A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 34
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi hai:
Di Đà Sớ Sao là một bộ kinh lớn, tuy kinh văn không dài, nhưng Liên Trì đại sư đem tâm đắc tu học suốt một đời nêu tỏ trong bản kinh này. Không chỉ như vậy, từ nội dung của Sớ Sao chúng ta thấy: Trên thực tế, lão nhân gia đã quán nhiếp hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian trong bộ kinh điển này. Do vậy, Ngẫu Ích đại sư tán thán bộ sách này là “bác đại tinh thâm” (mênh mông, to lớn, tinh vi, sâu xa) chẳng quá lố một tí nào!
Không chỉ trong thời đại hiện tại, nói thật ra, Phật pháp kể từ thời đại Thích Ca Mâu Ni Phật khai sáng, đức Phật dạy chúng ta điều gì? Tuy nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, nhưng thật ra, chỉ là bất đắc dĩ mà nói, phương tiện thiện xảo mà nói, chứ nói chân thật thì chỉ có một môn là pháp môn Niệm Phật! Kinh Hoa Nghiêm nói: “Duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị, diệc vô tam” (Chỉ có pháp Nhất Thừa, không hai, cũng không ba)[1]. Nhất Thừa là gì? Thật thà niệm Phật là pháp Nhất Thừa. Cũng có những vị đồng tu nghe rồi chẳng phục, cho là người niệm Phật chúng ta tự mình khoác lác, nhưng nếu quý vị tìm tòi kỹ càng, bất luận tại Trung Quốc hay ngoại quốc, trong thời cổ hoặc thời đại hiện tại, không có một ai chẳng tôn trọng kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm là căn bản pháp luân, là Nhất Thừa Viên Giáo, điều này được xưa nay, trong ngoài nước đều công nhận. Kinh Hoa Nghiêm giảng điều gì? Thưa quý vị, giảng về Niệm Phật. Niệm vị Phật nào? Niệm A Di Đà Phật. Nếu quý vị chẳng tin, cứ mở kinh Hoa Nghiêm ra xem, đến cuối cùng, kinh nói mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc, tức là dạy quý vị niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đấy là pháp môn bí mật của Nhất Thừa Viên Giáo, nguyên lai là như vậy đó!
Lại xem kỹ càng nội dung bộ kinh ấy, Thiện Tài đồng tử nêu gương tu hành, từ pháp hội của Văn Thù Bồ Tát đặt vững cơ sở, cơ sở gì vậy? Tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là tín tâm. Trong hội Hoa Nghiêm, ngài Văn Thù tượng trưng cho Tín. Kinh Hoa Nghiêm chia [các địa vị Bồ Tát] thành Thập Tín, Thập Hạnh, Thập Trụ, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, ngài Văn Thù tượng trưng cho Tín. Nói cách khác, chúng ta có thể tin tưởng pháp môn này tức là đã tốt nghiệp trong pháp hội của ngài Văn Thù. Đi ra tham học, vị thầy thứ nhất là tỳ-kheo Đức Vân, dạy Thiện Tài pháp môn Niệm Phật, vị thầy cuối cùng là Phổ Hiền Bồ Tát, chẳng những dạy Ngài niệm Phật, mà còn khuyên Ngài vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Từ chỗ này, chúng ta có thể thấu hiểu: Mở đầu và kết thúc đều là niệm Phật.
Nếu chúng ta hỏi: Thiện Tài đồng tử tham phỏng năm mươi mốt vị thiện tri thức[2], Ngài tu pháp môn gì? Nhất định phải biết rõ điều này, Ngài tu pháp môn niệm A Di Đà Phật. [Đã tu] pháp môn niệm A Di Đà Phật, vì sao vẫn phải tham phỏng năm mươi mốt vị thiện tri thức? Thật ra, năm mươi mốt vị thiện tri thức tượng trưng cho tám vạn bốn ngàn pháp môn, đại diện cho vô lượng pháp môn; nhằm bảo với chúng ta ý nghĩa này: Vô lượng vô biên pháp môn bày ra trước mặt quý vị, chính mình phải như thế nào? Rành mạch, phân minh, rõ ràng, rành rẽ, như như bất động, vẫn là một câu Di Đà niệm đến tột cùng, đấy là bí quyết của kinh Hoa Nghiêm, chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng. Do vậy, pháp môn này là pháp môn bậc nhất, kinh này là kinh bậc nhất. Pháp hội tại nơi đây của mọi người chúng ta là pháp hội tối thù thắng bậc nhất, nhân duyên này quả thật chẳng dễ dàng, chúng ta phải nên quý tiếc!
Nói đến vãng sanh, gần đây nhất chúng tôi lại thấy một trường hợp. Chúng tôi ở Los Angeles một ngày, gặp được một vị đồng tu kể với tôi: Lão liên hữu ở Đài Trung Liên Xã là cư sĩ Sử Hoằng Hy đã vãng sanh. Ông ta biết trước lúc mất, không bệnh tật, qua đời, niệm Phật thành công. Do vậy, thầy Lý ở Đài Trung nghe tin này hết sức hoan hỷ. Vị lão cư sĩ ấy đã bảy mươi bảy tuổi, hôm trước ngày vãng sanh, cụ bảo vợ: “Tôi sắp vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới”. Bà vợ mắng ông chồng ăn nói lăng nhăng, vì cụ rất bình thường, chẳng bệnh tật gì! Đến ngày hôm sau cũng rất bình thường, sáng sớm vẫn ăn điểm tâm như thường lệ, buổi trưa nghe nói cụ còn ăn một chén bạch mộc nhĩ[3], mười một giờ rưỡi cụ mất, còn viết di chúc để lại. Quý vị thấy rất tự tại! Không bị bệnh, tôi tin tưởng Sử cư sĩ vãng sanh có ảnh hưởng không gì lớn bằng đối với Phật giáo Los Angeles. Người niệm Phật thù thắng như vậy, ra đi tự tại ngần ấy, tướng lành tốt đẹp ngần ấy, điều này giống như trong Cơ Đốc Giáo nói là “kiến chứng” (làm chứng, testimony). Cụ chứng minh cho chúng ta thấy, đời này chẳng để luống uổng!