/ 289
827

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 32


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi, dòng thứ tư:


Tứ, quảng hiển trì danh sở bị.

(Tự) Thử tắc lý chi nhất tâm, toàn quy thượng trí, diệc phục thông hồ sự tướng, khúc vị độn căn.

四、廣顯持名所被。

(序)此則理之一心,全歸上智,亦復通乎事相,曲為鈍根。

(Bốn, nói cặn kẽ về những căn cơ thích hợp với pháp Trì Danh.

Tựa: Đây chính là Lý nhất tâm, hoàn toàn quy về bậc thượng trí, nhưng cũng thông với sự tướng, mà cũng nhằm thích ứng với kẻ độn căn).


Đoạn lớn thứ hai trong khoa này là Biệt Tán, trong phần này có bốn đoạn vừa (trung đoạn), đây là đoạn cuối cùng, nêu ra những căn tánh được bao gồm bởi pháp Trì Danh Niệm Phật. Trong pháp môn Tịnh Độ thường nói: “Tam căn phổ bị, lợi độn toàn thâu” (thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn). Đoạn này chủ yếu nêu lên sự lý ấy. Trong phần trước, chúng ta đã từng đọc thấy công phu Niệm Phật có ba loại khác nhau, đấy cũng là ba loại thành tựu khác nhau:

1) Lý nhất tâm là thành tựu tối cao, được gọi là Thượng Phẩm Thượng Sanh, sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, không hai, không khác với bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong kinh Hoa Nghiêm.

2) Kế đến là Sự nhất tâm bất loạn, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, tương đương Nhị Thừa và Quyền Giáo Bồ Tát.

3) Lại thấp hơn một bậc nữa là công phu thành phiến, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Trong đây cũng có ba bậc chín phẩm. Đấy là chỗ thù thắng của pháp môn này; sự thù thắng vẫn chẳng phải chỉ có vậy! Điều đặc biệt nhất là chúng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư nghiễm nhiên cũng có những sự hưởng thụ như trong cõi Thật Báo và cõi Tịch Quang.

Thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Nếu quý vị hỏi: Rốt cuộc là đạo lý gì? Nhân duyên gì? Trong bộ Sớ Sao, Liên Trì đại sư đã giảng cặn kẽ cho chúng ta biết.

(Diễn) Thử tắc Lý chi nhất tâm giả, dĩ nhất tâm niệm Phật hữu Sự hữu Lý. Thượng văn sở chỉ nãi Lý nhất tâm dã.

(演)此則理之一心者,以一心念佛有事有理,上文所指乃理一心也。

(Diễn: “Đây chính là Lý nhất tâm”: Do nhất tâm niệm Phật có Sự và Lý. Đoạn văn trên đây nói về Lý nhất tâm).


“Thượng văn” là đoạn văn vừa nói trong phần trước, hoàn toàn giảng về cảnh giới Lý nhất tâm. Học Phật, quý vị phải hiểu, nhất định phải nhớ, học Phật nói đơn giản là học “sử dụng cái tâm”. Phật, Bồ Tát dùng chân tâm, phàm phu dùng vọng tâm. Dùng vọng tâm là không biết dùng tâm. Chẳng biết dùng tâm nên mới gọi là phàm phu hay chúng sanh. Người biết dùng tâm gọi là Phật, Bồ Tát. Thật ra Phật, Bồ Tát và phàm phu chúng sanh chẳng khác nhau, không hai, không khác! Biết dùng cái tâm chẳng phải là chuyện dễ dàng!

Trước hết, phải nhận thức cái tâm. Hiện thời chúng ta không nhận biết, mê mất tâm tánh. Nếu quý vị chẳng tin tưởng lời này, hãy đọc kinh Lăng Nghiêm. Suốt ngày từ sáng đến tối, miệng thường nói chúng ta có cái tâm, đức Phật hỏi ngài A Nan: “Tâm ở chỗ nào?” Chân tâm và vọng tâm khoan bàn tới, trước hết, hãy hỏi quý vị tâm ở chỗ nào? Đem hỏi tôn giả A Nan câu này, tìm khắp nơi cũng chẳng thấy, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở khoảng giữa. Ngài A Nan nghiễm nhiên nghĩ tới bảy chỗ, bảy chỗ đều trật lất! Chúng ta chẳng thông minh như ngài A Nan, sợ còn chưa nghĩ được bảy chỗ! Do vậy, trước hết phải nhận biết cái tâm, rồi mới tu tâm. Tu tâm rồi mới biết dụng tâm. Toàn bộ Phật pháp theo quá trình như vậy. Cổ đại đức thường nói: “Nhược nhân thức đắc tâm, đại địa vô thốn thổ” (Nếu ai biết cái tâm, đại địa không tấc đất). Đây là nói về nhận biết cái tâm, vì sao một người nhận biết cái tâm thì đại địa không còn tấc đất? Câu này có nghĩa là gì? Tâm là Chân Như bổn tánh, đất là Tướng. Tâm ví như vàng, đất ví như đồ vật. Nếu quý vị nhận biết vàng, món đồ nào cũng đều là vàng, toàn thể là vàng, trong tâm mục của quý vị sẽ không còn có đồ vật nữa, ý nghĩa là ở chỗ này.

Trước hết, phải nhận biết, sau đó, tự mình phải tu, bắt đầu tu từ đâu? Bắt đầu tu từ Lý Thể của chân tâm, bản thể của chân tâm là gì? Bản thể là “trực tâm” trong Bồ Đề tâm, mà cũng là “chí thành tâm” như kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã nói, chân thành đến cùng cực. Nói “thành tâm”, bản thân chúng ta đều cảm thấy tâm ta rất chân thành. Thật ra, cái tâm của quý vị đã sớm mê hoặc rồi! Quý vị đâu có tâm chân thành! Chữ Thành nên giảng như thế nào? Trong Cầu Khuyết Trai Bút Ký, tiên sinh Tăng Quốc Phiên đã định nghĩa chữ Thành như sau: “Nhất niệm bất sanh, vị chi thành” (một niệm chẳng sanh gọi là Thành). Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối dấy vọng tưởng, suốt ngày từ sáng đến tối khởi tâm động niệm, đâu có thành tâm!

/ 289