có hai hạng người có thể kêu, thứ nhất là cha mẹ, thứ hai là thầy. Người khác gọi chúng ta thì sao? Gọi tên tự. Khách sáo hơn thì gọi tên hiệu, chúng ta gọi Ngài là Liên Trì đại sư.

Liên Trì là hiệu của Ngài, tôn kính Ngài [thì gọi bằng tên hiệu]. Chắc chắn Ngài chẳng thể tự xưng là Liên Trì, do trong quá khứ khiêm hư. Trước kia, ngay cả đế vương đối với bầy tôi cũng phải gọi tên tự của họ, cũng chẳng thể gọi tên thật! Nếu [bị vua chúa] gọi thẳng tên, tức là [kẻ bầy tôi ấy] đã phạm tội.

  (Tự) Mạt pháp hạ phàm.

  (序) 末法下凡。

  (Tựa: Là phàm phu hạ căn đời Mạt Pháp).

 

  Ngài sanh trong thời đại Mạt Pháp. Pháp vận của Phật gồm ba thời kỳ: Chánh Pháp, Tượng Pháp, và Mạt Pháp. [Pháp vận của] mỗi vị Phật đều có ba thời kỳ, nhưng ba thời kỳ ấy dài ngắn không nhất định. Một mặt là do nguyện lực của từng vị Phật, mặt khác là do quả báo của chúng sanh. Chúng sanh có phước, pháp vận của Phật sẽ dài. Chúng sanh chẳng có phước báo, pháp vận của Phật bèn ngắn ngủi. Đấy là cách nói thông thường. Chánh Pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật – nói “Chánh Pháp” là kể từ sau khi đức Phật diệt độ – khoảng cách còn chưa xa, di giáo và giáo pháp thời đức Phật tại thế chẳng khác nhau, hết sức thuần chánh. Chúng ta gọi thời kỳ ấy là Chánh Pháp. Đến thời Tượng Pháp, thời gian ấy cách lúc Phật diệt độ đã xa, có kinh nói là một ngàn, có kinh nói là do phụ nữ xuất gia, Chánh Pháp bị giảm thiểu năm trăm năm, Chánh Pháp chỉ còn năm trăm năm. Chúng tôi cũng không bàn luận điều này, bất luận là năm trăm năm cũng được, mà một ngàn năm cũng xong, nói chung, chúng ta nay đang sống trong thời kỳ Mạt Pháp.

Tượng Pháp là một ngàn năm, tức là một ngàn năm thứ hai sau khi đức Phật diệt độ, cách Phật đã xa. Pháp càng lưu truyền càng sai ngoa, truyền lâu ngày đã bị biến chất, đấy là đạo lý nhất định. Vì truyền lâu ngày, có nhiều ý kiến của người khác xen vào, chẳng thuần nữa. Tuy chẳng thuần, vẫn tương tự, vẫn giống. Đến thời kỳ Mạt Pháp, sau khi Phật diệt độ đã hai ngàn năm, tức là một ngàn năm thứ ba. Thời kỳ ấy gọi là Mạt Pháp. Mạt Pháp dài một vạn năm. Do vậy, pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật tổng cộng là một vạn hai ngàn năm. Thời kỳ Mạt Pháp cách Phật càng xa. Nói cách khác, so với Tượng Pháp càng sai khác hơn nhiều.

Chiếu theo sách vở Trung Quốc ghi chép từ xưa đến nay, kể từ Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ đến nay là ba ngàn lẻ mười hai năm. Trong Hư vân Lão Hòa Thượng Niên Phổ có khảo chứng, dựa theo những ghi chép xa xưa của Trung Quốc, Thích Ca Mâu Ni Phật xuất sanh nhằm năm Giáp Dần (1027 trước Công Nguyên) đời Châu Chiêu Vương, tính từ niên đại ấy, Thích Ca Mâu Ni diệt độ cách hiện tại ba ngàn lẻ mười hai năm[1].

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net