/ 289
490

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 24

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, trang hai mươi tám, đoạn này nói về tánh chất trọng yếu của pháp Trì Danh Niệm Phật.

 

(Tự) Hựu dĩ nguyện môn quảng đại, quý tại tri tiên. Quán pháp thâm huyền, vưu ưng thủ ước. Tri tiên tắc vụ sanh bỉ quốc, thủ ước tắc duy sự trì danh, cử kỳ danh hề, kiêm chúng đức nhi câu bị, chuyên hồ trì dã, thống bách hạnh dĩ vô di.

(序) 又以願門廣大,貴在知先,觀法深玄,尤應守約

。知先則務生彼國,守約則惟事持名,舉其名兮,兼眾德而俱備,專乎持也,統百行以無遺。

(Tựa: Lại do nguyện môn rộng lớn, cần nhất phải biết đâu là chỗ cần kíp trước tiên. Do phép Quán sâu xa, u huyền, càng phải nên chọn lấy cách [hành trì] đơn giản. Biết chỗ cần kíp trước tiên sẽ chú trọng sanh vào cõi kia, giữ lấy cách [hành trì] giản ước sẽ chỉ chăm chú trì danh. Nêu lên danh hiệu ấy, các đức sẽ đều được đầy đủ. Chuyên trì sẽ gồm thâu trăm hạnh chẳng sót).

 

Trong đoạn văn thuộc phần lời tựa trên đây, lần trước, do thời gian hạn chế, tôi chỉ giảng câu thứ nhất. Câu thứ nhất nói về kinh Vô Lượng Thọ, đặc biệt chỉ ra A Di Đà Phật trong khi tu nhân đã phát bốn mươi tám nguyện, quả thật chẳng dễ dàng. Trong quá trình chúng ta học Phật, quả thật chúng ta rất khó thấy nghe những hoằng nguyện thù thắng như vậy. Nhìn từ chỗ này, chúng ta mới hiểu thế giới Tây Phương thù thắng là thật sự có lý. Câu thứ hai nói về kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Hai câu này được sách Diễn Nghĩa chú giải như sau:

 

(Diễn)  “Thâm” vị  Quán  thâm  diệu, “huyền”  vị  Lý  u  huyền.

Kinh trung Quán pháp, nãi dĩ pháp giới tâm quán pháp giới cảnh.

(演) 深謂觀深妙,玄謂理幽玄。經中觀法,乃以法界

心,觀法界境。

(Diễn: “Thâm” là phép Quán sâu mầu, “huyền” là Lý huyền diệu, u viễn. Pháp Quán được nói trong kinh chính là dùng pháp giới tâm để quán pháp giới cảnh).

 

Gộp cả ba kinh lại để nhìn, chúng ta sẽ rất dễ thấu hiểu lý luận, hành pháp, cảnh giới của pháp môn này. Pháp môn này là pháp môn Đại Thừa. Điều quan trọng nhất trong pháp môn Đại Thừa là tâm lượng phải lớn; tâm lượng chẳng lớn sẽ chẳng tương ứng với pháp môn này. Thật sự muốn cầu sanh về Tây Phương Tịnh Độ, chúng ta nhất định phải chú ý chuyện này, phải mở rộng tâm lượng của chính mình. “Pháp giới tâm” là chân tâm, chẳng phải vọng tâm, chữ “pháp giới” chỉ điều gì? Chỉ Nhất Chân pháp giới. Nếu không có chân tâm, sẽ chẳng thể thấy toàn thể pháp giới, cho đến cảnh giới vi tế trong pháp giới. Người bình thường quyết chẳng thể tu [các pháp Quán trong] Thập Lục Quán Kinh được, đừng nói mười sáu phép Quán, phép Quán thứ nhất là quán “mặt trời lặn giống như cái trống treo” đã khá khó thành tựu rồi! Những cảnh giới trong những phép Quán sau đó, mỗi một tầng càng sâu mầu hơn. Nói cách khác, mỗi tầng sau càng khó quán hơn tầng trước. Lý luận [trong kinh ấy] được nói hết sức châu đáo, tường tận, do vậy, tuy chúng ta là người tu theo cách Trì Danh Niệm Phật, lịch đại tổ sư đại đức vẫn thường khuyến khích chúng ta đọc Quán Kinh Diệu Tông Sao vì sách này giảng rõ đạo lý Tịnh Độ.

 

(Diễn) Sanh ư pháp giới y chánh sắc tâm, khởi phi thâm diệu? Kinh trung y chánh, đản Ứng sắc nhất tướng khả chiếu tam thân, y báo nhất trần tức Tịnh Quang độ, khởi bất u huyền?

(演) 生於法界依正色心,豈非深妙。經中依正,但應

色一相可照三身,依報一塵即寂光土,豈不幽玄。

(Diễn: Sanh ra y báo và chánh báo, sắc, tâm của pháp giới, há chẳng phải là sâu mầu? Y báo và chánh báo trong kinh, chỉ một sắc tướng nơi Ứng Thân đã có thể chiếu ba thân, một mảy trần của y báo chính là cõi Tịch Quang, há chẳng u huyền ư?)

 

Đây là hành pháp, căn cứ lý luận, đồng thời là cảnh giới của mười

sáu phép Quán. Y báo, chánh báo, sắc pháp, tâm pháp của mười phương thế giới đều là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Pháp giới tâm tức chân tâm có thể hiện, thức tâm có thể biến, biến hóa sâu mầu quả thật chẳng thể nghĩ bàn! Trong Quán Kinh nói tới y báo và chánh báo trang nghiêm của thế giới Tây Phương; ở đây, sách Diễn Nghĩa đã quy nạp thành câu “đản Ứng sắc nhất tướng” (chỉ một sắc tướng nơi Ứng Thân), Ứng (應) là Ứng Thân, một tướng nơi sắc thân của Ứng Thân có thể chiếu ba thân. “Y báo nhất trần” (một hạt bụi nơi y báo) chính là Thường Tịch Quang Tịnh Độ, lý được chứa đựng trong ấy hết sức sâu. Từ Yếu Giải và Sớ Sao, chúng ta đã từng đọc thấy [bốn cõi Tịnh Độ], tuy nói bốn cõi, nhưng bốn cõi ấy viên dung. Do đây có thể biết: Trong cảnh giới, có phải là thật sự có bốn cõi hay chăng? Nếu thật sự có bốn cõi thì làm sao bốn cõi có thể viên dung được? Chúng ta hãy nghĩ kinh Bát Nhã đã nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Chúng ta hỏi: Bốn cõi có phải là pháp hữu vi hay không? Bốn cõi có sắc tướng hay không? Đã có sắc tướng, đương nhiên chẳng thể trái nghịch định luật này. Do đây có thể biết: Bốn cõi do đâu mà có? Từ tâm thức của chúng sanh biến hiện ra. Tây Phương Tịnh Độ là như vậy, [thế giới] hiện tiền của chúng ta há là ngoại lệ? Vấn đề ở chỗ tâm uế hay tịnh, tâm thanh tịnh sẽ hiện Tịnh Độ, tâm ô uế sẽ hiện uế độ, cảnh giới do chính mình biến hiện.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289