A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 22
Xin đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, trang hai mươi bốn:
(Sớ) Thừa thượng, thử kinh cụ hữu như thị bất khả tư nghị công đức, cố Phật thuyết thử kinh, lương hữu dĩ dã. Sạ giả, tạm dã; tạm thời chi thuyết, phi cứu cánh dã. Tam thừa giả, thừa bổn vô tam, quyền thuyết hữu tam, vị Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát dã. Chung giả, đối Sạ nhi ngôn, Thật giả, đối Quyền nhi ngôn. Ngôn Thế Tôn thỉ thành Chánh Giác, diễn đại Hoa Nghiêm, đại giáo nan đầu, tùy chúng sanh căn, thuyết tam thừa pháp, hậu nãi hội Quyền quy Thật, tất dữ đại xa, cố viết “đẳng ban trân tứ”. Thử Như Lai nhất đại thời giáo chi đại trí dã.
(疏)承上,此經具有如是不可思議功德,故佛說此經,良有以也。乍者暫也,暫時之說,非究竟也。三乘者,乘本無三,權說有三,謂聲聞緣覺菩薩也。終者對乍而言,實者對權而言。言世尊始成正覺,演大華嚴,大教難投,隨眾生根,說三乘法,後乃會權歸實,悉與大車,故曰等頒珍賜。此如來一代時教之大致也。
(Sớ: Theo như phần trên, kinh này có đủ các công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy, nên Phật nói kinh này chính là vì lý do đó. “Sạ” là tạm, tức nói tạm thời, chẳng phải rốt ráo. Tam thừa: Thừa vốn chẳng có ba, nói quyền biến là có ba, tức là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. “Chung” là đối với “tạm” mà nói, Thật là đối với Quyền mà nói. Ý nói đức Thế Tôn lúc mới thành Chánh Giác, diễn giảng kinh đại Hoa Nghiêm, nhưng đại giáo khó thể thích hợp mọi căn cơ nên tùy thuận căn tánh của chúng sanh mà nói pháp ba thừa, sau đó thâu tóm các pháp quyền biến về pháp chân thật, đều ban cho cỗ xe to, nên nói là “bình đẳng ban cho món quý báu”. Đây chính là những nét chánh yếu trong giáo pháp cả một đời Như Lai vậy).
Liên Trì đại sư tự giải thích đại ý của đoạn văn trong lời tựa. Đại sư thật sự từ bi đến tột bậc, tuy lời văn đã nói rất rõ ràng, nhưng đại sư sợ chúng ta chẳng thể hiểu những ý nghĩa bao hàm trong ấy, hoặc tuy có thấy, nhưng thấy chưa thấu triệt, chưa được rốt ráo nên Ngài chẳng ngại phiền, tự chú giải thêm. “Thừa thượng” chính là chữ “cố” (故) trong lời tựa, phần trước là Tổng Tán, tiếp nối phần Tổng Tán. Ngài lại nói rõ kinh A Di Đà “cụ hữu như thị bất khả tư nghị công đức” (có đủ các công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy), câu này nhằm tổng kết đoạn Tổng Tán chúng ta vừa đọc, “cố Phật thuyết thử kinh, lương hữu dĩ dã” (nên đức Phật nói kinh này chính là vì lý do đó), nêu ra bổn nguyện và bổn hoài độ chúng sanh của Phật là như vậy. Nếu chẳng nói kinh A Di Đà thì bổn ý độ chúng sanh của Phật sẽ chẳng thể trọn hết được, sự nghiệp độ chúng sanh của Phật sẽ chẳng thể viên mãn, đủ thấy: Kinh này chẳng thể không nói!
“Sạ thuyết tam thừa” là tạm thời nói, trọn chẳng phải là pháp rốt ráo, vì sao chẳng nói pháp rốt ráo?
(Diễn) Phi cứu cánh giả, tùy nghi chi quyền, phi xuất thế bổn hoài dã.
(演) 非究竟者,隨宜之權,非出世本懷也。
(Diễn:“Chẳng phải là cứu cánh”: Quyền biến thuận theo cơ nghi, chẳng phải là bổn hoài xuất thế).
“Xuất thế bổn hoài”: Vì sao đức Phật đến thế giới này? Ngài có thể không đến, từ rất lâu Ngài đã vượt khỏi ba cõi, vượt thoát lục đạo, vì sao còn phải trở lại? Nói thật ra, bổn ý Ngài đến cõi này là để nói kinh A Di Đà, đến vì mục đích ấy. Đã là như vậy, sao không vừa đến liền nói kinh này chẳng phải là hay hơn ư? Vừa đến mà nói ngay kinh này thì quý vị chẳng tin; do vậy, phải nói rất nhiều kinh luận rồi mới nói bộ kinh này, quý vị sẽ tin tưởng, mới hiểu Phật pháp rốt ráo, quả thật là như vậy.
(Diễn) Như kinh vân: “Ngã thử cửu bộ pháp, tùy thuận chúng sanh thuyết, nhập Đại Thừa vi bổn, dĩ cố thuyết thị kinh”, thị dã.
(演)如經云:我此九部法,隨順眾生說,入大乘為本,以故說是經。是也。
(Diễn: Như kinh nói: “Chín bộ pháp này của ta do tùy thuận chúng sanh mà nói, lấy nhập Đại Thừa làm gốc, vì thế nói kinh này” chính là nói về chuyện này vậy).
Đại sư dẫn lời đức Phật tự nói để thuyết minh: “Chín bộ pháp” chính là chín thứ trong mười hai phần giáo, những phần giáo ấy đều vì “tùy thuận chúng sanh” mà nói, trọn chẳng phải là pháp rốt ráo, dùng những pháp ấy để khuyên dụ, hướng dẫn hết thảy chúng sanh tiến nhập Đại Thừa. Đại Thừa mới là bổn hoài thuyết pháp của đức Phật. Kinh này là kinh Đại Thừa, không chỉ là kinh Đại Thừa mà còn là pháp môn Tổng Trì của các kinh Đại Thừa, chúng ta nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa này. Tiếp theo đây là lời giải thích về ba thừa.
(Diễn) “Thừa bổn vô tam” giả, như kinh vân: “Thập phương Phật độ trung, duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị, diệc vô tam”. Quyền thuyết hữu tam giả, như kinh vân: “Trừ Phật phương tiện thuyết, đản dĩ giả danh tự, dẫn đạo ư chúng sanh”.