458

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 23

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai mươi sáu:

 

  (Sớ) Hựu thù ân phục hàm nhị nghĩa, nhất giả, niệm Phật thị ân trung chi thù, nhị giả, trì danh niệm Phật, hựu thù ân trung chi thù dã.

  (疏) 又殊恩復含二義,一者念佛是恩中之殊,二者持

名念佛,又殊恩中之殊也。

  (Sớ: Lại nữa, “thù ân” còn bao gồm hai nghĩa: Một, niệm Phật là ân đức thù thắng nhất, hai, trì danh niệm Phật lại là thù thắng nhất trong các ân thù thắng).

 

  Sách Diễn Nghĩa có giải thích mấy câu này.

 

  (Diễn) Niệm Phật ân trung chi thù giả.

  (演) 念佛恩中之殊者。

  (Diễn: “Niệm Phật là ân thù thắng nhất” là...)

 

  Ý nghĩa của chữ “thù ân” đã được giải thích trong phần trước.

 

  (Diễn) Niệm Phật chi tỷ kỳ dư pháp môn, cố vi thù ân.

  (演) 念佛之比其餘法門,故為殊恩。

  (Diễn: So sánh Niệm Phật với các pháp môn khác, nên nói là ân thù thắng đặc biệt).

 

  Trong phần trước, đại sư đã so sánh từng chuyện một trong quá trình dạy học suốt đời của Thích Ca Mâu Ni Phật: Dẫu là Nhất Thừa Viên Giáo như Hoa Nghiêm hay Pháp Hoa, tuy là đại pháp rốt ráo viên mãn, nhưng chẳng khế hợp căn cơ của chúng sanh trong thời kỳ Mạt Pháp. Nói cách khác, chẳng thể tắt gọn, nhanh chóng chứng nhập trong một đời. Chúng ta lại thấy các bộ kinh Đại Thừa quy kết Tây Phương Tịnh Độ.

Nếu có một phương pháp thật sự thành tựu Tịnh Độ, được sanh về Tịnh Độ thì nói cách khác, há chẳng phải là thõng tay cũng đạt được pháp Nhất Thừa viên mãn ư? Đức Phật nói kinh điển nhiều dường ấy, có thể nói dụng ý của Ngài là lót đường cho pháp môn Di Đà, dạy chúng ta so sánh từng pháp môn thì mới thật sự phát hiện, thật sự nhận biết pháp môn này đặc biệt lạ lùng chẳng thể nghĩ bàn! Do vậy, đức Phật nói Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là “ân đức”, nói pháp môn Di Đà là “thù ân” (ân đức đặc biệt thù thắng). Đây là so sánh pháp môn Niệm Phật với các pháp môn khác.

 

  (Diễn) Nhi Niệm Phật nhất môn, phục hữu đa chủng, như Quán Tượng, Quán Tưởng, Thật Tướng đẳng.

  (演) 而念佛一門,復有多種,如觀像、觀想、實相等

  (Diễn: Nhưng một môn Niệm Phật lại có nhiều thứ, như Quán Tượng, Quán Tưởng, Thật Tướng v.v...)

 

  Pháp môn Niệm Phật lại có rất nhiều thứ, ở đây, quy nạp thành bốn loại: Quán Tượng, Quán Tưởng, Thật Tướng, Trì Danh.

Quán Tượng là nhìn tượng Phật. Do vậy, tượng Phật nhất định phải tạc trang nghiêm, giống như quy củ tạc tượng được dạy trong Tạo Tượng Lượng Độ Kinh[1], phải khắc họa được ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp của Phật, chẳng thể thuận theo sự tưởng tượng trong tâm chính mình để tạo tượng Phật. Nếu tạc [theo sự tưởng tượng của chính mình] như vậy, sẽ là sai, [tạc tượng] có pháp tắc nhất định. Nói đến tượng Phật thì cũng có đồng học đến hỏi: “Chúng con thỉnh một bức tượng Phật về thờ trong nhà, nghe nói tượng Phật phải khai quang; không khai quang sẽ chẳng linh?” Năm ngoái, tôi giảng kinh tại Cựu Kim Sơn (San Francisco), có một cư sĩ thỉnh tôi khai quang cho tượng Thiên Thủ Quán Âm. Tượng Thiên Thủ Quán Âm ấy tạc rất trang nghiêm, cao bảy thước[2]. Tôi còn chụp mấy tấm ảnh đem về làm kỷ niệm, tôi khai quang cho bức tượng Thiên Thủ Quán Âm ấy. Trong Phật môn, đây cũng là pháp tu học tất yếu.

  “Khai quang” chẳng phải là khai quang cho tượng Phật. Nếu có thể khai quang cho tượng Phật thì quý vị lạy Phật sao bằng lạy tôi! Tôi khai quang cho tượng Phật khiến cho tượng Phật linh thiêng, tượng sẽ linh; tôi không khai quang, tượng chẳng linh. Vậy là tôi thiêng hơn tượng Phật nhiều lắm! Hằng ngày, quý vị mời tôi về nhà cúng dường tốt hơn, cần gì phải thỉnh tượng Phật bằng đất nặn, gỗ khắc? Đấy là lầm lẫn quá đỗi! Do vậy, tượng Phật vừa tạo xong, cử hành một điển lễ bắt đầu [đưa tượng Phật] vào sử dụng, giống như dựng nhà xong làm lễ khánh thành, đến chúc mừng một phen. Tượng Phật có ý nghĩa càng đặc biệt hơn! Phải nói rõ ý nghĩa của tượng Phật. Vì sao phải thờ phụng? Ý nghĩa thờ phụng là đâu? Do nhờ vào tượng Phật để mở mang trí huệ quang minh của chính mình, đó gọi là “khai quang”. Nhờ vào tượng Phật để khơi mở ánh sáng Bát Nhã trong tự tánh của chính mình, chứ không phải là chúng ta khai quang cho tượng Phật. Chớ nên điên đảo chuyện này! Chúng ta vừa thấy [tượng] A Di Đà Phật, liền nghĩ A Di Đà Phật tượng trưng cho Vô Lượng Giác. Vừa trông thấy vị Phật ấy chúng ta liền giác chứ không mê, giác là ánh sáng! Cúng dường tượng Phật bèn suốt ngày từ sáng đến tối thời thời khắc khắc khai phát cho tâm địa của chính mình quang minh, ý nghĩa là như vậy đó. Do vậy, hôm thứ nhất thỉnh tượng Phật mới toanh để thờ về, thỉnh pháp sư đến thuyết pháp cho chúng ta, nói ý nghĩa của tượng Phật, công đức cúng dường, cách cúng dường đúng pháp là như thế nào thì chúng ta mới đạt được lợi ích chân thật do cúng dường, đó gọi là “khai quang”.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net