A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 33
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi mốt, đoạn lớn thứ ba trong phần lời Tựa là Cảm Thời (cảm thán trước thời thế) trong phần lời tựa. Đoạn này cũng gồm ba tiểu đoạn, xin hãy xem lời tựa.
(Tự) Nại hà thủ ngu chi bối, trước Sự nhi Lý vô văn, tiểu huệ chi lưu, chấp Lý nhi Sự toại phế. Trước Sự nhi mê Lý, loại mông đồng độc cổ thánh chi thư. Chấp Lý nhi di Sự, tỷ bần sĩ hoạch hào gia chi khoán.
(序)奈何守愚之輩,著事而理無聞;小慧之流,執理而事遂廢。著事而迷理,類蒙童讀古聖之書;執理而遺事,比貧士獲豪家之券。
(Tựa: Hiềm rằng những kẻ chấp chặt ngu hèn, chấp vào Sự mà chẳng nghe Lý, phường trí huệ nhỏ nhoi do chấp Lý bèn phế Sự. Chấp Sự mê Lý, giống như trẻ thơ ngây ngô đọc sách của bậc thánh hiền thời cổ. Chấp Lý bỏ Sự, giống kẻ nghèo có được bằng khoán của nhà giàu có).
Hai câu đầu là nói về pháp, hai câu sau là tỷ dụ. Chúng ta vừa đọc liền hiểu rõ. Trong phần trước đã nêu trọn sự thù thắng của pháp môn Tịnh Độ, trong đoạn này, đại sư ôm nỗi cảm hoài rất sâu: Pháp môn thù thắng hy hữu dường ấy, mà người có thể tin tưởng sâu xa tu học rất ít. Nói cách khác, bao nhiêu người học Phật ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ, quả thật đáng tiếc quá! Đoạn này là Tổng Thán (lời than chung). Trước hết, chúng ta hãy xem kẻ “thủ ngu” là ai, phường “thủ ngu” chỉ những ai?
(Diễn) Thủ ngu chi bối giả, ngu diệc bất năng chướng đạo, cố vân: “Nhân nhất năng chi, kỷ bách chi” đẳng, nhi quá tại “thủ” tự, nãi cao thôi thánh cảnh, hoạch địa tự hạn chi bối.
(演)守愚之輩者,愚亦不能障道,故云人一能之己百之等,而過在守字,乃高推聖境,畫地自限之輩。
(Diễn: “Những kẻ chấp chặt ngu hèn”: Ngu cũng chẳng thể chướng ngại đạo, cho nên nói: “Người khác làm một lần bèn thành công, ta gắng sức cả trăm lần [thì cũng thành công]” v.v... nhưng lỗi là ở chữ Thủ (chấp giữ), chính là nói về hạng người đề cao thánh cảnh, tự vạch đất hạn định).
Lời giải thích trong đoạn này đúng là đập một gậy vào đầu chúng ta, hy vọng nhờ cú đập ấy, chúng ta sẽ tỉnh ra, vì sao? Chúng ta thường nghĩ chính mình rất ngu si, chính mình chẳng thể thành tựu. Tổ sư bảo chúng ta: Ngu cũng chẳng sao, ngu hoàn toàn chẳng thể chướng ngại đạo. Nói như vậy thì ngu cũng có thể học đạo, ngu cũng có thể chứng đạo. Thật đấy! Chẳng giả tí nào! Trong pháp môn Tịnh Độ, quả thật có rất nhiều ngu phu ngu phụ mà họ đều có thể vãng sanh, thậm chí còn kẻ chẳng biết một chữ nào, vẫn có thể Thượng Phẩm Thượng Sanh. Trong Vãng Sanh Truyện lẫn Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đều có những trường hợp ấy, đủ thấy ngu chẳng đáng sợ! Ngu thì phải như thế nào? Phải mạnh mẽ nỗ lực, tinh tấn, chẳng lười nhác. Cổ nhân nói: “Nhân nhất năng chi, kỷ thập chi; nhân thập năng chi, kỷ bách chi”, [nghĩa là] người ngu phải làm như thế này: Người ta học một lượt bèn hiểu, mình học mười lần; người ta học mười lần bèn biết, mình học một trăm lần. Chỉ cần chịu dốc sức, chịu nỗ lực, không ai chẳng thành tựu!
Những người thành tựu xưa nay ở trong nước lẫn ngoại quốc, chẳng nhất định đều là bậc thượng căn, không nhất định ai cũng là người thông minh, có thể nói quá nửa đều là kẻ ngu. Ai chịu nỗ lực, chịu học, phương pháp lại thích đáng, kẻ ấy bèn thành tựu. Kẻ ngu chẳng thể thành tựu là do lỗi tại “thủ”, [tức là] giữ lấy địa vị [ngu hèn] ấy, chẳng dám tiến lên, nên chẳng thể thành tựu. Người Nhị Thừa chẳng thể kiến tánh cũng do lỗi “chấp giữ”, “thủ nội u nhàn” (giữ lấy sự u tịch, thanh nhàn trong nội tâm), cho nên họ chẳng thể minh tâm kiến tánh, chẳng thể hồi Tiểu hướng Đại. “Cao thôi thánh cảnh” (đề cao thánh cảnh): Cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát quá cao, chúng ta chẳng thể chứng đắc được, chúng ta chẳng thể thành tựu trong một đời này được! Chỉ cần có ý niệm như vậy, người ấy sẽ chẳng thể thành tựu! Đó là “hoạch địa tự hạn” (tự vạch đất phân giới hạn), đại địa chẳng có ngằn mé, người ấy vạch ra giới hạn trên mặt đất để tạo phạm vi ngăn giữ chính mình. Đây là tỷ dụ về hạng người chấp giữ ngu muội.
Thật ra, sự tu học trong Phật pháp dễ dàng hơn bất cứ pháp môn nào trong thế gian. Để thành tựu pháp thế gian phải nhờ vào nhân duyên, như câu nói: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định” (Một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng được định sẵn). Tốt cũng chẳng dễ cầu được, mà xấu cũng rất khó bài trừ. Trong ấy có quả báo. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật đã nói: “Như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo” (nhân như thế, duyên như thế, quả như thế, báo như thế). Muốn thay đổi quả báo, đâu phải là chuyện nói dễ dàng! Thế nhưng muốn tu hành thành Phật, chẳng khó! Vì sao? Vì ai nấy đều có đủ chủng tử Phật tánh, quý vị đã có tiền vốn, chỉ thiếu khuyết duyên. Nói cách khác, quý vị thiếu khuyết “tín, nguyện, trì danh”, chỉ cần đầy đủ ba điều kiện này, lẽ đâu chẳng thành tựu? Nhìn như vậy thì thành Phật quả thật dễ dàng thực hiện hơn hoàn thành bất cứ sự nghiệp thế gian nào, chỉ cần tự mình chịu nỗ lực, thâm nhập một môn. Nếu quý vị phát đại tâm, tu đại hạnh, giống như trong Quán Kinh đã nói: “Phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, độc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả” (Phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến khích, cổ vũ hành giả). Đó là phát đại tâm, tu đại hạnh. “Khuyến tấn hành giả” là đem Phật pháp giới thiệu cho người khác, giảng giải cho người khác nghe, khuyên người khác học Phật, chúng ta ngày nay gọi việc này là “hoằng pháp lợi sanh”, đó là việc làm của hàng đại tâm Bồ Tát. Bản thân chúng ta có phải là đại tâm Bồ Tát hay chăng? Điều này phải hỏi chính mình, quý vị có chịu phát tâm hay không?