552

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 31

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba mươi tám:

 

  (Sớ) Cố tri chung nhật niệm Phật, chung nhật niệm tâm, xí nhiên vãng sanh, tịch nhiên vô vãng hĩ.

  (疏) 故知終日念佛,終日念心,熾然往生,寂然無往

矣。

  (Sớ: Vì thế biết là suốt ngày niệm Phật, suốt ngày niệm tâm, hừng hực vãng sanh, [mà vẫn] lặng lẽ chẳng vãng sanh vậy).

 

  Bắt đầu từ câu này, lần trước đã giảng đến câu “dĩ niệm Phật tâm, nhập Vô Sanh Nhẫn” (dùng cái tâm niệm Phật để nhập Vô Sanh Nhẫn). Ý nghĩa của đoạn này hết sức trọng yếu, chúng ta hãy chú tâm quán sát, sẽ biết công phu niệm Phật của chính mình vì sao chẳng thể thành tựu, nguyên nhân là ở chỗ này. Để chú giải tiểu đoạn này, sách Diễn Nghĩa có một đoạn văn tự giảng rõ ý nghĩa khá dài.

  (Diễn) Hựu sanh tức niệm niệm sanh diệt, thử sanh diệt vọng tâm, bổn tự hư vọng, vô hữu thật thể, cố vân Thể bất khả đắc.

  (演) 又生即念念生滅,此生滅妄心,本自虛妄,無有

實體,故云體不可得。

  (Diễn: Lại nữa, “sanh” chính là sanh diệt trong từng niệm, cái vọng tâm sanh diệt này vốn hư vọng, chẳng có thật thể, nên nói: “Thể chẳng thể được”).

 

  Đối với đoạn này, chúng tôi cũng đặc biệt nêu ra lời khai thị “tam tâm bất khả đắc” trong kinh Kim Cang, tức “tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc”, đó là nói về vọng tâm. Bởi lẽ, chân tâm không có quá khứ, hiện tại, vị lai; chỉ vọng tâm mới có quá khứ, hiện tại, vị lai, những tâm này đều chẳng thể được! Hiện tại, cái tâm niệm Phật của chúng ta là vọng tâm, vì sao? Cũng là cái tâm sanh diệt. Nam-mô A Di Đà Phật, niệm trước được nối tiếp bởi niệm sau, đó là tâm sanh diệt. Do đây có thể biết: Bản thể của câu Phật hiệu cũng là Không, trọn chẳng thể được. Vọng tâm khởi tác dụng, nếu khởi lên một niệm thiện thì đó là thiện nghiệp. Khởi lên một niệm ác, sẽ tạo ác nghiệp. Vì vậy, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do vọng tâm biến hiện, còn chân tâm hiện ra Nhất Chân pháp giới, đó là chân thật. Mười pháp giới chẳng phải là Nhất Chân, khác biệt với Nhất Chân pháp giới rất lớn.

   Nếu vọng tâm ấy tạo ra nghiệp niệm A Di Đà Phật, quý vị hãy nghĩ xem: Nghiệp ấy là thiện nghiệp hay ác nghiệp? Thiện lẫn ác đều chẳng liên quan! Vì sao? Quả báo của một câu A Di Đà Phật chẳng ở trong ba ác đạo! Trong ba ác đạo không có A Di Đà Phật. Trong ba thiện đạo cũng chẳng có A Di Đà Phật. Trong Thanh Văn, Duyên Giác, cũng chẳng có A Di Đà Phật. Trong Quyền Giáo Bồ Tát cũng chẳng có A Di Đà Phật. Tuy dùng vọng tâm, nhưng tạo nghiệp rất kỳ diệu, nghiệp của A Di Đà Phật là Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, quý vị phải hiểu đạo lý này. Nếu quý vị biết sử dụng vọng tâm, thì [vọng tâm] cũng có thể khiến cho quý vị thành Phật trong một đời. Dùng cái tâm sanh diệt để vãng sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ và Phương Tiện Hữu Dư Độ của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Bỏ cái tâm sanh diệt, sử dụng chân tâm, sẽ vãng sanh từ cõi Thật Báo trở lên. Đủ thấy: Biết sử dụng cái tâm hay không là mấu chốt trọng yếu nhất để quyết định sự thành bại của chúng ta.

  (Diễn) Đạt giả, ngộ tâm chi bổn không dã.

  (演) 達者悟心之本空也。

  (Diễn: Đạt là ngộ cái tâm vốn không).

 

  Chân tâm vốn là không, vọng tâm cũng vốn là không, vì chúng rốt ráo chẳng thể được.

 

  (Diễn) Ký ngộ tâm không.

  (演) 既悟心空。

  (Diễn: Đã ngộ tâm là không).

 

  Đã hiểu chân tâm và vọng tâm đều là không, chẳng thể được.

 

  (Diễn) Tắc chung nhật niệm Phật, chung nhật vô niệm, sanh nhi bất sanh dã.

  (演) 則終日念佛,終日無念,生而不生也。

  (Diễn: Thì suốt ngày niệm Phật, suốt ngày vô niệm, sanh mà chẳng sanh).

 

  Tuy Phật hiệu là từng tiếng tiếp nối chẳng gián đoạn, nhưng quyết định không có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, vì hiểu bản thể của chúng chính là Không. Hiểu rõ đạo lý này, công phu sẽ dễ thành tựu; không hiểu đạo lý này, người ấy (tức người niệm Phật) sẽ so đo, phân biệt, chấp trước. Ví như mỗi ngày niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, lễ Phật bao nhiêu lạy, người ấy ganh đua với kẻ khác, chỉ sợ kẻ khác vượt trỗi mình, toàn là khởi vọng tưởng! Một mặt niệm Phật, một mặt khởi vọng tưởng, tình hình như vậy từ xưa đến nay thường có, người ấy chẳng biết tam luân thể không, dẫu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị cũng không cao. Ở đây, tôi đặc biệt thưa với quý vị: Nếu có cái tâm tranh cường hiếu thắng, quý vị nghĩ coi: Có thể vãng sanh hay chăng? Chẳng thể vãng sanh! Vì tranh cường hiếu thắng là tâm sân khuể, là tâm tham; chưa chế phục những phiền não ấy, làm sao quý vị có thể vãng sanh được? Đới nghiệp vãng sanh chỉ mang theo chủng tử của tập khí, chứ không thể mang theo [phiền não] hiện hành; cái tâm tranh cường hiếu thắng ấy chính là phiền não hiện hành.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net