/ 289
547

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 35

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi bốn:

 

  (Sớ) Vấn: Hà cố bất cữu độn nhân, phản ức lợi giả?

  (疏) 問:何故不咎鈍人,反抑利者。

  (Sớ: Hỏi: Sao không bắt lỗi kẻ độn căn, mà ngược lại chèn ép bậc lợi căn?)

  Sau khi đại sư giải thích xong, chắc cũng có người ôm lòng hoài nghi: Vì sao chẳng quở trách kẻ căn tánh trung hạ, lại đặc biệt quở trách bậc thượng căn lợi trí? “Cữu” (咎) có nghĩa là chê trách. Trong phần trước nói đến “cuồng huệ, ngoan hư”, những loại người ấy đều là những kẻ được coi là thông minh, trí huệ trong hiện tại. Nói thông minh thì được, chứ bảo là trí huệ thì chưa chắc, vì sao vậy? Quý vị phải hiểu: Trong nhà Phật thường nói tới “bát nạn”, tức là tám thứ nạn mà con người gặp phải. Không chỉ gây chướng ngại cho mặt Hành và Chứng, mà còn chướng ngại đối với mặt lý giải, nên gọi là “tao nạn” (gặp nạn). Trong tám nạn ấy, có một thứ gọi là Thế Trí Biện Thông, trong đoạn này nói về hạng người ấy, cậy vào sự thông minh và biện tài của bản thân, chẳng chịu sốt sắng tu học, chẳng chịu thật thà tu học.

 

  (Sớ) Đáp: Lợi giả thị tài cao cử, thường vị viễn thắng độn nhân.

  (疏) 答:利者恃才高舉,常謂遠勝鈍人。

  (Sớ: Đáp: Kẻ lợi căn thường cậy tài, ngạo nghễ, ngã mạn, thường nói: “Ta vượt xa những kẻ độn căn”).

 

  Đây là nguyên nhân và lý do khiến họ mắc nạn: Thường tự cho là mình thông minh, trí huệ cao cả, kết quả xôi hỏng bỏng không! Thật sự có thành tựu là những người thật thà, luôn tự cảm thấy mình chẳng bằng ai. Kẻ thường cảm thấy mình chẳng bằng ai sẽ thành tựu dễ dàng! Vì sao? Họ khiêm hư. Kẻ ngạo nghễ, ngã mạn chẳng những học Phật không thể thành tựu, mà đối với học vấn thật sự trong thế gian cũng chẳng thể thành tựu được! Trong Luận Ngữ, Khổng lão phu tử nói: “Như hữu Châu Công chi tài chi mỹ”, [nghĩa là] giả sử có người tài hoa, đức năng giống như Châu Công[1], Châu Công là thánh nhân, nhưng người ấy có khuyết điểm, “sử kiêu thả lận” (mà nếu ngạo mạn lại còn keo kiệt), ngạo mạn, coi thường người khác, keo kiệt, “kỳ dư tắc bất túc quán hĩ” (thì những điểm [tài đức] khác chẳng đáng để xét tới nữa), chẳng cần nói tới người ấy nữa! Tài hoa của kẻ đó là giả, chẳng thật. Đủ thấy ngạo mạn thì học vấn thế gian cũng chẳng thể thành tựu, huống gì Phật pháp? Tổ sư đại đức thường quở trách hạng người thông minh lợi căn ấy!

 

  (Diễn) Bất cữu độn nhân, phản ức lợi giả, vị trước Sự độn căn, bất tri Lý tánh, ưng đương ha trách, khai kỳ huệ tánh, phá kỳ ngu mông, sử do Sự nhập Lý, khả dã. Hà nãi xả bỉ ngu phu, phản ức lợi giả?

(演) 不咎鈍人,反抑利者,謂著事鈍根,不知理性,

應當呵責,開其慧性,破其愚蒙,使由事入理可也。何乃捨彼愚夫,反抑利者?

  (Diễn: “Chẳng bắt tội kẻ độn căn, ngược lại chèn ép người lợi căn”, ý nói: Đối với kẻ độn căn chấp trước Sự, chẳng biết Lý tánh, lẽ ra nên quở trách, để mở mang huệ tánh, phá trừ sự ngu si, mê muội cho họ, khiến cho họ sẽ từ Sự mà nhập Lý thì mới là điều nên làm. Sao lại bỏ kẻ ngu phu ấy, ngược ngạo chèn ép người lợi căn vậy?)

 

  Đây là ý nghĩ của người hỏi, mấy câu này nói rất rõ ràng. Người độn căn thua kẻ thông minh trí huệ, nhưng hạng người này có ưu điểm: Thật thà! “Chấp Sự”: Chấp trước Sự, [bảo họ] niệm Phật mỗi ngày niệm một vạn tiếng, họ thật thà niệm một vạn tiếng, [bảo họ] niệm hai vạn tiếng, họ thật thà niệm hai vạn tiếng, chấp Sự, chấp tướng tu hành. Lý luận của pháp môn Niệm Phật hết sức sâu, cổ đại đức nói: “Duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh” (chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo), Đẳng Giác Bồ Tát còn chưa hiểu rốt ráo lý ấy. Đủ thấy đạo lý này rất sâu! Một cuốn kinh Di Đà mỏng tanh, chúng ta đọc cũng chẳng thấy có cảm giác gì. Thế mà bộ chú giải này của Liên Trì đại sư là hai cuốn dày cộm; nếu chúng tôi giảng mỗi ngày, cũng phải mất một năm mới có thể giảng viên mãn. Ở đây, chúng tôi có thâu âm, ba trăm ba mươi lăm cuốn, một bộ kinh Di Đà đấy nhé! Có giảng hết ý nghĩa được chăng? Thưa quý vị, chỉ là nói một phần trong vạn phần của ý nghĩa kinh Di Đà mà thôi! Do đây biết: Đạo lý này sâu xa, lý luận vi diệu.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289