/ 289
599

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 27


Xin đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba mươi bốn:


(Sớ) Cố Vĩnh Minh vị: “Hữu nhân sổ tức, giác quán bất hưu, niệm Phật xưng danh, tức phá giác quán”, thử kỳ nghiệm dã, hưu chi hựu hưu, cùng kỳ nguyên bổn, cố vân cứu cực, chí ư nhất tâm bất loạn, thị vi thành tựu Niệm Phật tam-muội.

(疏)故永明謂有人數息,覺觀不休,念佛稱名,即破覺觀,此其驗也。休之又休,窮其源本,故云究極。至於一心不亂,是為成就念佛三昧。

(Sớ: Vì thế, ngài Vĩnh Minh nói: “Có người tu Sổ Tức, giác quán chẳng ngơi, niệm Phật xưng danh liền phá giác quán”. Đấy là sự chứng nghiệm vậy, [đó là] đã ngưng dứt lại càng ngưng dứt hơn, thấu tột cội nguồn, nên nói là “rốt ráo đến tột bậc”, đạt đến nhất tâm bất loạn, đó là thành tựu Niệm Phật tam-muội).


Hôm qua tôi đã giới thiệu các từ ngữ Sổ Tức và Giác Quán rồi.


(Diễn) Hưu chi vị hưu, tức sở vị “tinh tấn cánh tinh tấn, phóng hạ hựu phóng hạ” dã.

(演) 休之又休,即所謂精進更精進,放下又放下也

(Diễn: “Đã ngưng dứt lại càng ngưng dứt hơn”, ý nói: Đã tinh tấn lại càng tinh tấn, đã buông xuống lại càng buông xuống hơn).


Những khai thị này đều là nguyên tắc chỉ đạo tối cao trong Hành môn (phương diện tu hành). Chúng ta muốn công phu thành tựu, cổ đức thường nói: “Thấy thấu suốt, buông xuống”. Thấy thấu suốt và buông xuống có những tầng lớp khác nhau, hình thành năm mươi mốt địa vị Bồ Tát khác nhau, tức là Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác. Ngẫu Ích đại sư và Liên Trì đại sư cùng phán định kinh này có một phần thuộc Viên Giáo. Địa vị Sơ Tín Bồ Tát trong Viên Giáo đã buông xuống tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, trong Tịnh Độ gọi cảnh giới này là “công phu thành phiến thượng phẩm”. Nếu quý vị đạt đến cảnh giới này, có phải là trọn đủ hay chăng? Thưa quý vị, chưa thể được! Phải nên làm như thế nào? Phải càng tinh tấn hơn, từ cảnh giới này phải không ngừng nâng cao hơn, phải nỗ lực cho đến hết tuổi thọ! Nỗ lực trên phương diện nào? Tinh tấn trên hai phương diện buông xuống và thấy thấu suốt. Thấy thấu suốt và buông xuống giúp nhau thành tựu; thấy thấu suốt là trí huệ, buông xuống là công phu, đấy mới là tinh tấn thật sự, là “đã ngưng dứt càng ngưng dứt hơn”, phải đạt đến mục tiêu như thế nào? Câu tiếp theo nói giảng từ ngữ “cùng kỳ nguyên bổn”.


(Diễn) Nguyên bổn thị vạn lự chi nguyên đầu căn bản.

(演) 源本,是萬慮之源頭根本。

(Diễn: “Cội nguồn” là gốc rễ đầu mối của mọi mối lo sầu).


Trong Giáo Hạ thường nói tới điều này, gọi nó là “căn bản vô minh”. Chúng ta có thể bỏ ngay căn bản vô minh được hay chăng? Chẳng thể nào! Giống như chúng ta mặc quần áo, trời lạnh, mặc rất nhiều quần áo, mặc tới mấy bộ quần áo, căn bản vô minh giống như bộ quần áo sát thân. Khi quý vị cởi ra, nhất định phải cởi lớp bên ngoài trước, cởi từng lớp một thì mới cởi được lớp tận trong cùng, trọn chẳng thể nào không tháo bỏ những lớp ngoài mà cởi ngay được lớp bên trong. Đó là chuyện không thể nào làm được! Chúng ta phải buông xuống từ ngoài vào trong, từ thô đến tế; trước hết là buông xuống Kiến Tư phiền não, rồi buông xuống Trần Sa phiền não, cuối cùng buông xuống căn bản vô minh. Chiếu theo thứ tự thuận này thì mới tột cùng nguồn cội được. Sách Diễn Nghĩa lại dùng mấy câu kinh Lăng Nghiêm để chứng minh.


(Diễn) Cận ngôn chi, tức thị dung thông vọng tưởng, dĩ vi kỳ bổn. Cùng vị phù tưởng tiêu trừ, ư giác minh tâm, như khử trần cấu, thử tức thị Sự nhất tâm dã.

(演)近言之,即是融通妄想,以為其本。窮謂浮想消除,於覺明心,如去塵垢,此即是事一心也。

(Diễn: Nói gần gũi thì chính là dung thông vọng tưởng, lấy nó (tức vô minh) làm gốc. “Cùng” có nghĩa là tiêu trừ những vọng tưởng hời hợt nơi tâm giác minh như trừ khử bụi nhơ. Đây chính là Sự nhất tâm).


“Dung thông vọng tưởng” là đối với điên đảo mà nói. Lũ chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối khởi tâm động niệm, nghĩ trước, lo sau, những vọng tưởng ấy gọi là “dung thông vọng tưởng”. Vô lượng vô biên vọng tưởng đều sanh ra từ đây, chúng vẫn lấy vô minh làm căn bản. Nếu hiểu rõ, thông đạt chân tướng của hết thảy các pháp, người ấy sẽ chẳng khởi vọng tưởng nữa. Quả thật là do chẳng hiểu rõ, thông đạt tướng chân thật của hết thảy các pháp, do chẳng hiểu rõ nên dấy lên nghi hoặc, do dấy nghi hoặc bèn sanh ra vọng tưởng.

/ 289