A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 26
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba mươi ba:
Nhị cứu minh lợi ích.
二究明利益。
(Hai, nêu rõ lợi ích rốt ráo).
Đoạn này được chia thành ba tiểu đoạn. Đoạn thứ nhất nói về “nhân thành” (tu nhân thành tựu).
Sơ, nhân thành.
(Tự) Tùng tư nhi vạn lự hàm hưu, cứu cực hồ nhất tâm bất loạn.
初因成。
(序) 從茲而萬慮咸休,究極乎一心不亂。
(Thứ nhất, tu nhân thành tựu.
Tựa: Từ đây, muôn mối lo đều dứt, đạt đến rốt ráo cùng cực là nhất tâm bất loạn).
Hai câu này là một đoạn kinh văn. Đoạn này do tiếp nối ý trong phần trước mà có. Trong đoạn lớn ở phần trước nói rõ: Về mặt tu hành, lấy Tịnh Độ làm chỗ chỉ quy, nhưng trong pháp môn Tịnh Độ, lại nên coi Trì Danh Niệm Phật là khẩn yếu nhất. Đoạn văn trong phần trước là so sánh ba kinh Tịnh Độ để chúng ta khẳng định pháp môn được nói trong Tiểu Bổn A Di Đà Kinh là tinh yếu nhất. Đề mục của đoạn này là “cứu minh lợi ích” (nêu rõ lợi ích rốt ráo). “Cứu” (究) là cứu cánh (rốt ráo), [do vậy, “cứu minh lợi ích” là] thuyết minh triệt để lợi ích thù thắng của pháp môn này. Do vậy, câu mở đầu bèn chỉ rõ: Trong sự tu học, trước hết, hành giả phải khuất phục phiền não, “vạn lự hàm hưu” (muôn mối lo đều dứt), đạt đến chỗ cùng cực là nhất tâm bất loạn. Hai câu này rất đơn giản, nhưng đã chỉ bày toàn bộ tông thú tu học trong Phật pháp. Do vậy, thường có người học Phật nêu câu hỏi, có lẽ bản thân chúng ta cũng có thắc mắc giống như vậy, “tu học Phật pháp rốt cuộc là tu gì vậy?” Kinh luận nhiều dường ấy, pháp môn nhiều ngần ấy, tu gì đây? Pháp môn nào là thù thắng nhất? Học Tịnh Độ thì nói Tịnh Độ tốt, học Thiền thì nói Thiền hay, học Mật thì nói Mật giỏi, rốt cuộc pháp nào mới tốt đẹp? Ở đây, sách Sớ Sao đã ban cho chúng ta một tiêu chuẩn thích đáng nhất: Nếu một pháp môn có thể thật sự giúp cho chúng ta hàng phục phiền não thì pháp môn ấy là tốt đẹp! Pháp môn nào có thể giúp quý vị đạt được nhất tâm bất loạn thì pháp môn ấy được gọi là bậc nhất!
Bất luận quý vị dùng pháp môn nào, nếu pháp môn ấy chẳng thể giúp quý vị hàng phục phiền não, suốt ngày từ sáng đến tối phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, khởi tâm động niệm vẫn tạo đủ thứ tội nghiệp, thì pháp môn ấy không thích hợp, học theo sẽ chẳng có hiệu quả gì! Điều này giống như chúng ta bị bệnh, phải uống thuốc, uống vào lành bệnh thì thuốc ấy hữu hiệu. Nếu uống thuốc ấy mà chẳng thấy có hiệu quả gì, chớ nên tiếp tục uống thuốc ấy nữa. Nếu uống thuốc ấy mà bị phản tác dụng thì chẳng những không có ích mà còn có hại, phải lập tức ngưng uống thuốc ngay. Đó là kiến thức thông thường chúng ta phải có. Do vậy, tu học Phật pháp là [xét xem pháp môn ta đang tu ấy] có thật sự trị được chứng bệnh hay không, hiệu quả là có giảm thiểu phiền não hay không, tâm chúng ta có thanh tịnh hay không, quan sát từ những chỗ này. Nếu phiền não thật sự giảm thiểu, tâm địa thật sự thanh tịnh thì pháp môn ấy là tốt đẹp.
Có mấy vị đồng học thường đến nghe kinh tại giảng đường của chúng ta, đôi khi cũng đi ra ngoài nghe người khác giảng, nghe rồi cảm thấy khó chịu, nghe xong rất phiền não, trở về thưa với tôi. Tôi nghe lời họ kể, lắc đầu, bảo: “Quý vị sai rồi! Sai ở chỗ nào? Quý vị bị cảnh giới chuyển. Quý vị nghe tôi giảng đã nghe thành thói quen, cho những gì tôi nói là đúng, chứ trên thực tế, đã bị tôi xỏ mũi lôi đi, quý vị chẳng phải là trang hảo hán! Khi quý vị nghe người khác nói không đúng như tôi nói, ngay lập tức quý vị phản kháng, cho thấy quý vị nghe kinh nhiều năm như vậy, đã chấp vào tướng, nên quý vị không thể khai ngộ. Ở chỗ tôi, nếu quý vị nghe mà chẳng chấp tướng thì nghe người khác giảng cũng sẽ chẳng chấp tướng, quý vị đã tự tại rồi!”
Sở dĩ Thích Ca Mâu Ni Phật cao minh là vì suốt đời Ngài chẳng xỏ mũi lôi người nào đi. Vì vậy, trong kinh Kim Cang, lão nhân gia phủ định toàn bộ các kinh Ngài đã nói trong cả một đời, nếu ai nói Phật có thuyết pháp thì kẻ đó báng Phật! Chẳng những không có pháp nhất định để nói, mà từ trước đến giờ, Phật chưa hề thuyết pháp. Đây là nói thật, chẳng giả, là sự thật ngàn vạn phần xác đáng. Do vậy, học Phật thì điều thứ nhất là phải hiểu rõ nguyên lý sau đây: Khi chúng ta nghe, chúng ta hiểu rõ ràng phân minh, đó là tăng trưởng trí huệ; nhưng trong nội tâm nhất định phải giữ được như như bất động, chẳng bị người khác lôi đi, đó là quý vị có công phu, có Định! Ở trước mặt chư Phật nghe kinh, tôi “chẳng giữ lấy tướng, như như bất động”, hết thảy yêu ma quỷ quái thuyết pháp tôi cũng nghe, tôi vẫn là “chẳng giữ lấy tướng, như như bất động”. Vậy thì quý vị có thành tựu, thành tựu vô lượng vô biên trí huệ. Quý vị xem năm mươi ba lần tham học trong kinh Hoa Nghiêm, trong số năm mươi ba vị thiện tri thức, có vị học Phật, cũng có ngoại đạo, các ngành các nghề trong xã hội, nam, nữ, già, trẻ, ban khải thị cho chúng ta, dạy chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối, sáu căn tiếp xúc cảnh giới lục trần bên ngoài, thứ gì cũng đều phải hiểu rõ, thành tựu vô lượng trí huệ, nhưng trong hết thảy cảnh giới, phải giữ được như như bất động, thành tựu Đại Định rất sâu; đó là Phật pháp.