A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 25
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, trang ba mươi:
(Sớ) Vân hà tri tiên, diêu sanh bỉ quốc, cận sự Như Lai, như thị đại nguyện, thứ khả hy ký, đản đắc kiến Di Đà, hà sầu bất khai ngộ? Cố dĩ cầu nguyện vãng sanh vi tiên vụ chi cấp dã.
(疏)云何知先,繇生彼國,近事如來,如是大願,庶可希冀,但得見彌陀,何愁不開悟,故以求願往生為先務之急也。
(Sớ: “Biết điều cần kíp trước hết” là như thế nào? Do sanh về cõi ấy, gần gũi phụng sự Như Lai, mới hòng thỏa đại nguyện như vậy. Chỉ được thấy Di Đà, lo gì chẳng khai ngộ? Vì thế, cầu nguyện vãng sanh là chuyện cấp bách phải lo toan trước hết).
Vì sao gọi “tri tiên”? Lần khai thị này hết sức quan trọng, vì chúng ta ở trong thế giới này, đừng nói là chứng quả, ngay cả khai ngộ cũng khó lắm. Vì sao? Ngộ môn bị Nhị Chướng (Phiền Não Chướng, Sở Tri Chướng) và Nhị Chấp (Ngã Chấp, Pháp Chấp) ngăn lấp. Phiền Não Chướng không chỉ chướng ngại Niết Bàn mà còn chướng ngại Bồ Đề. Chướng ngại Bồ Đề tức là chướng ngại ngộ tánh và giác tánh của quý vị. Sở Tri Chướng chướng ngại Bồ Đề, mà cũng chướng ngại Niết Bàn. Niết Bàn là chứng quả, Bồ Đề là đại triệt đại ngộ. Hai thứ chướng ngại này chẳng dễ đoạn trừ. Chẳng trừ Nhị Chướng mà muốn khai ngộ, chẳng có cách nào hết! Ở đây, đại sư khuyến khích chúng ta phải “tri tiên vụ chi cấp” (biết chuyện nào là chuyện cần phải làm gấp trước hết): “Vụ” (務) là chuyện phải làm, chúng ta phải làm chuyện này trước hết, mà còn phải làm cho nhanh, chuyện gì vậy? Phát nguyện vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ.
Do vậy, hai chữ “tri tiên” rất quan trọng. “Diêu sanh bỉ quốc, cận sự Như Lai” (do sanh về cõi ấy, gần gũi, phụng sự Như Lai): Chúng ta chỉ mong sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân cận A Di Đà Như Lai thì mới có hy vọng thật sự thực hiện trọn vẹn Tứ Hoằng Thệ Nguyện!
Đúng như cổ nhân đã nói: “Đản đắc kiến Di Đà, hà sầu bất khai ngộ” (Chỉ được thấy Di Đà, lo gì chẳng khai ngộ). Trong đoạn Diễn Nghĩa này, [pháp sư Cổ Đức] là đã dẫn lời Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư,
mấy câu kệ ấy hết sức nổi tiếng, bài kệ ấy được gọi là Tứ Liệu Giản.
(Diễn) Vĩnh Minh Tứ Liệu Giản vân: “Vô Thiền, vô Tịnh Độ, thiết sàng tịnh thiết ma, vạn kiếp dữ thiên sanh, một cá nhân y hỗ”.
(演)永明四料簡云:無禪無淨土,鐵床并鐵磨,萬劫與千生,沒個人依怙。
(Diễn: Bài Tứ Liệu Giản của tổ Vĩnh Minh có đoạn: “Không Thiền, không Tịnh Độ, giường sắt và cối sắt, không một ai nương tựa”).
Thiền lẫn Tịnh đều chẳng có, nếu quý vị tu những pháp môn khác, sợ rằng chẳng thể thành tựu! Nếu chẳng thể thành tựu, sẽ không có cách gì tránh khỏi tam ác đạo được!
(Diễn) Vô Thiền, hữu Tịnh Độ. Vạn tu, vạn nhân khứ, đản đắc kiến Di Đà, hà sầu bất khai ngộ?
(演)無禪有淨土,萬修萬人去,但得見彌陀,何愁不開悟。
(Diễn: Không Thiền, có Tịnh Độ. Vạn tu, vạn người đến. Chỉ được thấy Di Đà, lo chi chẳng khai ngộ?)
Chúng ta hãy nên để hết những chuyện chứng quả, khai ngộ bên Tây Phương Cực Lạc thế giới, hãy vãng sanh trước hết. Do vậy, nói: “Cầu nguyện vãng sanh vi tiên vụ chi cấp” (cầu nguyện vãng sanh là chuyện trước hết phải làm gấp). Chuyện trước hết phải làm gấp là như Mạnh Tử đã nói:
(Diễn) Mạnh Tử vân: “Tri giả, vô bất tri dã. Đương vụ chi vi cấp, Nghiêu Thuấn chi tri, nhi bất biến vật, cấp tiên vụ dã”.
(演)孟子云:知者,無不知也,當務之為急。堯舜之知,而不遍物,急先務也。
(Diễn: Mạnh Tử nói: “Biết tức là không gì chẳng biết. Nghiêu - Thuấn biết chuyện gấp rút phải làm, nhưng không thể làm hết mọi việc [cùng một lúc] được, nên lo liệu những chuyện cần làm gấp trước”).
“Tri” (知) là hiểu rõ hết thảy mọi thứ. “Vụ” (務) nói theo cách bây giờ là những chuyện phải làm. Chuyện khẩn yếu nhất trong những thứ phải làm thì gọi là “đương vụ chi cấp”. Trong kinh này, chuyện “cần phải làm gấp” chính là cầu vãng sanh. Muốn cầu vãng sanh, niệm một câu Phật hiệu đến rốt ráo là được rồi, chuyện này quan trọng hơn bất cứ chuyện nào khác.
Tiếp theo đây, Tổ giảng chữ “thủ ước”. Trong phần trên, chúng ta đã hiểu nhiệm vụ cần làm gấp chính là phải cầu vãng sanh, làm như thế nào mới có thể thật sự đạt được mục đích vãng sanh? Vậy thì tiếp theo đây, chúng ta phải “thủ ước” (chọn lấy cách giản ước).
(Sớ) Vân hà thủ ước? Lương dĩ Quán tuy thập lục, ngôn Phật tiện châu. Phật tuy chí cực, duy tâm tức thị. Kim văn Phật danh, nhất tâm chấp trì, khả vị chí giản, chí dị, công bất phiền thi, nhi vạn pháp duy tâm, tâm thanh tịnh cố, hà sự bất biện?